Thừa Thiên Huế: Dự án khai thác cát xuất hiện, dân phải đối

Tiếng dân - Ngày đăng : 14:18, 06/05/2019

(TN&MT) - Khi vừa biết có dự án khai thác cát, sạn xuất hiện trên địa bàn, người dân xã Dương Hòa (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã không đồng tình, tìm cách ngăn chặn doanh nghiệp vì cho rằng việc hút cát sẽ gây nhiều hệ lụy, nhất là sạt lở đất đai, vườn tược...
Vị trí mà Công ty Cổ phần TM&DV Hồng Phát dự kiến khai thác cát
Vị trí mà Công ty Cổ phần TM&DV Hồng Phát dự kiến khai thác cát

Theo tìm hiểu của PV, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 08/GP-UBND ngày 2/2/2016 và Công văn số 5765/UBND-TN cho Công ty Cổ phần TM&DV Hồng Phát tiến hành khai thác khoáng sản cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường bằng phương pháp lộ thiên tại bãi bồi thôn Hộ - Buồng Tằm (xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy).

Cụ thể, diện tích khai thác là 5,1 ha được chia làm 2 khu: Khu A có diện tích 3,6 ha được giới hạn bởi các điểm góc đánh ký hiệu từ M1 đến M5 và khu B có diện tích 1,5 ha được giới hạn bởi các điểm góc từ M6 đến M11. Mức sâu khai thác ở 2 khu đều 4,5m. Công suất khai thác 25.000m3/năm. Thời hạn cấp phép 5 năm kể từ ngày ký.

Tuy nhiên, người dân 3 thôn Hạ, Hộ và Buồng Tằm ở xã Dương Hòa lại không đồng tình cho doanh nghiệp trên khai thác vì sợ sạt lở, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Người dân xã Dương Hòa phản đối sự việc
Người dân xã Dương Hòa phản đối sự việc

Để hiểu rõ hơn lý do mà dân phản đối sự việc, PV đã trực tiếp đến hiện trường dự kiến cho Công ty Cổ phần TM&DV Hồng Phát khai thác cát, sỏi để “mục sở thị”. Tại đây là một bãi đất rộng, lòng sông nước không quá sâu và ngay sát khu dân cư đang ở.

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Văn Duy (49 tuổi, thôn Buồng Tằm) cho hay, khu vực cấp phép đã canh tác lâu năm, vùng đất sản xuất nguyên thủy và đã có trích lục địa bộ chứ không phải bãi bồi như cơ quan chức năng khẳng định...

“Vườn tược, nhà dân đa số đều nằm sát dòng sông. Nơi đây còn có lăng tử đạo của giáo xứ Buồng Tằm, nhiều nhà thờ, chùa, di tích và là trung tâm chiến khu Dương Hòa xưa. Vì thế, chúng tôi phản đối bởi nếu doanh nghiệp không làm đúng như cam kết thì sẽ sạt lở nhà cửa, vườn. Mặt khác, trước đây đã có doanh nghiệp khai thác cát sỏi ở khu vực này và gây sạt lở nặng rồi nên việc chúng tôi không tin là có cơ sở. Tôi nghĩ doanh nghiệp nên chọn vị trí hợp lý hơn...”- ông Duy nói.

Những cột mốc mà doanh nghiệp đóng xuống đều bị người dân phá bỏ
Những cột mốc mà doanh nghiệp đóng xuống đều bị người dân phá bỏ

“Nhờ có bãi đó mà người dân ở làng tôi có thể mưu sinh. Năm nào cũng ra đó để làm ăn kiếm sống. Chúng tôi phản đối 100%, nếu như khai thác thì thôn này và chiến khu Dương Hòa sẽ biến mất luôn. Ở đây cũng có dự án trồng thanh trà ngay sát bờ sông. Nếu như khai thác thì sẽ sạt lở cả vườn tược, tổn hại kinh tế. Ngoài ra ở đó có một hàng cột cừ thời vua Bảo Đại đóng xuống để giữ đất nếu khai thác thì mất luôn...”- bà Võ Thị Thành (67 tuổi) thổ lộ.

Được biết, sau Tết đến nay ở xã Dương Hòa xuất hiện nhiều tàu thuyền khai thác cát trái phép ở thượng nguồn sông Tả Trạch, vì thế người dân 3 thôn kể trên đã lập đội tự quản, cắt cử người trực 24/24 để chống “cát tặc”. Vào đầu tháng 3 vừa qua, hàng chục người dân đã phá các cột múc mà doanh nghiệp đóng xuống khu vực dự kiến khai thác cát...

Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với PV Báo Tài nguyên & Môi trường, ông Lê Đình Thức - Phó Chủ tịch UBND xã Dương Hòa cho rằng, xã chỉ có 5 thôn thì đã 3 thôn dính vào vụ việc. Người dân phản đối là có lý, bởi hiện tại ở đó là cạnh hàng chục nhà dân và vườn tược kéo dài từ Buồng Tằm đến thôn Hạ cho nên họ sợ sạt lở. Ngoài ra ở đó có vườn cây lồ ô trên 5ha là nguyên liệu để phục vụ cho làng nghề tằm hương của xã Dương Hòa.

Lo lắng của dân là có cơ sở khi mà ngay sát khu vực dự kiến triển khai dự án là tình hình sạt lở diễn biến phức tạp (ảnh)
Lo lắng của dân là có cơ sở khi mà ngay sát khu vực dự kiến triển khai dự án là tình hình sạt lở diễn biến phức tạp (ảnh)

“Địa phương đã nhiều lần phối hợp với cấp trên như thị xã Hương Thủy, phòng TN&MT, Sở TN&MT để họp, tiếp xúc dân tìm phương án tối ưu nhất nhưng họ vẫn không đồng tình. Bà con Buồng Tằm vừa rồi cũng có đơn kiến nghị lên tỉnh, giáo dân giáo xứ Buồng Tằm cũng gửi một đơn khác với mong muốn được gặp cấp trên để giải quyết vụ việc. Bây giờ quan điểm của xã thứ nhất là tỉnh nên cử lãnh đạo về đối thoại với dân. Thứ hai, là tỉnh nên chỉ đạo Sở TN&MT giải quyết dứt điểm các đơn kiến nghị của dân để bà con sớm biết kết quả. Còn doanh nghiệp nên có phương án rõ ràng, giải thích rõ cho dân và tuân thủ giấy phép của tỉnh...”- ông Thức nói.

Cũng theo ông Thức, tỉnh cấp phép ở khu vực đó cũng đúng vì dòng chảy đang hẹp, khẩu độ hẹp và một bên đang sạt lở; thời gian tới xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân về dự án để họ hiểu hơn, còn lại mọi việc thì cấp trên mới giải quyết hết được...


Vào cuối tháng 10/2018, Công ty Cổ phần TM&DV Hồng Phát đã bị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xử phạt 800 triệu đồng. Lý do là vi phạm về độ sâu trong quá trình khai thác cát sỏi tại bãi bồi Lương Quán (phường Thủy Biều, TP. Huế), đồng thời công ty này cũng bị cơ quan chức năng  thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản.


Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.