Phòng TN&MT huyện Thanh Trì khẳng định thị trấn Văn Điển cưỡng chế sai quy định!
Tiếng dân - Ngày đăng : 16:56, 23/04/2019
Cưỡng chế sai quy định
Vừa qua, báo TN&MT đã đăng tải hai bài viết: Thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì): Không có quyết định, vẫn tiến hành cưỡng chế tài sản của dân? và Không có quyết định, vẫn tiến hành cưỡng chế tài sản: Lãnh đạo thị trấn Văn Điển có làm sai luật? Nội dung bài viết phản ánh thông tin, ngày 15/3/2019, UBND thị trấn Văn Điển đã tổ chức lực lượng xuống nhà ông Lê Ngọc Bích (SN 1953, trú tại số nhà 2, ngõ 338 đường Ngọc Hồi, TDP Chợ, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội) để tiến hành cưỡng chế tài sản (gồm việc: phá khóa hàng rào, phá hàng rào, chuyển một số vật dụng tại khu đất của gia đình ông lên xe chuyên dụng chở đi). Điều đáng nói ở chỗ, UBND thị trấn Văn Điển đã tiến hành cưỡng chế khi không có quyết định cưỡng chế.
Nguyên nhân gây ra sự việc nói trên là bởi UBND TT. Văn Điển cho rằng phần đuôi nhà (rộng chừng 70 m2) của ông Lê Ngọc Bích là đất công do thị trấn quản lý và thị trấn phải tiến hành giải phóng mặt bằng để phục vụ cho kế hoạch đấu giá đất công xen kẹt đã được huyện Thanh Trì phê duyệt trước đó. Vấn đề là thị trấn Văn Điển chỉ căn cứ vào bản đồ địa chính năm 1994 (phần đuôi nhà ông Bích không được đo vẽ vào) và sổ đỏ cấp cho nhà ông Bích năm 2005 (không cấp sổ đỏ cho phần đuôi nhà) để khẳng định đó là đất công mặc dù trước năm 2017, thị trấn Văn Điển không có bất cứ động thái nào thể hiện quyền sở hữu hay sử dụng phần đất nói trên.
Trong khi đó, trao đổi với PV báo TN&MT, ông Lê Ngọc Bích khẳng định gia đình đã sử dụng ổn định phần đuôi nhà từ trước những năm 1990 để trồng cây lâu năm (hiện nay vẫn còn cây khế cổ thụ được trồng từ những năm 1980 và bức tường phân đất với hàng xóm được xây từ năm 1990). “Khi làm sổ đỏ năm 2005, cán bộ địa chính có nói với tôi là phần đuôi nhà sẽ làm vào đợt sau nên tôi cũng tin là vậy vì nghĩ đất tổ tiên thì ai vào đây mà tranh cướp được. Ấy nhưng đùng một cái, năm 2017, thị trấn Văn Điển thông báo phần đuôi nhà tôi là đất công. Vậy tại sao năm 2005 khi cán bộ địa chính vào đo vẽ, họ không thông báo cho tôi biết phần đuôi nhà tôi là đất công? Tại sao thị trấn Văn Điển không yêu cầu nhà tôi chặt cây, phá tường rào? Rõ ràng chính quyền biết sự tồn tại của phần đuôi nhà tôi từ năm 2005, biết tôi trồng cây, xây tường nhưng không có bất cứ phản ứng. Đến khi làm đường ven sông Tô Lịch, phần đuôi nhà tôi bỗng dưng thành mặt tiền thì chính quyền đùng đùng tuyên bố đó là đất công để bán đấu giá. Chuyện vô lý hết sức” – ông Bích bức xúc nói.
Nhằm làm rõ hơn thông tin sự việc, PV báo TN&MT đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Mạnh Hiến, Phó phòng TN&MT huyện Thanh Trì. Trao đổi về việc UBND TT. Văn Điển tổ chức lực lượng xuống cưỡng chế nhà ông Lê Ngọc Bích nhưng không có quyết định cưỡng chế, ông Hiến cho biết: “Chưa bàn đến nguồn gốc đất là của ai nhưng nếu thị trấn Văn Điển thực hiện hành vi hành chính thì phải theo đúng trình tự, thủ tục. Như ông Bích phản ánh thì tổ công tác của thị trấn đã phá khóa, phá hàng rào của gia đình ông nhưng chỉ căn cứ vào mấy văn bản thông báo giải tỏa là không đúng quy định. Về việc này phía thị trấn đã nhận và huyện đang xử lý”.
