Ngôi nhà bị bán rẻ trả nợ BIDV: BIDV Thái Bình nói gì?
Tiếng dân - Ngày đăng : 14:08, 05/05/2019
Báo Tài nguyên & Môi trường đã liên hệ với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Thái Bình về khiếu nại của bà Trần Thị Tuyết (Đông Minh, Tiền Hải) cho rằng bị ngân hàng và cơ quan thi hành án ép bán nhà trả nợ. Ông Nguyễn Duy Dũng (Ban Thương hiệu và quan hệ công chúng của BIDV) đã đại diện BIDV Thái Bình trả lời PV.
PV: Việc bà Trần Thị Tuyết (Đông Minh, Tiền Hải) thế chấp nhà đất vay tiền BIDV (không có chồng tham gia) đã được thực hiện như thế nào?
Đại diện BIDV: Bà Trần Thị Tuyết thiết lập quan hệ tín dụng với BIDV Thái Bình từ tháng 10/2011, với mục đích vay vốn phục vụ hoạt động nuôi ngao, tài sản thế chấp là 02 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sử dụng, sở hữu hợp pháp của bà Trần Thị Tuyết và chồng là ông Đào Văn Bằng.
PV: Việc thế chấp và vay tiền đã đúng quy định pháp luật hay chưa?
Đại diện BIDV: Việc thế chấp tài sản được BIDV Thái Bình và vợ chồng bà Tuyết, ông Bằng thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của Pháp luật, của BIDV. Theo đó, bà Trần Thị Tuyết và ông Đào Văn Bằng thống nhất thế chấp tài sản chung là 2 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất để đảm bảo cho toàn bộ các nghĩa vụ theo các Hợp đồng tín dụng được ký kết giữa bà Trần Thị Tuyết và BIDV Thái Bình.
PV: Trong gói vay của bà Tuyết, có việc mua bảo hiểm. Vậy các điều khoản bảo hiểm đã được thực hiện đầy đủ?
Đại diện BIDV: Bà Trần Thị Tuyết có mua bảo hiểm người vay vốn của Công ty bảo hiểm BIC, thời hạn bảo hiểm là 1 năm (từ 19/10/2011 đến ngày 18/10/2012). Sản phẩm bảo hiểm góp phần hạn chế rủi ro khi khách hàng vay tử vong do tai nạn hoặc ốm đau hoặc thương tật vĩnh viễn do tại nạn từ 70% sức khỏe trở lên. Trong thời hạn bảo hiểm còn hiệu lực, Công ty bảo hiểm BIC không nhận được bất cứ yêu cầu, kiến nghị nào từ phía bà Trần Thị Tuyết, do không phát sinh nghĩa vụ bảo hiểm.
PV: Bà Tuyết nhiều lần xin được trả tiền từng giai đoạn, nhưng ngân hàng không chấp thuận?
Đại diện BIDV: Trong quá trình quan hệ tín dụng tại BIDV Thái Bình, bà Trần Thị Tuyết thường xuyên để xảy ra tình trạng nợ quá hạn. BIDV Thái Bình rất nhiều lần có văn bản thông báo, đôn đốc, làm việc để tìm kiếm và thống nhất phương án tháo gỡ khó khăn nhưng đều không mang lại kết quả. Bà Trần Thị Tuyết xin được trả tiền từng giai đoạn và cam kết sẽ trả nợ theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, bà Tuyết đã không thực hiện đầy đủ các cam kết trả nợ.
PV: Theo những gì đã diễn ra, liệu BIDV có đảm bảo tinh thần tạo điều kiện cho khách hàng hay cố tình ép khách hàng phải mất nhà?
Đại diện BIDV: Trước tình trạng nợ xấu kéo dài và thái độ thiếu hợp tác của bà Tuyết, tháng 8/2015, BIDV Thái Bình đã khởi kiện bà Trần Thị Tuyết lên TAND TP Thái Bình để xử lý thu hồi nợ. Bản án sơ thẩm của TAND TP Thái Bình và bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Thái Bình đều tuyên BIDV Thái Bình thắng kiện. Theo đó bà Trần Thị Tuyết phải trả cho BIDV toàn bộ số nợ gốc, lãi phát sinh theo Hợp đồng tín dụng. Sau khi bản án có hiệu lực, bà Trần Thị Tuyết không tự nguyện thi hành án theo phán quyết của Tòa án. Vì vậy, Chi cục thi hành án dân sự huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đã thực hiện thi hành án theo quy định của pháp luật.
PV: Ngân hàng đã thu hồi được bao nhiêu đối với khoản nợ của bà Tuyết và các khoản lãi đã được tính thế nào?
Đại diện BIDV: Ngân hàng đã thu hồi toàn bộ phần nợ gốc và một phần lãi vay của bà Trần Thị Tuyết, lãi được tính theo đúng quy định của pháp luật, của Ngân hàng Nhà nước và BIDV.
PV: Cách giải quyết của BIDV vừa qua có phù hợp với chính sách ngân hàng đối với rủi ro của người vay tiền?
Đại diện BIDV: Nợ gốc còn lại sau khi đã thu nợ từ phát mại tài sản thế chấp thứ nhất và bà Tuyết đã có Đơn xin miễn giảm lãi, BIDV Thái Bình đã chấp thuận miễn giảm nợ lãi và bàn giao lại tài sản thế chấp thứ hai theo đúng mong muốn và nguyện vọng của bà Tuyết.
Ngân hàng nói rằng bà Tuyết cam kết sẽ trả nợ theo từng giai đoạn nhưng đã không thực hiện đầy đủ cam kết. Tuy nhiên trả lời chúng tôi, bà Tuyết khẳng định, bà đã nhiều lần xin được trả từng giai đoạn nhưng chưa bao giờ được ngân hàng chấp nhận. Không những vậy, ngân hàng vẫn áp dụng biện pháp phạt lãi chậm trả. Bà Tuyết vẫn phải cố gắng chạy vạy để trả tiền phạt này chứ không hề được ngân hàng tạo điều kiện. Trong khi đó, bà Tuyết đã có đơn và chứng nhận về rủi ro thiên tai gửi đi các cơ quan ban ngành và chính ngân hàng nhưng không ai chấp thuận. Đối với việc bảo hiểm khoản vay của khách hàng, theo bà Tuyết, bà bị thiên tai mất hết tài sản cũng chính là một tai nạn và ngân hàng đã không xem xét. |