Quảng Xương (Thanh Hóa): Xưởng tái chế nhựa ngang nhiên tồn tại trái phép trên đất nông nghiệp và đất ở

Tiếng dân - Ngày đăng : 04:12, 03/04/2019

(TN&MT) - Xưởng thu gom và tái chế nhựa tồn tại suốt 10 năm trời trên hàng nghìn mét vuông đất ở và đất nông nghiệp, không có hồ sơ bảo vệ môi trường. Trong khi đó phía chính quyền xã, cũng như phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đều không có kiểm tra, xử phạt.

Đó là thực trạng đang diễn ra tại xưởng thu gom và tái chế nhựa của ông Lê Doãn Thực, thôn Dục Tú, xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương.

Được biết xưởng thu gom và tái chế nhựa của ông Lê Doãn Thực tồn tại từ những năm 2009, trên diện tích khoảng 2000m2 đất ở và gần 2000m2 đất nông nghiệp. Trong khi đã tồn tại suốt 10 năm trời, không làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động, không có đề án bảo vệ môi trường nhưng không hề bị “sờ gáy”.
 

Xưởng thu gom, tái chế nhựa tồn tại trái phép nhiều năm trên đất ở dọc tuyến đường Quảng Tân – Quảng Trạch
Xưởng thu gom, tái chế nhựa tồn tại trái phép nhiều năm trên đất ở dọc tuyến đường Quảng Tân – Quảng Trạch

Xưởng thu gom và tái chế nhựa nói trên được xây dựng trên diện tích đất ở là 13 lô trúng đấu giá, diện tích mỗi lô là 150m2. Sau đó ông Lê Doãn Thực đã tự ý mua lại đất nông nghiệp của các hộ dân phía sau rồi san lấp, xây dựng tường bao làm nơi tập kết nguyên liệu.

Trong khi đó, việc thu gom và tái chế nhựa sẽ có những tác động, ảnh hưởng tới môi trường cần được các ngành chức năng phê duyệt phương án bảo vệ môi trường, giám sát và kiểm tra định kỳ các tiêu chí về công trình xử lý nước thải, khí thải. Như vậy xưởng thu gom và tái chế nhựa của ông Thực nghiễm nhiên hoạt động mà không cần được phê duyệt phương án bảo vệ môi trường.

Một người dân thôn Dục Tú, xã Quảng Tân bức xúc cho biết: Xưởng thu gom và tái chế nhựa của ông Thực đã tồn tại suốt nhiều năm, việc thu gom diễn ra thường ngày, còn việc ép khuôn đế giày dép thì khi nào đủ nguyên liệu mới làm. Việc thu gom, tái chế nhựa đã có tác động, ảnh hưởng tới môi trường sống của các hộ dân sống xung quanh. Trong khi đó bãi tập kết và lò đốt rác cũng chỉ cách dân chừng mấy trăm mét, đủ thứ ô nhiễm chúng tôi rất lo ngại cho sức khỏe của bản thân và những người trong gia đình.
 

Ông Lê Doãn Thực tự ý mua cả nghìn mét vuông đất nông nghiệp , rồi san lấp, xây dựng tường bao làm nơi tập kết nguyên liệu.
Ông Lê Doãn Thực tự ý mua cả nghìn mét vuông đất nông nghiệp , rồi san lấp, xây dựng tường bao làm nơi tập kết nguyên liệu.

Trao đổi với PV, ông Phạm Hữu Tiến, Cán bộ địa chính xã Quảng Tân cho biết: Xưởng thu gom và tái chế nhựa của ông Lê Doãn Thực tồn tại từ năm 2009, ngành nghề là thu gom phế liệu, chai nhựa phân loại rồi ép thành khuôn đế giày dép. Diện tích xưởng nằm trên đất ở ven đường Quảng Tân- Quảng Trạch.

Khi được hỏi về hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, hồ sơ cấp phép hoạt động và bảo vệ môi trường, ông Tiến thừa nhận: Xưởng thu gom và tái chế nhựa của ông Lê Doãn Thực chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa được cấp phép, chưa có phương án bảo vệ môi trường được phê duyệt.

Còn về việc tự ý chuyển nhượng hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp phía sau rồi san lấp, xây dựng tường bao làm nơi tập kết nguyên liệu thì ông Tiến cho biết mỗi lần gia đình cơi nới, mở rộng xã cũng xuống nhắc nhở, nhưng lại không hề có biên bản.

Trao đổi qua điện thoại, ông Mã Văn Thanh, Trưởng phòng TN&MT huyện Quảng Xương khi được hỏi về hồ sơ của xưởng thu gom, tái chế nhựa của ông Lê Doãn Thực ở thôn Dục Tú, xã Quảng Tân cũng không biết có hay không và cho biết có thể hồ sơ ở dưới xã?!

Suốt 10 năm trời xưởng thu gom, tái chế nhựa của ông Lê Doãn Thực tồn tại trái phép, tự ý mở rộng sang diện tích đất nông nghiệp nhưng vẫn không bị kiểm tra, lập biên bản xử phạt, yêu cầu hoàn thiện hồ sơ, thủ tục. Phía chính quyền xã Quảng Tân cũng lại rất thờ ơ, tắc trách đến mức ngay cả một biên bản kiểm tra cũng không hề có!

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin vấn đề này