Không có quyết định, vẫn tiến hành cưỡng chế tài sản: Lãnh đạo thị trấn Văn Điển có làm sai luật?
Tiếng dân - Ngày đăng : 12:22, 04/04/2019
Vừa qua, báo TN&MT đã đăng tải bài viết: Thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì): Không có quyết định, vẫn tiến hành cưỡng chế tài sản của dân? Nội dung bài viết phản ánh thông tin, ngày 15/3/2019, UBND thị trấn Văn Điển đã tổ chức lực lượng xuống nhà ông Lê Ngọc Bích (SN 1953, trú tại số nhà 2, ngõ 338 đường Ngọc Hồi, TDP Chợ, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội) để tiến hành cưỡng chế tài sản (gồm việc: phá khóa hàng rào, phá hàng rào, chuyển một số vật dụng tại khu đất của gia đình ông lên xe chuyên dụng chở đi). Điều đáng nói ở chỗ, UBND thị trấn Văn Điển tiến hành cưỡng chế khi chưa có quyết định cưỡng chế và sau đó bao biện rằng: “Đó chỉ là hành động giải tỏa vi phạm trên đất công do thị trấn quản lý”.
Trao đổi với PV báo TN&MT, ông Lê Ngọc Bích cho biết: “Thị trấn Văn Điển một mực khẳng định phần đuôi nhà tôi là đất công do thị trấn quản lý. Họ dựa vào hai căn cứ: phần đuôi nhà không được đo vẽ trong bản đồ địa chính năm 1994 và chưa được cấp sổ đỏ. Họ cho rằng phần đuôi nhà tôi là đất công xen kẹt do thị trấn quản lý. Tuy nhiên thực tế phần đuôi nhà là phần tiếp giáp với đất ở của gia đình, không thể nói là đất xen kẹt được. Hơn nữa, tôi trồng cây lâu năm trên diện tích đất này từ những năm 1980 và xây tường phân đất với hàng xóm từ những năm 1990. Phần đất tiếp giáp phần đuôi nhà tôi của hai hộ bên cạnh cũng được cấp sổ đỏ từ rất lâu rồi. Tôi không hiểu vì lý do gì mà UBND thị trấn Văn Điển cứ quả quyết đấy là đất công”.
Ông Bích cũng cho biết thêm: “Đây là phần đất tôi kế thừa của tổ tiên, mất rất nhiều công sức tôn tạo và sử dụng ổn định, không tranh chấp cho tới trước ngày 16/05/2017 (thời điểm UBND thị trấn Văn Điển thông báo tới gia đình ông Bích đó là đất công – PV). Rõ ràng đó là đất của gia đình tôi, việc UBND thị trấn Văn Điển tổ chức lực lượng đông đảo khoảng hơn 20 người (gồm công an, dân phòng, các ban, ngành của thị trấn) xuống cưỡng chế khi không có quyết định cưỡng chế là vi phạm pháp luật. Tôi đã có đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng về hành vi phá hoại và chiếm đoạt tài sản này. Trước khi có con đường, tôi không thấy có cơ quan nào vào đo đạc hay thông báo gì về đất công tại phần đuôi nhà tôi. Nhưng từ khi xuất hiện con đường, mọi chuyện rắc rối mới phát sinh. Tôi thực sự rất mệt mỏi và bức xúc trước việc làm của chính quyền thị trấn Văn Điển”.
Tìm hiểu của PV báo TN&MT được biết, năm 2017, đường gom dân sinh ven sông Tô Lịch được triển khai và hoàn thành. Khu vực rìa sông ô nhiễm bao năm tự nhiên trở thành đất mặt tiền và có đường giao thông chạy qua ngay trước cửa. Ngày 10/10/2018, UBND huyện Thanh Trì ban hành Quyết định số 7087/QĐ – UBND về việc Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Đấu giá quyền sử dụng đất xen kẹt nhỏ lẻ tại thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì. Quy mô dự án là các thửa đất trống, giáp đường hiện có với tổng diện tích 280 m2 bao gồm 4 vị trí. Tổng mức đầu tư (khái toán) là 240,8 triệu đồng”.
Tại buổi làm việc với PV báo TN&MT trước đó, ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND thị trấn Văn Điển – người dẫn đầu tổ công tác xuống cưỡng chế nhà ông Bích, cho biết: “hành động thu giữ rào chắn và một số vật dụng diễn ra vào ngày 15/3/2019 của tổ công tác chỉ là hành vi giải tỏa vi phạm trên đất công chứ không phải là cưỡng chế, vì thế không cần có quyết định cưỡng chế”.
Tuy nhiên trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Nghi (công ty luật An Dân) cho biết: “Đặt giả thiết là khu vực phần đuôi nhà ông Lê Ngọc Bích là đất công và việc gia đình ông Bích trồng cây, dựng rào là vi phạm thì việc xử lý vi phạm phải căn cứ các quy định của Luật Đất đai 2013, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 và các Nghị định 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; Nghị định 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính … Cụ thể, khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính, người có thẩm quyền có trách nhiệm lập biên bản vi phạm và ban hành quyết định xử phạt hành chính theo quy định, đồng thời yêu cầu người vi phạm tự khắc phục. Trong trường hợp người vi phạm không chấp hành thì người có thẩm quyền sẽ ban hành quyết định cưỡng chế và tổ chức lực lượng cưỡng chế. Tôi cho rằng, chính quyền là đơn vị thực thi pháp luật nên cần phải làm theo các trình tự, thủ tục của pháp luật chứ không thể tùy tiện muốn làm gì thì làm”.
Để rộng đường dư luận, PV báo TN&MT đã thông tin tới ông Nguyễn Tiến Cường, Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Trì về vấn đề nêu trên. Ông Cường cho biết sẽ tiếp nhận thông tin, sẽ kiểm tra và thông tin tới Báo TN&MT.
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc