Sai phạm tại Cty SAVINA Hà Nam: HĐND tỉnh giám sát việc chấp hành Quyết định xử phạt vi phạm về môi trường
Tiếng dân - Ngày đăng : 13:00, 19/03/2019
Vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bảo vệ môi trường trong sản xuất vôi công nghiệp, sau gần 3 thángCông ty SAVINA Hà Nam đang trong giai đoạn chịu án phạt của UBND tỉnh song hai lò nung vôi mới xây dựng tiếp chưa đủ thủ tục pháp lý, vẫn xây dựng giống như 2 lò đã vi phạm bị chính quyền tỉnh xử phạt. Sai phạm từ nhiều năm qua, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, việc Công ty SAVINA tiếp tục mở rộng dây chuyền sản xuất không bảo vệ môi trường khiến người dân trên địa bàn rất lo lắng về sức khỏe bị ảnh hưởng.
Sau khi báo TN&MT đã phản ánh loạt bài phản ánh nhiều sai phạm tại Công ty TNHH SAVINA, ngày 28/12/2018, UBND tỉnh Hà Nam đã ra Quyết định số 2586/QĐ-XPVPHC về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với Công ty TNHH SAVINA. Tổng mức phạt hành chính với Công ty SAVINA lên tới 354.900.000 đồng và đình chỉ sản xuất 4,5 tháng để xây lắp bổ sung, vận hành công trình bảo về môi trường.
Để nâng cao hiệu quả quản lý, HĐND tỉnh Hà Nam đang thực hiện “Giám sát công tác Quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trong công tác khai thác đá, chế biến vật liệu xây dựng phía tây Sông Đáy”.
Khi đoàn khảo sát thực địa Công ty SAVINA đã dừng hoạt động sản xuất vôi theo Quyết định số 2586/QĐ-XPVPHC của UBND tỉnh Hà Nam về việc Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bảo vệ môi trường với Công ty SAVINA Hà Nam.Qua kiểm tra, nhiều vôi thải Công ty đã đổ tự do ra bãi ngoài trời. Sau khi kiểm tra, UBND xã Thanh Sơn - địa phương đang bị chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hành vi gây ô nhiễm môi trường của Công ty SAVINA đã có văn bản báo cáo, kiến nghị với HĐND tỉnh về việc chấp hành pháp luật về môi trường, những quy định của tỉnh và địa phương về công tác bảo vệ môi trường của Công ty SAVINA chưa tốt.
Theo lãnh đạo UBND xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, thực hiện Đề án 2617/ĐA-UBND ngày 4/11/2016 của UBND tỉnh Hà Nam về giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực tây Sông Đáy, UBND xã đã thành lập Đề án bảo vệ môi trường trên địa bàn, được UBND huyện phê duyệt. Xã đứng ra thành lập tổ dịch vụ 18 người, có 16 người chuyên quét dọn, 2 người lái xe phun nước tưới đường 3 lần/ngày. Việc ô nhiễm môi trường có chuyển biến rõ rệt. Các doanh nghiệp trên địa bàn hầu hết thực hiện tốt việc chung tay cùng bảo vệ môi trường, góp quỹ cho tổ dịch vụ hoạt động.
Tuy nhiên, Công ty SAVINA không tham gia vào việc giữ môi trường chung, thậm chí đã xả thải trực tiếp gây ảnh hưởng môi trường dân cư. Công ty không đóng tiền hằng tháng theo quy định chung đối với các doanh nghiệp chế biến sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn.
Ông Nguyễn Xuân Điệp, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết: Đến tháng 3/2019, tổng tiền nợ cho quỹ bảo vệ môi trường của Công ty SAVINA là 64 triệu đồng. Công ty sản xuất vôi củ, bột đá, gạch không nung, nghiền sàng đá, toàn lĩnh vực gây bụi, ô nhiễm môi trường lại không chấp hành Đề án, chưa góp quỹ làm sạch môi trường, điều đó là không thể chấp nhận được và người dân rất bức xúc. Xã ủng hộ doanh nghiệp tới đầu tư, nhưng địa phương không được thu khoản gì, người dân không được lợi gì lại phải sống trong bầu không khí ô nhiễm, doanh nhiệp thiếu trách nhiệm. Việc cấp phép xây dựng, cấp phép vận hành, xã Thanh Sơn không được kiểm tra, không được cơ quan chức năng cung cấp nên không biết các doanh nghiệp có đầy đủ giấy tờ pháp lý hay không. Nhưng khi có vấn đề về ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự thì địa phương phải có trách nhiệm.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Sơn rất mong muốn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tới đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, nhưng doanh nghiệp phải tuân thủ pháp luật và quy định của địa phương về bảo vệ môi trường, chung tay hỗ trợ địa phương nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống cho người dân. Đặc biệt hạn chế tối đa sự ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân sở tại.
Công ty SAVINA bị UBND tỉnh Hà Nam đình chỉ sản xuất 4,5 tháng để xây lắp bổ sung, vận hành công trình bảo về môi trường và lập hồ sơ báo cáo kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường, trình cơ quan chức năng phê duyệt báo cáo tác động môi trường và xác nhận các công trình này có đạt quy chuẩn theo yêu cầu. Thời gian được thực hiện từ 28-12-2018. Qua quan sát tại hiện trường, sau gần 3 tháng UBND tỉnh yêu cầu, nhưng Công ty SAVINA vẫn chưa xây dựng hệ thống xử lý khói thải, bụi thải của cả 4 lò sản xuất vôi công nghiệp. Trong đó, có 2 lò xây mới thủ tục pháp lý chưa bảo đảm, vi phạm các quy định của pháp luật. Điều đáng nêu là hai lò xây mới vẫn không xây dựngcông trình bảo về môi trường. Vậy nhưng, không hiểu sao, các ngành chức năng tỉnh Hà Nam vẫn cho xây và để tồn tại (?!). Trong buổi làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nam ngày 30/1/2019, ông Đặng Văn Hồng, Phó Phòng Hợp tác Đầu tư của Sở cho biết, Công ty SAVINA Hà Nam sản xuất vôi công nghiệp, không tuân thủ pháp luật về môi trường. Công ty không có mỏ, vì vậy tỉnh chưa cho phép Công ty này mở rộng sản xuất. Được biết Công ty SAVINA Hà Nam có kế hoạch mở rộng nâng công suất lên 360.000 tấn vôi/năm và 120.000 tấn Dolomite/năm, bằng 8 lần công suất ban đầu. Việc cố tình vi phạm pháp luật và quy định về bảo vệ môi trường là không thể chấp nhận, đặc biệt không thể để doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật tồn tại và mở rộng sản xuất.
Cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc Công ty SAVINA chấp hành QĐ xử phạt của UBND tỉnh, trong đó cả chấp hành về nộp gần 355 triệu đồng tiền phạt; các thủ tục pháp lý mở rộng dây chuyền; thủ tục quản lý đất đai, mỏ nguyên liệu, an toàn lao động, chấp hành xây dựng các công trình bảo vệ môi trường trước khi cho phép hoạt động trở lại.
Báo Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thông tin.