Vụ dân “kêu cứu” vì nhà máy chế biến gỗ gây ô nhiễm môi trường: Báo TN&MT phản ánh đúng thực tế

Tiếng dân - Ngày đăng : 09:06, 11/05/2019

(TN&MT) - Ngày 17/4/2019, Báo điện tử Tài nguyên & Môi trường đăng bài: “Thanh Hóa: Dân “kêu cứu” vì nhà máy chế biến gỗ gây ô nhiễm môi trường” phản ánh việc Công ty cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại LHD từ khi đi vào hoạt động cũng là lúc cuộc sống của hàng trăm hộ dân hai xã Bãi Trành và Xuân Bình, huyện Như Xuân bị ảnh hưởng nghiệm trọng vì khói và hóa chất phát tán, gây ô nhiễm môi trường

Ngay sau khi Báo phát hành, ngày 24/4 Sở Tài nguyên & Môi trường đã phối hợp với UBND huyện Như Xuân, UBND xã Bãi Trành và Trưởng thôn Nhà Máy đã làm việc với Công ty cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại LHD
 

Nhà xưởng xuống cấp, ống khói thấp…là nơi phát tán khói, bụi ra môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.
Nhà xưởng xuống cấp, ống khói thấp…là nơi phát tán khói, bụi ra môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.

Ngày 6/5/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã có Công văn số 2417/STNMT-BVMT gửi Báo Tài nguyên & Môi trường về việc kiểm tra xác minh Báo nêu. Công văn nêu: Công ty cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại LHD đi vào hoạt động từ tháng 8/2018, được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định 583/QĐ-UBND ngày 4/2/2017 trên diện tích 23.779 m2 với mục đích xây dựng khu sản xuất thương mại tổng hợp. Hiện tại Nhà máy đang sản xuất 2 loại sản phẩm ( ván bóc và thanh nan), các hạng mục sản xuất gồm: 01 bồn xử lý ngâm tẩm gỗ, 6 hầm sấy gỗ; 1 lò hơi; 5 máy cưa xẻ gỗ; 1 dây chuyền bóc ván gỗ. Nguyên liệu đầu vào gồm: Gỗ keo, gốc cây cao su, hóa chất ( Borax, Optibor boric, Soda ash light)
 

Nhà xưởng sản xuất không có thiết bị phòng cháy, hàng chục công nhân đang lao động thiếu đồ bảo hộ.
Nhà xưởng sản xuất không có thiết bị phòng cháy, hàng chục công nhân đang lao động thiếu đồ bảo hộ.

Qua kiểm tra thì Nhà máy chưa đầu tư đầy đủ các công trình hạng mục theo phê duyệt mặt bằng chi tiết 1/500; chưa có giải pháp xử lý triệt để mùi từ 6 hầm sấy gỗ và thu gom toàn bộ nước mưa chảy tràn; Không có nội quy an toàn lao động; Không trang bị bảo hộ lao động cho công nhân; Khu vực phía trước cổng nhà máy gần khu dân cư lắp đạt 2 máy cưa xẻ gỗ; Thực tế Nhà máy hoạt động không phù hợp với bản Kế hoạch bảo vệ môi trường đã được UBND huyện Như Xuân phê duyệt; Chưa thực hiện giám sát môi trường theo định kỳ
 

Công Văn trả lời của Sở Tài nguyên và Môi trường
Công Văn trả lời của Sở Tài nguyên và Môi trường

Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng yêu cầu Công ty cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại LHD di dời toàn bộ máy cưa, máy xẻ về vị trí mới, đảm bảo cách khu dân cư 100 mét trở lên, không được xẻ gỗ vào giờ cao điểm; Khẩn trương lắp đặt hệ thống thu, hút và xử lý mùi từ hầm sấy gỗ; Không được xử dụng gỗ cao su tươi làn nguyên liệu đốt lò hơi; Lập hồ sơ về môi trường đúng với hoạt động của nhà máy trình cấp có thẩm quyền phê duyệt…

Báo Tài nguyên & Môi trường hoan nghênh tinh thần tiếp thu và xử lý kịp thời của Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa