Bình Định: Dân bị tra tấn bởi bụi đá, tiếng ồn, nổ mìn phá đá của các doanh nghiệp

Tiếng dân - Ngày đăng : 18:20, 22/04/2019

(TN&MT) - 20 năm người dân ở khu vực Tân Hòa và 10 năm người dân ở khu vực Huỳnh Kim, phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn phải sống chung với bụi đá, tiếng ồn xe cơ giới, tiếng búa đục đẽo, tiếng nổ mìn phá đá, đường hư hỏng, môi trường cảnh quan bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ các doanh nghiệp khai thác, chế biến đá đang hoạt động trên địa bàn gây ra.
Trong 04 doanh nghiệp thì Xí nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Nhơn Hòa của Công ty CP Phú Tài có quy mô khai thác đá, chế biến đá lớn nhất
Trong 04 doanh nghiệp thì Xí nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Nhơn Hòa của Công ty CP Phú Tài có quy mô khai thác đá, chế biến đá lớn nhất

Từ mặt đường quốc lộ 19 đi vào đường Biên Cương thuộc khu vực Tân Hòa, phường Nhơn Hòa có 04 công ty hoạt động khai thác và chế biến đá: Xí nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Nhơn Hòa của Công ty CP Phú Tài, Công ty CP Phát triển Nguyễn Hoàng, Công ty TNHH Khai thác đá và xây dựng Ánh Sinh và Công ty CP Đá VRG. Trong 04 doanh nghiệp này thì Xí nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Nhơn Hòa của Công ty CP Phú Tài có quy mô khai thác đá, chế biến đá lớn nhất.

Công ty CP Phú Tài vừa khai thác vừa chế biến đá tại chỗ
Công ty CP Phú Tài vừa khai thác vừa chế biến đá tại chỗ

Các doanh nghiệp không chỉ khai thác đá trên núi mà còn chế biến đá tại chỗ. Khai thác đá đến đâu, chế biến luôn đến đó. Mỏ đá và văn phòng công ty nằm cùng một nơi. Chính vì vậy, mà tình trạng khai thác đá của các doanh nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân sinh sống gần khu vực mỏ đá.

Các doanh nghiệp chỉ treo bảng tên doanh nghiệp, không treo bảng thông tin mỏ đá. Đặc biệt, Xí nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Nhơn Hòa của Công ty CP Phú Tài có khối lượng khai thác đá, chế biến đá rất lớn, bãi tập kết đá bột, đá nhiều kích cỡ khác nhau chất cao như núi, nhưng không có bất kỳ biển báo nguy hiểm, tường rào chắn bảo vệ nên đá sỏi, bột đá tràn xuống mặt đường đi vào khu vực mỏ.

Khu vực khai thác không xây dựng rào chắn bảo vệ, bột đá tràn ra đường
Khu vực khai thác không xây dựng rào chắn bảo vệ, bột đá tràn ra đường

Gần 20 năm qua, người dân phải chịu cảnh nhà cửa, đường đi, vườn cây, giếng nước phủ đầy bụi màu xám. Bụi kéo dài từ mỏ đá theo xe chở đá ra ngoài Ql.19 bay thốc vào nhà dân, con đường Biên Cương bị cày nát hư hỏng nặng, ổ gà, ổ voi chi chít, mùa mưa lầy lội, mùa nắng tung bụi trắng xóa. Xe ben chở vật liệu đá các loại nối đuôi nhau lũ lượt từ Ql.19 vào khu vực các mỏ đá tạo nên tiếng động cơ ầm ầm chát chúa, chính là tác nhân khiến cho con đường ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.

Qua khu vực Tân Hòa là khu vực Phú Sơn, người dân hàng ngày phải sống chung với bụi đá, nỗi sợ hãi, lo sợ nhà bị nứt do chấn động của việc nổ mìn phá đá của một số doanh nghiệp đang khai thác và chế biến đá gần đó.

Mỗi ngày hàng chục chiếc xe ra vào chở đá khiến con đường Biên Cương hư hỏng nghiêm trọng
Mỗi ngày hàng chục chiếc xe ra vào chở đá khiến con đường Biên Cương hư hỏng nghiêm trọng

Nhưng có lẽ, nơi người dân lo sợ nhất chính là mỏ khai thác đá trên núi Sơn Triều của Công ty TNHH Tân Thái Bình tại khu vực Huỳnh Kim, phường Nhơn Hòa. Ngọn núi Sơn Triều bị chẻ làm đôi bởi một doanh nghiệp hoạt động khai thác, chế biến đá gần 10 năm nay. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, khu vực này là đất quốc phòng, Ban chỉ huy quân sự thị xã An Nhơn chọn núi Sơn Triều làm trường bắn quân sự. Việc khai thác đá để hạ cốt nền làm trường bắn. Nhưng trường bắn chưa biết đến khi nào mới hình thành, trong khi đá thì bị doanh nghiệp khai thác tan hoang, kéo dài nhiều năm.

Khai thác đá trên đỉnh núi Sơn Triều của Công ty TNHH Tân Thái Bình
Khai thác đá trên đỉnh núi Sơn Triều của Công ty TNHH Tân Thái Bình

Công ty TNHH Tân Thái Bình không chỉ đơn thuần khai thác đá mà giống như các doanh nghiệp trên đều chế biến đá tại chỗ. Khu vực đất quốc phòng bị doanh nghiệp chiếm dụng thành mặt bằng công ty và treo bảng Công ty TNHH Tân Thái Bình thay vì treo bảng thông tin mỏ khai thác đá. Chưa kể, phía mặt ngoài khu vực khai thác đá tại núi Sơn Triều tiếp giáp đường Ql.19 không có biển báo cấm nguy hiểm, rào chắn bảo vệ theo quy định hoạt động khai thác khoáng sản.

Hàng chục hộ dân trên đường Võ Nguyên Giáp, khu vục Huỳnh Kim hàng ngày sống chung với bụi, tiếng ồn xe cơ giới, nhưng nghiêm trọng nhất là tiếng nổ mìn thường diễn ra vào ban trưa, trong khi khu vực mỏ đá nằm sát nhà dân và nằm bên đường QL.19.

Công ty TNHH Tân Thái Bình đặt hố lắng xử lý chất thải nơi khai thác đá
Công ty TNHH Tân Thái Bình đặt hố lắng xử lý chất thải nơi khai thác đá

Ông Huỳnh Hùng - Trưởng Phòng TN&MT thị xã An Nhơn cho biết: Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các doanh nghiệp khai thác đá, Phòng TN&MT phối hợp với Sở TN&MT đi kiểm tra thường xuyên. Có những thời điểm, chúng tôi không đi kiểm tra thường xuyên thì họ không đi tưới nước. Nhất là mùa nắng nóng cao điểm, các doanh nghiệp phải tưới nước trên đường vận chuyển. Riêng Xí nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Nhơn Hòa của Công ty CP Phú Tài không rào chắn để bột đá, đá sỏi tràn xuống đường chúng tôi sẽ kiểm tra sau. Đối với Công ty TNHH Tân Thái Bình, UBND tỉnh Bình Định mới cho phép gia hạn để làm trường bắn của Ban chỉ huy quân sự thị xã An Nhơn.

Đất quốc phòng bị trưng dụng làm mặt bằng cho Công ty TNHH Tân Thái Bình hoạt động sản xuất chế biến đá
Đất quốc phòng bị trưng dụng làm mặt bằng cho Công ty TNHH Tân Thái Bình hoạt động sản xuất chế biến đá

Hơn 10 năm chưa hoàn thành xong trường bắn quân sự. Doanh nghiệp vẫn tiếp tục được khai thác đá, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe người dân, phá nát cảnh quan môi trường, vẻ đẹp thiên nhiên vốn có của ngọn núi Sơn Triều. Cả dãy núi Sơn Triều hùng vĩ xưa kia, nay là công trường khai thác, chế biến đá của một doanh nghiệp. Đất quốc phòng bị trưng dụng làm mặt bằng cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất chế biến đá.

Doanh nghiệp kiếm lợi nhuận từ tài nguyên quốc gia, bất chấp tính mạng con người, không chú trọng yếu tố bảo vệ môi trường khai thác khoáng sản. Nếu chính quyền, ngành chức năng thị xã An Nhơn tiếp tục buông lỏng quản lý, thờ ơ thì người dân sẽ phải hứng chịu nhiều hậu quả nặng nề từ nạn khai thác, chế biến đá.