Thừa Thiên Huế: Tại sao vẫn tiếp tục thi tuyển thiết kế cầu vượt sông Hương?

Tiếng dân - Ngày đăng : 11:07, 31/05/2019

(TN&MT) - Đã thi tuyển đến 2 lần, đã có giải nhất được trao. Thế nhưng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn chưa chọn được phương án nào cho công trình cầu vượt sông Hương (TP. Huế) vì cho rằng chưa phù hợp. Và sắp tới, lần thi tuyển thứ 3 sẽ được diễn ra khiến dư luận rất xôn xao...

Các phương án đều chưa phù hợp

Theo tìm hiểu, dọc sông Hương hiện nay có 3 cây cầu là Trường Tiền, Phú Xuân và Dã Viên. Cả 3 cây cầu đều đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế- xã hội của Huế, nhất là đảm bảo việc đi lại của người dân và du khách.
 

Phương án “Nón Huế” (ảnh) từng đạt giải nhất trong cuộc thi lần 2 vẫn không được chọn
Phương án “Nón Huế” (ảnh) từng đạt giải nhất trong cuộc thi lần 2 vẫn không được chọn

Nhằm giảm tải phương tiện lưu thông đồng thời tạo thêm điểm nhấn cho dòng sông di sản, từ tháng 10/2015, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức cuộc thi tìm kiếm phương án xây dựng cầu vượt sông Hương.

Công trình cầu vượt sông Hương có chiều dài dự kiến 385m, chiều rộng 43m, với 6 làn xe; kinh phí khoảng 1.200 tỷ đồng. Tải trọng thiết kế cầu HL93; khổ thông thuyền theo tĩnh không thông thuyền của cầu Dã Viên là +4,75m; khổ thông thuyền có thể thay đổi theo phương án kiến trúc dự tuyển...

Trong lần thi đầu tiên vào năm 2015, có 11 phương án của 5 đơn vị tham gia. Các phương án dự thi được đánh giá có chất lượng thấp, chưa đáp ứng yêu cầu. Phương án đoạt giải cao nhất cũng chỉ được chấm giải ba nên không được lựa chọn.

Vào tháng 2/2016, cuộc thi tiếp tục diễn ra, thu hút 20 phương án tham gia dự tuyển của 13 đơn vị; trong đó có 1 đơn vị đến từ Pháp.
 

Thừa Thiên Huế đang tìm một phương án tối ưu nhất để xây dựng công trình cầu vượt trên sông Hương và sẽ là biểu tượng của xứ Huế
Thừa Thiên Huế đang tìm một phương án tối ưu nhất để xây dựng công trình cầu vượt trên sông Hương và sẽ là biểu tượng của xứ Huế

Lần này, các đơn vị đều đầu tư công phu từ ý tưởng đến cách thể hiện, trình bày, diễn giải. Chất lượng các phương án được cải thiện rõ rệt, đa dạng và phong phú hơn. 11 thành viên Hội đồng tuyển chọn là những giáo sư, tiến sĩ đầu ngành của Trung ương và địa phương đến từ Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam, Viện Quy hoạch Xây dựng Thừa Thiên Huế, Hội Quy hoạch phát triển đô thị, Hội Kiến trúc sư, Sở Xây dựng, Sở GTVT, Sở VHTT&DL tỉnh Thừa Thiên Huế, Phòng Quản lý đô thị TP. Huế.

Kết quả, phương án hình tượng “Chiếc nón”  đạt giải nhất, “Trăng sông Hương” đạt giải nhì và và “Núi Ngự Bình” đạt giải ba.

Sau cuộc thi lần 2, giải nhất là hình tượng nón lá được đưa ra lấy ý kiến của người dân và các chuyên gia một cách rộng rãi. Tuy nhiên, phương án này đã vấp phải sự phản đối vì bị cho là không đẹp, không thể hiện sự đặc sắc về văn hóa - lịch sử Huế. Đồng thời cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của một công trình kiến trúc quan trọng, nó chưa thể hiện được “hồn cốt” văn hóa, lịch sử cố đô.

“Các phương án đạt giải ở kì thi trước, có người nói đẹp, người nói không đẹp đó là tùy theo quan điểm từng người. Tuy nhiên, mặt bằng chung thì các phương án thiết kế này chưa đáp ứng được yêu cầu tối ưu về mặt kiến trúc và kỹ thuật nên không được chọn. Sau nhiều lần cân nhắc, tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định tiếp tục tổ chức cuộc thi thiết kế cầu vượt sông Hương lần 3 để tìm ra phương án phù hợp...”, ông Nguyễn Đình Bách- Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin.

Treo thưởng “khủng”

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cầu vượt sông Hương được tỉnh đưa vào kế hoạch đầu tư công, xin ngân sách của Trung ương. Khi nào có nguồn kinh phí từ trung ương thì mới bắt đầu triển khai xây dựng.

Đối với lần thi thứ 3 này, cơ cấu giải thưởng gồm 1 giải nhất trị giá 500 triệu đồng và 1 giải nhì trị giá 100 triệu đồng. Dự toán chi phí tổ chức thi tuyển thiết kế công trình cầu vượt sông Hương khoảng 1 tỷ đồng. Ngoài chi phí giải thưởng, 400 triệu là chi phí các nội dung còn lại. Thời gian bắt đầu nhận hồ sơ từ ngày 2/8 đến hết ngày 10/8 tới.
 

Phương án được chọn sẽ được lấy ý kiến rộng rãi từ người dân...
Phương án được chọn sẽ được lấy ý kiến rộng rãi từ người dân...

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu phương án thiết kế cầu vượt sông Hương phải đảm bảo hài hòa với cảnh quan dọc hai bên bờ sông Hương, có ý tưởng đặc sắc, khác biệt với các cầu đã có trên sông Hương, không trùng lặp với các ý tưởng và phương án thiết kế của các cầu hiện có tại Việt Nam và trên thế giới đồng thời nghiên cứu kỹ về chiếu sáng trang trí và chiếu sáng nghệ thuật, tạo điểm đến thu hút khách du lịch. Phương án thiết kế kiến trúc công trình cầu vượt sông Hương trên đường Nguyễn Hoàng cần đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu kỹ thuật theo quy định, phát huy tối đa về ý tưởng thiết kế, công nghệ ứng dụng tiên tiến, hiện đại, đạt hiệu quả cao về chất lượng cũng như giá trị văn hóa và thẩm mỹ), đảm bảo tiến độ kế hoạch.

“Cầu vượt sông Hương có mục tiêu sẽ là một công trình kiến trúc tiêu biểu, hiện đại và là điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan cho khu vực sông Hương. đồng thời hình thành một trong những công trình mang tính biểu tượng của TP. Huế trong tương lai gần. Dự kiến tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ mời các đơn vị từng đạt giải trong các cuộc thi thiết kế cầu như cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý ở Đà Nẵng. Đầu tháng 9, Hội đồng thi tuyển tổ chức tổ chức lấy ý kiến các nhà khoa học có liên quan về phương án thi tuyển đạt giải; trưng bày lấy ý kiến cộng đồng nhân dân. Phương án đạt giải cao nhất có ý tưởng đặc sắc, đảm bảo yêu cầu sẽ được xem xét lựa chọn để triển khai thực hiện...”, ông Bách nói.