Xã An Thượng, Hoài Đức - Hà Nội: Tái diễn tình trạng “hô biến” đất nông nghiệp để làm nhà xưởng?
Tiếng dân - Ngày đăng : 18:20, 10/05/2019
Những năm qua, thôn Lại Dụ (xã An Thượng, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) xuất hiện một khu “tiểu thủ công nghiệp” rộng chừng 4 ha. Đây vốn là đất bãi nông nghiệp trồng cây lâu năm như nhãn, bưởi, ổi ... và nằm gọn trong khu vực bãi sông và hành lang thoát lũ, đoạn đê tả sông Đáy từ K15+500 đến K16+600. Tuy nhiên theo thời gian, nhiều hộ dân đã dựng xưởng sản xuất, xây các công trình kiên cố và biến nơi đây thành một trung tâm sản xuất hàng hóa lớn. Những tuyến đường bê tông rộng lớn với xe tải hoạt động nhộn nhịp đêm ngày.
Suốt từ năm 2016 đến nay, huyện Hoài Đức cũng như xã An Thượng đã tổ chức và ban hành nhiều văn bản thể hiện quyết tâm vào cuộc quyết liệt nhằm cưỡng chế các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên đến nay, mọi chuyện vẫn nằm trên giấy và không một cán bộ nào bị kỷ luật vì buông lỏng quản lý đất đai, cũng chẳng có nhà xưởng nào bị đình chỉ hoạt động. Tất cả vẫn diễn ra bình thường.
Trao đổi với PV báo TN&MT vào cuối năm 2018, ông Nguyễn Chí Lương, Chủ tịch UBND xã An Thượng cho biết: “Những vi phạm cũ chúng tôi sẽ từng bước xử lý. Đối với những vi phạm mới, xã sẽ kiên quyết làm đến cùng. Như các anh đã đi thực tế sẽ thấy, An Thượng hiện nay gần như không có công trình xây mới. Hễ mà chúng tôi phát hiện được hộ nào chỉ manh nha dựng cột là sẽ cho người tới đập ngay”
Tuy nhiên khi có mặt tại khu “tiểu thủ công nghiệp” tại thôn Lại Dụ, PV rất ngỡ ngàng khi phát hiện nhiều công trình mới đã được đưa vào sử dụng mà thời điểm cuối năm 2018 vốn chỉ là vườn rau. Cụ thể, trên trục đường chính dẫn vào khu “tiểu thủ công nghiệp” nói trên xuất hiện hai công trình mới. Thứ nhất là nhà khung thép rộng chừng 150 m2 được quây vải đen, bên trong chủ công trình cho trồng lan. Cách đó chừng 30m, một công trình “khủng” khác cũng đã hoàn thành. Trên khu đất rộng chừng 1000 m2, người ta cho quây tôn kín mít, bên trong dựng hàng loạt nhà xưởng nối tiếp nhau. Bên ngoài, chủ cơ sở cho treo băng rôn quảng cáo là “trại gà Sinh Dung, chuyên cung cấp các loại gà giống, gà thịt”. Điều đáng nói là chủ trại gà này sử dụng các tấm tôn cũ để dựng trại và quây xung quanh. Nếu người lần đầu đến đây, chắc chắn nghĩ rằng công trình này được xây dựng từ rất lâu rồi.
Tiếp tục đi sâu vào bên trong khu sản xuất, PV báo TN&MT còn ghi nhận tình trạng một số hộ dân đang đổ đất, san nền và chỉ đợi thời cơ là dựng xưởng. Tại thời điểm PV có mặt, nền cơ bản đã san xong, những đống đất còn lại đang được tập kết để hoàn thiện nốt công đoạn cuối cùng. Theo dự đoán của PV, chỉ chừng 1 -2 tháng nữa, những nhà xưởng mới tiếp tục sẽ mọc lên trong hình dạng “những công trình cũ” giống trường hợp trại gà Sinh Dung nói trên.
Nhằm làm rõ những vi phạm mới phát sinh tại khu vực thôn Lại Dụ, PV đã liên hệ với ông Nguyễn Chí Lương, Chủ tịch UBND xã để hỏi thông tin. Tuy nhiên ông Lương cho biết đang bận họp và chưa thể trả lời. PV cũng liên hệ với ông Nguyễn Thuận Thịnh, Đội trưởng Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị Hoài Đức thì được biết: “Vấn đề này liên quan tới đất đai nên anh cứ liên hệ với xã hoặc Phòng TN&MT huyện. Chúng tôi không quản lý trực tiếp nên không rõ”.
Còn nhớ vào cuối năm 2018, khi trao đổi với PV báo TN&MT, Chủ tịch xã An Thượng khẳng định rằng: “Chúng tôi cố gắng để giữ ổn định tình hình, không cho vi phạm mới phát sinh mà thôi. Còn đối với những vi phạm cũ, mặc dù huyện đã có chỉ đạo xử lý nhưng do còn vướng một số khó khăn nên chúng tôi vẫn chưa xử lý được. Có lẽ chúng tôi sẽ cố gắng giữ nguyên hiện trạng như hiện nay. Về việc cưỡng chế thì thực sự là khó khả thi lắm”.
Ấy nhưng trước những vi phạm mới phát sinh, liệu lãnh đạo xã An Thượng và huyện Hoài Đức có biết hay không? Trong khi những vi phạm cũ vẫn tồn tại như một sự thách thức thì vi phạm mới lại diễn ra như một trò ảo thuật “quỷ không biết thần không hay”. Đề nghị lãnh đạo huyện Hoài Đức sớm vào cuộc kiểm tra, làm rõ và thông tin để dư luận tỏ tường.
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc...