Bà Rịa-Vũng Tàu: Dân kêu khổ vì mỏ đá 20 năm
Tiếng dân - Ngày đăng : 10:31, 09/04/2019
Theo đơn của các hộ dân sống quanh khu vực núi Thơm, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu gửi đến Báo Tài nguyên & Môi trường, họ đều là những người được Nhà nước động viên, tạo điều kiện để về vùng đất này khai hoang, xây dựng kinh tế mới, là những người đầu tiên có mặt ở vùng đất này từ hàng chục năm trước. Nhưng khi cuộc sống của họ đang bình yên thì Công ty CP Khoáng sản Vũng Tàu đến thực hiện khai thác đá ở trên khu vực núi Thơm. Kể từ đó, họ phải sống trong khói bụi, ô nhiễm, tiếng ồn, nhà cửa nứt nẻ vì những trận “động đất” khi mỏ đá đánh mìn. Việc các xe tải hạng nặng chạy rầm rập suốt ngày đêm cũng đe dọa không nhỏ đến an toàn giao thông trong vùng.
PV báo Tài nguyên & Môi trường đã đến tận hiện trường tìm hiểu sự việc, ghi nhận ý kiến của người dân. Tại đây, người dân đã chỉ cho PV những mảng tường, cột nhà nứt nẻ mà theo họ là do rung chấn đánh mìn từ mỏ đá.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Lõi (81 tuổi) cho biết, ông là một trong những người đầu tiên về vùng đất này khai hoang. Nhiều năm nay, kể từ khi mỏ đá đi vào hoạt động, ông và các hộ dân khác đã phải sống trong khổ sở, đã nhiều lần dân tự phát kéo vào mỏ đá phản đối hay nêu ý kiến trong các cuộc tiếp xúc cử tri, tuy nhiên chuyện đâu vẫn nguyên đó, không có gì thay đổi.
Theo ông Lõi, người dân đã nhiều lần gửi đơn thư lên các cấp chính quyền, phản ánh trực tiếp việc khai thác đá trên núi Thơm gây ô nhiễm, việc nổ mình gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới người dân. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã không có biện pháp giải quyết triệt để, sau nhiều lần thanh kiểm tra vẫn không có gì thay đổi. Nhà ông bị chấn động do nổ mìn nứt nẻ hết. Nhiều hộ dân trong vùng thấy quá nguy hiểm và không chịu được ô nhiễm nên đã dời đi nơi khác.
Cạnh nhà ông Lõi, bà Nguyễn Thị Lê cũng cho biết, doanh nghiệp khai thác đá đánh mìn khiến nhà bà nhiều lần rung chuyển, nứt nẻ, xong chỉ bồi thường cho 5 triệu đồng, không đủ để khắc phục. Các xe tải hạng nặng chạy rầm rập cũng rất nguy hiểm, đã nhiều lần bà đi đường gặp xe tải chạy và bị ép ngã. "Chúng tôi đã phản ánh nhiều lên cơ quan chức năng nhưng không có kết quả”, bà Lê nói.
Nhà cách núi Thơm chừng vài trăm mét, đối diện với công trường khai thác đá, ông Nguyễn Văn Tiềm cho biết những lần doanh nghiệp đánh mìn và xay đá hay làm gì đó ông không rõ, bụi bốc lên nghi ngút, nhà ông bị phủ lớp bụi trắng xóa, hoa màu, cây cối đều bị nhuộm trắng. Trước đây, nhà ông đổ trụ định xây 2 tầng, tuy nhiên vì công ty đánh mìn làm rung chuyển, nứt nẻ hết các cột trụ, khiến kết cấu yếu đi. Các tổ thợ đều khuyên không nên xây gác nếu không nhà sẽ có nguy cơ sập. "Chúng tôi rất sợ việc doanh nghiệp gia hạn khai thác mà không có giải pháp nào khắc phục tồn tại, đảm bảo quyền lợi và an toàn tính mạng cho cư dân trong vùng”, ông Tiềm bày tỏ.
Gần đây, sau khi người dân có đơn thư và phản ánh nhiều hơn, họ mới thấy mỏ đá tạm thời im ắng một thời gian ngắn. Họ lo sợ doanh nghiệp tiếp tục khai thác mà không có biện pháp nào khắc phục tồn tại để đảm bảo an toàn cho họ. Người dân trong vùng sẽ tiếp tục phải sống trường kỳ trong ô nhiễm, “động đất” và sợ hãi bất an mỗi khi ra đường.
Họ mong sao chính quyền địa phương giải quyết giúp họ những tồn tại vướng mắc. Nếu mỏ đá không đảm bảo được sự an toàn cho người dân thì phải ngừng cấp phép. Trong trường hợp mỏ đá hoạt động trở lại, phải có biện pháp di dời bồi thường cho họ thỏa đáng để sang chỗ ở mới. Nhiều năm qua họ muốn bỏ xứ đi nơi khác nhưng chẳng biết đi đâu.
Cũng theo quan sát của PV dọc các tuyến đường, một số gia đình xây dựng nhà cửa xong nhưng đã bỏ đi từ nhiều năm trước. Nhiều căn nhà hoang nằm trơ trọi đóng cửa im lìm. Đi sâu vào trong một đoạn cách nhà dân vài trăm mét là khu mỏ rộng lớn được doanh nghiệp khai thác khoét sâu như một lòng hồ.
Những nơi chưa khai thác hiện nguyên hình là những khối núi đá cao. Đây là mỏ núi đá Puzerlan (phụ gia xi măng). Công ty CP Khoáng sản Vũng Tàu được cấp phép từ năm 1998 trong thời hạn 20 năm. Giấy phép đã hết hạn tháng 6 năm 2018 và đến nay doanh nghiệp đang làm các thủ tục xin cấp phép trở lại.
Trả lời PV, Chủ tịch UBND xã Long Tân cho biết, UBND xã Long Tân đã nhận được phản ánh về việc gây ô nhiễm khói bụi, nổ mìn trong quá trình khai thác đá của Công ty CP Khoáng sản Vũng Tàu thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri và mới đây cũng đã nhận được đơn thư kêu cứu của người dân.
Cũng theo ông Phúc, mỏ đá này thực chất đã hết phép hoạt động. Hiện các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đang đánh giá, xem xét về việc có nên cấp phép trở lại cho mỏ hay không. Mới đây huyện cũng đã họp để ghi nhận các ý kiến. Tuy nhiên, xã cũng cho rằng cần đánh giá lại sự ảnh hưởng đối với dân cư. Nếu đảm bảo được an toàn cho dân thì có thể tiếp tục. Nếu không được thì xã cũng sẽ đề nghị ngừng cấp phép.
Ông Nguyễn Văn Thành (cán bộ Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Đất Đỏ) cũng xác nhận mỏ đá này đã hết hạn cho phép hoạt động vào tháng 6 năm ngoái. Doanh nghiệp đang xin phép khai thác tiếp. Doanh nghiệp đã hoàn thành nhiều thủ tục. Huyện Đất Đỏ cũng đã nhận được đơn của người dân. Sắp tới, huyện, xã sẽ có những cuộc đánh giá, tìm hiểu tại địa bàn rồi sẽ có báo cáo, đề xuất lên tỉnh.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hội (đại diện Công ty CP Khoáng sản Vũng Tàu) cho biết, kể từ khi được cấp phép, Công ty này đã nhiều lần thay đổi, xuất nhập từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác, hoạt động khá thất thường nên không khai thác được nhiều. Sau khi hết phép, doanh nghiệp đã tạm ngừng khai thác. Việc người dân thấy doanh nghiệp vẫn hoạt động gần đây là thu gom lại sản phẩm đã khai thác trước đó. Điều này không trái luật.
Ông Nguyễn Văn Hội cũng cho rằng, việc khai thác của công ty không ảnh hưởng quá mức đến người dân như họ phản ánh. Không thừa nhận việc khai thác gây hại nhưng chính ông Hội lại xác nhận công ty đã một số lần họ và bồi thường hỗ trợ cho người dân.
PV đặt câu hỏi về việc nếu sắp tới khai thác trở lại thì biện pháp đảm bảo cho người dân thế nào? Với khu mỏ được cấp phép 20 năm mà vẫn chưa xong, nay lại tiếp tục khai thác kéo dài gây ảnh hưởng đời sống người dân, đường sá nhà nước, vậy năng lực của doanh nghiệp thế nào? Vị đại diện doanh nghiệp đã không trả lời được.
Cũng theo tìm hiểu, trong Nghị quyết của HĐND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu năm 2016 và điều chỉnh bổ sung năm 2018 về quy hoạch khu vực khai thác khoáng sản, không thấy nhắc đến mỏ ở khu vực Núi Thơm hay xã Long Tân của huyện Đất Đỏ. Tuy nhiên, trong cuộc họp mới đây, huyện Đất Đỏ lại viện dẫn quy hoạch từ năm 2010 cho rằng mỏ nằm đúng quy hoạch?!.
Không chỉ ở Núi Thơm, năm 2018, báo chí từng phản ánh về việc Công ty Khoáng sản Vũng Tàu bị người dân khu Núi Đất, ấp Phong Phú, xã Long Phước, TP Bà Rịa (Bà Rịa-Vũng Tàu) tố về việc làm mất lối đi lại, vận chuyển nông sản. Nguyên nhân là công ty đã múc luôn con đường duy nhất dẫn vào nhà họ.
Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin...