Huyện Yên Định, Thanh Hóa: Sông Mã ngày đêm bị “rút ruột”
Tiếng dân - Ngày đăng : 00:23, 20/03/2019
"Kêu trời không thấu"
Đó là thực tế mà người dân ở các thôn Trịnh Điện, Thịnh Thôn (xã Định Hải, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hòa) đang phải đối mặt trước nạn khai thác cát tràn lan ở đây. Theo tìm hiểu của PV, xã Định Hải có khoảng 26 ha đất bãi bồi phù sa dọc bờ sông Mã thuộc các thôn Trịnh Điện, Thịnh Thôn, Ái Thôn, Duyên Lộc. Riêng thôn Trịnh Điện có trên 8 ha đất bãi bồi. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, tình trạng khai thác cát tràn lan diễn ra rầm rộ khiến cho hàng trăm mét bờ sông Mã bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng tới đời sống sản xuất, nhà cửa của nhân dân.
Khi biết có nhóm phóng viên báo TN&MT về tìm hiểu thông tin, rất đông bà con của thôn Trịnh Điện đã có mặt để bày tỏ sự bức xúc trước nạn khai thác cát tràn lan và sự bất lực của chính quyền địa phương nơi đây. Anh Nguyễn Văn Hào, một người dân thôn Trịnh Điện cho biết: “Trước đây thôn chúng tôi có một dải cát rất lớn nằm dọc bờ sông Mã ngăn cách mặt sông với khu bãi bồi. Thời đó lòng sông rất hẹp, đứng từ dải cát đó ném đá là sang bờ bên kia. Thế nhưng khoảng từ năm 2013, hàng chục tàu hút xuất hiện khai thác dải cát này. Khi dải cát này bị khai thác hết, các tàu hút cắm thẳng vòi hút vào đất bãi bồi của nhân dân để khai thác cát gây nên tình trạng sạt lở bờ sông nghiêm trọng, hàng chục ha đất canh tác của bà con đã biến mất. Trước đây, từ nhà tôi ở mặt đê đi xuống dải cát phải mất chừng 200m, rồi lại phải đi chừng hơn 100m nữa mới hết dải cát. Thế nhưng sau mấy năm, như các anh thấy, nhà tôi cách mép nước chỉ còn chừng 50m nữa thôi. Cứ đà này vài năm nữa, nhà tôi cũng sẽ bị nước cuốn đi”.
Bác Vũ Thị Xuân bức xúc cho biết: “Chính quyền nói với chúng tôi là họ được phép khai thác cát nhưng nếu hết cát rồi thì họ phải dừng lại chứ? Đằng này họ cho mấy chục tàu hút đêm ngày cắm thẳng vòi hút (dài từ 25 - 40m) vào đất bãi bồi của chúng tôi. Các tàu hút áp sát luôn vào bờ sông để khai thác thì thử hỏi đất nào mà không sạt? Nhân dân chúng tôi kéo lên trụ sở UBND xã Định Hải phản đối thì chính quyền chỉ xoa dịu, hứa hão rồi đâu lại vào đấy. Các tàu vẫn đêm ngày hút cát không ngơi nghỉ”.
Ghi nhận thực tế của PV vào chiều ngày 19/3/2019, tại khu vực người dân phản ánh, có một tàu hút đang áp sát bờ sông Mã, vòi hút được cắm thẳng vào khu vực bãi bồi của người dân để hút cát. Mặc dù người dân xua đuổi nhưng các đối tượng không một chút quan tâm và tàu hút vẫn hoạt động như thường. Cách đó chừng 30m, 4 tàu hút khác đang nằm đợi lệnh để hoạt động. Một khúc sông dài chưa đầy nửa cây số nhưng đang bị sạt lở nghiêm trọng. Bờ sông bị biến thành vách đất dựng đứng, cao từ 2-3m chênh vênh. Mỗi khi có đợt sóng mạnh ập vào thì từng khối đất màu phù sa lại đổ sập, mất hút trong dòng nước. Khu vực các tàu hút hoạt động mạnh, dòng nước đã xói mạnh và cách thân đê chỉ chừng 60m tạo thành một hõm nước trông rất khủng khiếp.
Vì sao “cát tặc” ngang nhiên lộng hành?
Theo phản ánh của người dân nơi đây, thời điểm các tàu hút hoạt động mạnh nhất là từ 3h - 4h30 hàng ngày. Đó là thời điểm người dân đang ngủ, không thể tập trung ngăn cản các tàu hút. Hơn nữa, do không có lực lượng ngăn cản nên các tàu hút có thể ngang nhiên hoạt động. Với lượng cát dưới chân các bãi bồi, nếu cứ cắm thẳng các vòi hút để khai thác thì chỉ chừng 1h - 1h30 phút hoạt động là một chiếc tàu có dung tích 100 khối cát sẽ được lấp đầy. Sau đó các tàu khai thác sẽ mang cát đi bán và về nghỉ ngơi, hoạt động cầm chừng vào ban ngày để tránh sự xua đuổi của người dân.
Nhằm thông tin khách quan sự việc, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Cung, Chủ tịch UBND xã Định Hải. Ông Cung cho biết, khu vực khai thác cát mà nhân dân phản ánh thuộc địa bàn thôn Trịnh Điện và Trịnh Thôn thuộc mỏ cát số 54, được tỉnh Thanh Hóa cấp phép cho công ty TNHH Nam Lực (đóng trên địa bàn xã Định Hải).
Ông Cung thừa nhận tình trạng sạt lở là có thật và cho biết: “Việc sạt lở đất ven sông Mã có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Riêng về nguyên nhân chủ quan thì có sự ảnh hưởng từ việc hút cát của Công ty Nam Lực. Tuy nhiên khu vực đất sạt lở thuộc vào đất 5% do xã quản lý và cho các hộ dân đấu thầu để canh tác chứ không phải đất ở ổn định của nhân dân. Trong khả năng và phạm vi của mình, chúng tôi có ghi nhận ý kiến của nhân dân và thừa nhận ý kiến của bà con phần nào là đúng. Chúng tôi đã báo cáo (cả bằng văn bản và báo cáo trong các cuộc họp thường kỳ ở huyện) và xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo huyện về vấn đề này rồi”.
Tuy nhiên khi PV muốn tiếp cận các hồ sơ báo cáo của UBND xã Định Hải cũng như muốn biết ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo huyện Yên Định về vấn đề này như thế nào thì ông Cung nói: “Các anh cứ liên hệ với huyện để xin hồ sơ và làm việc cụ thể”.
Vấn đề đặt ra ở chỗ, chưa rõ phạm vi và ranh giới mà UBND tỉnh Thanh Hóa cấp cho Công ty TNHH Nam Lực khai thác cát đến đâu nhưng thực tế cho thấy, tình trạng sạt lở bờ sông Mã đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng mà một trong những nguyên nhân có thể ghi nhận bằng mắt thường là do hàng chục tàu hút cát đang ngày đêm “rút ruột” bãi bồi ven sông Mã khiến dòng nước đang ngày càng ăn sâu vào sát chân đê. Đến lúc đó, kinh phí mà tỉnh Thanh Hóa phải bỏ ra hoặc xin Trung ương để xây kè chắc chắn là một con số rất lớn. Vậy thì trong vấn đề này, trách nhiệm của các cấp chính quyền như thế nào?
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc...