Hậu Lộc (Thanh Hóa): Vì sao dự án gần trăm tỷ đổ thải không đúng vị trí mà không bị xử lý?

Tiếng dân - Ngày đăng : 14:18, 06/05/2019

(TN&MT) - Báo Tài nguyên & Môi trường ngày 14/3/2019 đăng bài: “Hậu Lộc (Thanh Hóa): Dự án gần trăm tỷ đổ thải không đúng vị trí” phản ánh việc trong quá trình thi công Dự án kè sông Trà Giang, Thị trấn huyện Hậu Lộc. Mặc dù đã được Chủ đầu tư phê duyệt bãi đổ thải, nhưng thay vì đổ thải đúng vị trí, đúng cự ly theo như phê duyệt thì nhà thầu thi công đã đổ thải tràn lan ra cả đường, bờ ruộng, bờ mương, nhà chờ xe buýt và mang cả đi bán san lấp mặt bằng.

Ngay sau khi Báo phát hành, phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Luệ, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc. Theo ông Luệ thì việc nhà thầu đổ thải tràn lan dọc theo tuyến đường từ Thị trấn đi xã Xuân Lộc - Hòa Lộc và đổ thải cạnh sân Vận động, nhà chờ xe buýt xã Lộc Tân là có thật. Sau khi nắm được thông tin, UBND huyện đã chỉ đạo nhà thầu thi công phải bốc hết những phần đã đổ mang về bãi thải theo đúng như quy hoạch được phê duyệt

Đơn vị thi công đổ ngổn ngang rác thải nạo vét từ sông Trà Giang nào là xà bần, rác rưởi, gốc cây dừa, thân rẽ cây dừa… tràn lan chận lên cả mương tưới tiêu
Đơn vị thi công đổ ngổn ngang rác thải nạo vét từ sông Trà Giang nào là xà bần, rác rưởi, gốc cây dừa, thân rẽ cây dừa… tràn lan chận lên cả mương tưới tiêu

Tuy nhiên đến thời điểm này, đơn vị thi công là Công ty TNHH Xây dựng Vận tải Xuân Thanh và Công ty TNHH Khánh Nông vẫn không thực hiện bốc đất thải mà mình đã đổ thải tràn lan gây ô nhiễm môi trường. Tại địa điểm đổ thải trước sân Vận động và nhà chờ xe buýt xã Lộc Tân, thì Công ty Khánh Nông đã dùng chính đất đó để san mặt bằng quy hoạch của Công ty

Đặc biệt, nhà thầu thi công còn “ngang nhiên” đổ đất, bùn thải nạo vét từ sông Trà Giang ra cả đoạn đường từ Nhà máy may IVORY xuống cầu Xuân Lộc. Chị Lê Thị Hương, công nhân may cho biết: Nhà tôi ở Hòa Lộc, mỗi ngày đi làm qua đoạn đường này 2 lần. Hôm đầu tiên, thấy rất nhiều xe mang đất thải ra đây, mấy hôm đầu đất bùn mới đổ ra thì mùi hôi thối khó chịu, mà không chỉ mùi hôi thối không đâu, mà còn cả đá thải, mảnh sành, mảnh chai vỡ rơi tung tóe bây giờ đất bùn này khô nên không còn mùi nữa, chị Hương nói thêm.

Không những thế, đơn vị thi công còn đổ thải ngay đoạn đường Thị trấn Hậu Lộc – Xuân Lộc
Không những thế, đơn vị thi công còn đổ thải ngay đoạn đường Thị trấn Hậu Lộc - Xuân Lộc

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Quản lý dự án cho biết: Việc đơn vị thi công đổ thải tràn lan theo như Báo phản ánh là đúng, UBND huyện cũng đã đề nghị đơn vị thi công bốc toàn bộ chất đổ thải về bãi thải được phê duyệt.

Tuy nhiên, đến thời điểm này đã gần 2 tháng, sau khi Báo phản ánh, chất thải, đá thải… cùng các loại gốc cây vẫn “án ngữ” dòng chảy của con mương lấy nước tưới tiêu của bà con và bên vệ đường mà không được nhà thầu thi công bốc đi. Có chăng chỉ bãi thải bên cạnh Trạm chờ xe buýt, trước Sân Vận động xã Lộc Tân được san gạt vào mặt bằng cạnh đó.

Điểm đổ thải trước mặt Sân vận động, bên hông nhà chờ xe buýt xã Lộc Tân được đơn vị thi công san lấp mặt bằng cho dự án khác
Điểm đổ thải trước mặt Sân vận động, bên hông nhà chờ xe buýt xã Lộc Tân được đơn vị thi công san lấp mặt bằng cho dự án khác

Được biết, Dự án đầu tư xây dựng công trình: Kè sông Trà Giang được Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc đã có Quyết định 1356/QĐ-UBND phê duyệt ngày 29/5/2018, Dự án kéo dài từ Tòa án nhân dân huyện đến Trường THPT Đinh Chương Dương. Mục tiêu của Dự án là đảm bảo tiêu, chống úng cho 3.200 ha đất canh tác, thổ cư, đường dân sinh và tạo nguồn bơm đảm bảo tưới cho 1.176 ha đất sản xuất nông nghiệp, ngăn chặn sạt lở, tạo cảnh quan môi trường khu vực góp phần phát triển kinh tế xã hội. Chiều dài tuyến kè thiết kế gồm bờ Bắc dài 755,3m, bờ Nam dài 1.631,9m, tổng chiều dài cả 2 tuyến là 2.387,20m. Với mức vốn đầu tư hơn 66,517 tỷ đồng bằng ngân sách huyện đầu tư theo kế hoạch.

Câu hỏi được nhiều người dân đặt ra: Việc nhà thầu thi công không đổ thải đúng vị trí, cự ly được phê duyệt, bán đất thải ra ngoài để thu lợi riêng. Vậy khi quyết toán công trình có khấu trừ hay không?. Với lại, Hậu Lộc là một huyện nghèo, người dân chủ yếu làm nông nghiệp, thường xuyên bị bão tố, mất mùa. Nhiều xã đang còn thiếu các công trình phúc lợi xã hội. Vậy nên việc đầu tư cho tưới tiêu là rất cần thiết, nhưng để chi ra hơn 66 tỷ đồng chỉ đầu tư cho gần 2.400 mét kè có cần thiết hay không?

Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.