Đủ căn cứ để cấp sổ đỏ phần đuôi nhà cho ông Bích
Trao đổi về những căn cứ để thị trấn Văn Điển khẳng định phần đuôi nhà ông Lê Ngọc Bích là đất công, ông Nguyễn Mạnh Hiến nhận định: “Về căn cứ pháp lý thì phần đuôi nhà ông Bích không được đo vẽ trong bản đồ địa chính năm 1994 và sổ đỏ cấp cho gia đình ông năm 2005 cũng không xuất hiện phần đuôi này. Trong vấn đề quản lý đất đai, đất mà không thuộc về người này thì phải thuộc về người khác. Cũng theo báo cáo của thị trấn Văn Điển, năm 2017, chính ông Bích đã kí xác nhận phần đuôi nhà này là đất công. Nếu thời điểm đó ông Bích phản đối thì có lẽ mọi chuyện có thể được xử lý theo hướng khác chứ bây giờ thị trấn đã lập hồ sơ và được huyện, thành phố phê duyệt rồi”.
Ông Hiến cho biết thêm: “Khu vực bờ sông vốn không có lối vào nên chính quyền khó quản lý. Chính vì thế các hộ giáp sông thường lấn chiếm phần đất lưu không phía bờ sông. Đây là thực tế phổ biến và nhà nước cũng xem xét để công nhận quyền sử dụng đất cho những hộ vi phạm nếu họ đủ các điều kiện được luật pháp quy định. Tất nhiên khi xem xét theo hướng đó thì chúng ta phải làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương khi để xảy ra vi phạm và phải tiến hành thanh tra. Sau khi xem xét trách nhiệm quản lý thì mới xem xét công nhận quyền sử dụng đất cho người dân”.
Liên quan tới việc ông Lê Ngọc Bích kí biên bản xác nhận phần đuôi nhà mình là đất công vào năm 2017, ông Bích cho biết: “Tháng 5/2017, thị trấn Văn Điển có mời tôi đến họp bàn và thông báo là nhà tôi giáp đất công do xã quản lý. Tuy nhiên họ chỉ nói chung chung là giáp đất công chứ không chỉ rõ cho tôi biết vị trí đất công đó là ở đâu, như thế nào? Trong khi đó, ở giữa phần đuôi nhà tôi và đường gom sông Tô Lịch có một thẹo đất rộng chừng 8 m2. Tôi nghĩ đó là đất công xen kẹt nên đề xuất được mua lại. Nếu thị trấn họ nói rõ phần đuôi nhà tôi là đất công thì tôi đã phản đối ngay từ lúc đó rồi. Tôi cho rằng thị trấn Văn Điển cố tình lập lờ thông tin để bẫy người dân kí vào biên bản đó”
Trao đổi về các căn cứ pháp lý của vấn đề nêu trên, luật sư Nguyễn Gia Hải (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết: “Căn cứ vào Điều 101, luật Đất đai 2013 quy định về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho hộ gia đình và cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất thì phần đuôi nhà của ông Bích đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hộ ông Bích ở ổn định, lâu dài, không tranh chấp)”.
Liên quan tới chuyện phần đuôi nhà ông Bích không được thể hiện trong Giấy chứng nhận đã cấp cho gia đình ông năm 2005, luật sư Nguyễn Gia Hải phân tích: “Việc diện tích thửa đất tăng thêm so với thời điểm được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được quy định tại Khoản 5 Điều 98 Luật đất đai 2013. Cụ thể, đối với trường hợp đo đạc lại mà ranh giới thửa đất có thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất và diện tích đất đo đạc thực tế nhiều hơn diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất thì phần diện tích chênh lệch nhiều hơn (nếu có) được xem xét cấp Giấy chứng nhận”.
“Cứ giả sử phần đất tăng thêm nhà ông Bích là do vi phạm đất đai mà có thì Điều 2, Khoản 20, Điểm 3 của Nghị định 01/2017/NĐ-CP nêu rõ, trường hợp diện tích đất tăng thêm do người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai trước ngày 01/7/2014 thì xem xét xử lý và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất tăng thêm thực hiện theo quy định tại Điều 22 của Nghị định này” – luật sư Hải nhấn mạnh.
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc...