Chủ tịch xã Ninh Nhất bị tố nhận nhiều lô đất tái định cư trái quy định: Liệu có “bao che” cho sai phạm?

Tiếng dân - Ngày đăng : 11:37, 22/05/2019

(TN&MT) – Liên quan đến việc ông Nguyễn Như Bằng Chủ tịch UBND xã Ninh Nhất bị tố không thuộc diện tái định cư (TĐC) nhưng vẫn được nhận 2 lô đất TĐC của dự án đền bù, GPMB đường ĐT 477 gây bức xúc lớn trong dư luận nhân dân. Về việc này, liệu có hay không sự “bao che” cho sai phạm?

Thu hồi đất ao được đền bù 2 lô đất TĐC

Chuyện hy hữu thu hồi đất ao nhưng được đền bù đến 2 lô đất ở tại khu TĐC là chuyện hoàn toàn có thật đối với trường hợp của ông Nguyễn Như Bằng, Chủ tịch UBND xã Ninh Nhất.

Anh 1
Vị trí 2 lô đất TĐC mà vị Chủ tịch UBND xã Ninh Nhất nhận được khi thu hồi 210 m2 đất ao.

Cụ thể: Theo Thông báo số 609/TB – UBND ngày 14/05/2019 của UBND TP. Ninh Bình nói rõ: Nguồn gốc thửa đất bị thu hồi GPMB của ông Nguyễn Như Bằng được UBND TP. Ninh Bình cấp GCNQSD đất vào ngày 14/04/2008 với diện tích 655,1 m2 (trong đó đất ở 309,7 m2, đất nuôi trồng thủy sản 345,4 m2) thuộc thửa đất số 21, tờ bản đồ số 16, bản đồ địa chính xã Ninh Nhất lập năm 2006 mang tên ông Nguyễn Như Bằng, vợ là bà Hồ Thị Lan.

Thực hiện dự án đường ĐT 477 (đoạn qua xã Ninh Nhất), “hộ gia đình ông Nguyễn Như Bằng thuộc diện GPMB, tổng diện tích bị ảnh hưởng thu hồi là 210 m2, loại đất ao, vị trí thửa đất thuộc thửa số 21, tờ bản đồ số 16, bản đồ địa chính xã Ninh Nhất lập năm 2006”.

Đối với việc giao đất TĐC, UBND TP. Ninh Bình trả lời một cách mập mờ, lấp liếm cho rằng: “Căn cứ Điều 87 Luật Đất đai 2003 được sửa đổi, bổ sung 2009 quy định việc xác định diện tích đất ở đối với trường hợp có vườn ao và Điều 45 Nghị định 181/2004/NĐ – CP ngày 29/10/2004 về thi hành luật đất đai thì đất ở có vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư được hình thành trước 18/12/1980 thì diện tích đất vườn, ao đó được xác định là đất ở”.

Anh 2
Thông báo giải quyết tố cáo có nhiều “mập mờ” của UBND TP. Ninh Bình.

“Trên cơ sở các quy định về giao đất TĐC tại Điểm c, Khoản 5, Phần IV (không nêu rõ quy định nào – PV), Thông báo số 237/TB – UBND ngày 21/08/2012 của UBND TP. Ninh Bình thông báo về chính sách bồi thường, hỗ trợ GPMB và giao đất TĐC cho các hộ gia đình thuộc phạm vi GPMB xây dựng tuyến đường ĐT 477 đoạn qua xã Ninh Nhất: “Hộ gia đình có diện tích đất ở hợp pháp được bồi thường từ 200 m2 đến dưới 400 m2 thì được giao 2 lô tái định cư”. Sau khi thực hiện nghĩa vụ tài chính, hộ ông Nguyễn Như Bằng được UBND TP. Ninh Bình giao 2 lô TĐC (lô A8 diện tích 154 m2, lô A9 diện tích 154 m2), tổng diện tích 2 lô là 308 m2 theo mặt bằng quy hoạch tại khu TĐC Ninh Nhất”.

UBND TP. Ninh Bình còn cho rằng “công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB và tái định cư thực hiện dự án xây dựng đường ĐT 477 đối với hộ ông Nguyễn Như Bằng đã được các cơ quan có thẩm quyền thực hiện đúng quy định của pháp luật”?

Xin được nhắc lại rằng: Năm 2008 hộ ông Nguyễn Như Bằng đã được UBND TP. Ninh Bình cấp GCNQSD đất với diện tích 655,1 m2 (trong đó đất ở 309,7 m2, đất nuôi trồng thủy sản 345,4 m2), diện tích bị thu hồi cho dự án chỉ là 210 m2 đất ao nhưng lại được UBND. TP Ninh Bình “hợp thức hóa” là đất ở để ông Bằng nhận đến 2 lô đất TĐC một cách tài tình?

UBND TP. Ninh Bình liệu có "quên" luật?

Thời điểm thực hiện thu hồi, GPMB, TĐC của dự án xây dựng tuyến đường ĐT 477 thì Nghị định số 69/2009/NĐ – CP ngày 13/08/2009 về Quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của Chính phủ vẫn đang có hiệu lực và được áp dụng. Tại Khoản 1, Điều 19 quy định “Nhà ở, đất ở tái định cư được thực hiện theo nhiều cấp nhà, nhiều mức diện tích khác nhau phù hợp với mức bồi thường và khả năng chi trả của người được tái định cư. Đối với hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất ở mà không có chỗ ở nào khác thì được giao đất ở hoặc nhà tái định cư”

Thông tư số 14/2009/TT – BTNMT ngày 01/10/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và trình tự, thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất. Tại Điều 18 Các trường hợp được bố trí tái định cư như sau: “1. Hộ gia đình, cá nhân, phải di chuyển chỗ ở do bị thu hồi hết đất ở mà không có chỗ ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân không có nhu cầu tái định cư); 2. Hộ gia đình, cá nhân, bị thu hồi đất mà phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định của ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà không có chỗ ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi; 3. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở nằm trong hành lang an toàn khi xây dựng công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn phải di chuyển chỗ ở mà không có chỗ ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi.”

Đối với tỉnh Ninh Bình, thời điểm đó có Quyết định số 27/2009/QĐ – UBND ngày 16/10/2009 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc ban hành quy định chính sách bồi thường,hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (có hiệu lực đến ngày 29/09/2014 – PV). Tại Điều 15 của Quyết định này quy định rõ “Bố trí tái định cư và điều kiện được bố trí tái định cư thực hiện theo quy định tại Điều 18, Điều 19 của Thông tư số 14/2009/TT – BTNMT. Đối với các hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất ở mà không có chỗ ở nào khác thì được giao đất tái định cư…”

Như vậy rõ ràng, hộ ông Nguyễn Như Bằng, Chủ tịch UBND xã Ninh Nhất chỉ bị thu hồi đất ao, diện tích đất ở vẫn còn nguyên là 309,7 m2 không hề bị thu hồi một mét đất ở nào, không thuộc diện được TĐC theo quy định nhưng lại được nhận đến 2 lô đất TĐC. Dư luận hoài nghi phải chăng UBND TP. Ninh Bình đang quên luật, hay “xé luật” để Chủ tịch UBND xã Ninh Nhất trục lợi bất chính từ chính sách của Nhà nước?

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng của tỉnh Ninh Bình cần sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể có vi phạm mang lại niềm tin cho nhân dân.