Thái Bình: Vì sao ngôi nhà bị bán rẻ để trả nợ cho BIDV?

Tiếng dân - Ngày đăng : 11:46, 28/04/2019

(TN&MT) - Phá sản, khách hàng xoay tiền mang đến xin trả nợ theo năm nhưng ngân hàng không đồng ý. Ngôi nhà 2 tầng ở mặt đường lúc đầu được định giá hơn 1 tỷ nhưng đã phải hạ giá 9 lần và bán 551 triệu đồng. Người mất nhà nói rằng không hề biết thông tin đấu giá.

Báo Tài nguyên & Môi trường nhận được đơn của bà Trần Thị Tuyết (xã Đông Minh, huyện Tiền Hải) kêu cứu về việc bà bị mất nhà vì vay tiền của ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Bà Tuyết cho rằng, ngân hàng đã không tạo điều kiện cho bà trả nợ và cơ quan thi hành án đã làm không đúng quy trình pháp luật trong việc cưỡng chế ngôi nhà của gia đình bà.

Theo đơn của bà Tuyết, năm 2011, bà vay ngân hàng BIDV chi nhánh Thái Bình 600 triệu đồng để kinh doanh nuôi trồng hải sản. Tài sản thế chấp là 2 căn nhà (một là bố mẹ đang ở, một là vợ chồng bà ở). Bà Tuyết cũng được mua một gói bảo hiểm cho số tiền vay này tại Tổng Cty Bảo hiểm BIDV. Tuy nhiên cơn bão số 8 năm 2012 đã gây thiệt hại nặng nề. Bà Tuyết phá sản.

Gia đình bà Tuyết đã được chính quyền địa phương chứng nhận bị rủi ro thiên tai. Bà vẫn cố gắng vay mượn bạn bè anh em để trả lãi cho ngân hàng, đồng thời viết đơn nhiều lần gửi ngân hàng xin được miễn giảm lãi và trả gốc dần theo năm. Bằng cách xoay tiền đáo hạn, bà Tuyết cũng giảm được số vay xuống còn hơn 500 triệu đồng.
 

58381533 2242440256018556 6775334643429277696 n
Ngôi nhà 2 tầng mặt đường quốc lộ xuống KDL biển Đồng Châu được bán với giá 551 triệu đồng

Tuy vậy khi quá thời hạn, ngân hàng không đồng ý đề nghị của bà trả theo năm mà yêu cầu phải trả toàn bộ. Vì bà Tuyết không thể đáp ứng được, ngân hàng BIDV đã khởi kiện bà Trần Thị Tuyết ra tòa. Cả 2 cấp sơ và phúc thẩm đều tuyên án bà Tuyết thua cuộc và phải trả tiền gốc và tiền lãi cho BIDV. Nếu không trả được thì ngân hàng được thu hồi tiền bằng cách xử lý tài sản thế chấp.

Trên thực tế, hiện nay cơ quan thi hành án đã cưỡng chế ngôi nhà vợ chồng bà Tuyết ở và phát mại, trả tiền cho ngân hàng. Bà Tuyết cho rằng các cơ quan này đã cố tình ép bà phải mất nhà. Bởi sau khi tòa án tuyên xử và cơ quan thi hành án vào xử lý, bà vẫn tiếp tục xoay tiền mang đến xin trả nợ nhưng cả ngân hàng và cơ quan thi hành án đều từ chối. Việc cơ quan thi hành án không nhận tiền trả nợ của bà là không đúng với tinh thần hỗ trợ người dân.

Theo bà Tuyết, ngôi nhà của bà là nhà 2 tầng trên mảnh đất 100m2 nằm trên đường quốc lô nơi buôn bán sầm uất, Chi cục Thi hành án huyện Tiền Hải đã bán với giá quá rẻ mạt chỉ hơn 550 triệu đồng. Cũng theo bà Tuyết, việc định giá, đấu giá ngôi nhà, bà Tuyết đều không được Chi cục THADS thông báo đầy đủ.

Mặt khác, bà Tuyết cho hay, khi ngôi nhà bị cưỡng chế, trong nhà còn rất nhiều hàng hóa, đồ vật có giá trị nhưng cơ quan thi hành án không kiểm đếm công khai mà đã khống chế bà Tuyết cùng chồng đưa lên xe. Bà Tuyết bị cưỡng chế nhà vào thời điểm cuối năm khi sắp Tết nguyên đán, từ đó đến nay phải đi ở nhờ.

Làm việc với PV báo Tài nguyên & Môi trường, ông Ngô Quang Toản (Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh Thái Bình), Cục THADS tỉnh đã nhận được đơn của bà Trần Thị Tuyết và đã xác minh sự việc. Trong đó, chỉ có 1 nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục là phần tố cáo chi cục trưởng và Cục đã ban hành kết luận.

56821237 621158304977709 6821108553739141120 n
ông Ngô Quang Toản (Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh Thái Bình) làm việc với PV báo Tài nguyên & Môi trường

Tuy nhiên, ông Toản cho biết, qua nghiên cứu hồ sơ, Cục nhận thấy có tài liệu thể hiện việc thông báo hợp lệ của chi cục đối với bà Tuyết về việc THA và cưỡng chế. Trong đó, có cả những biên bản làm việc với bà Tuyết. Nếu nói rằng cơ quan THA không thông báo là không đúng.

Bà Tuyết nói rằng nộp tiền cho chi cục bị từ chối, ông Toản cho biết trong quá trình giải quyết thể hiện bà Tuyết không tự nguyện. Bà Tuyết chỉ mang lên 50 triệu đồng và đặt vấn đề là xin trả nợ theo năm. Cục nhận thấy, việc chi cục từ chối là đúng. Vì bản án của tòa không tuyên trả nợ theo định kỳ mà phải trả toàn bộ. Chi cục không thể tự ý thu tiền theo định kỳ như mong muốn của bà Tuyết. Nếu thu có thể ngân hàng sẽ kiện luôn cả cơ quan thi hành án.

56922723 325169678192178 3329475557145444352 n
Ông Nguyễn Khắc Toàn (Chi cục trưởng THSDS huyện Tiền Hải) cho biết đã 9 lần hạ giá nhà

Khi bà Tuyết xin được trả tiền theo năm, chi cục đã đề nghị với ngân hàng BIDV tạo điều kiện vì gia đình khó khăn. Tuy nhiên ngân hàng từ chối. Cơ quan THA không thể tự mình cho phép bà Tuyết trả tiền theo năm được.

Ông Toản cũng cho hay, theo quy định, việc cưỡng chế thi hành án không được thực hiện trong khoảng thời gian trước và sau Tết 15 ngày. Nhưng thực tế, việc thi hành án diễn ra trước Tết nguyên đán 1 tháng.

Theo ông Toản, toàn bộ thời gian cưỡng chế kê biên, bà Tuyết cũng đã có thời gian khiếu nại, quá trình thẩm định giá, bán đấu giá đều rất lâu. Cơ quan thi hành án đã tạo điều kiện hết mức. Việc định giá tài sản là do tổ chức thẩm định giá chứ không phải của thi hành án tự quyết và việc bán đấu giá được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Cũng theo ông Phó Cục trưởng, lúc đầu ngôi nhà được định giá khá cao nhưng rao đấu giá mãi không có ai mua. Trải qua nhiều lần hạ giá xuống mới có người mua. "Tài sản thi hành án thường rất khó bán so với tài sản giao dịch bình thường trên thị trường vì người ta ngại mua", ông Toản nói. Đây là lý do mà ngôi nhà đã bị bán giá khá thấp.

Ông Toản cho biết, khi giao tài sản cho người trúng đấu giá, cơ quan THA thông báo cho chủ tài sản để tự nguyện giao trong đó có việc kiểm kê và chuyển tài sản ra ngoài. Nhưng bà Tuyết không tự nguyện giao. THA phải thuê người trông coi tài sản trong nhà. Trong thời hạn 3 tháng, chủ tài sản có quyền đến nhận lại tài sản của mình. Nếu bà Tuyết nhận thấy có sự mất mát thì có quyền khiếu nại.

PV nêu câu hỏi khi thấy bà Tuyết gặp hoàn cảnh như vậy, cơ quan thi hành án đã có văn bản kiến nghị với ngân hàng BIDV, thậm chí lên cấp cao hơn hay chưa. Cục Phó Cục THSDS tỉnh Thái Bình cho rằng, THA đã cố gắng thuyết phục ngân hàng BIDV nhưng họ không đồng ý cho trả tiền theo năm. BIDV chỉ đồng ý xóa một phần lãi. THA không thể gửi văn bản đi khắp nơi lên cả Tổng cục THA hay Ngân hàng Nhà nước về việc này. "Nếu ai cũng làm như vậy thì làm sao mà thi hành án." - Ông Toản nói.

Làm việc với PV, ông Nguyễn Khắc Toàn (Chi cục trưởng THSDS huyện Tiền Hải) cho biết, Chi cục đã báo cáo toàn bộ sự việc lên trên. Quá trình thi hành án, chi cục và chính quyền địa phương đã nhiều lần bằng nhiều hình thức kêu gọi thuyết phục nhưng bà Tuyết không hợp tác mà chỉ trình bày khó khăn do thiên tai bão lũ.

Ông Toản đưa ra hàng loạt văn bản thể hiện ngôi nhà đã phải 9 lần hạ giá và rao bán trên phương tiện đại chúng thì mới có người mua với giá 551 triệu đồng.

Trong khi đó, trả lời báo Tài nguyên & Môi trường về việc tại sao không cho bà Tuyết trả nợ theo từng năm như đề nghị, ngân hàng BIDV cho biết, bà Trần Thị Tuyết thường xuyên để xảy ra tình trạng nợ quá hạn. Bà Trần Thị Tuyết xin được trả tiền từng giai đoạn và cam kết sẽ trả nợ theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, bà Tuyết đã không thực hiện đầy đủ các cam kết trả nợ khiến nợ xấu kéo dài. Ngân hàng buộc phải áp dụng hình thức trả nợ toàn bộ bằng cách yêu cầu bán đấu giá tài sản.

Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin...