Viết tiếp bài Thái Nguyên GPMB không đúng trình tự, dân điêu đứng: Rối như canh hẹ?
Tiếng dân - Ngày đăng : 17:25, 08/03/2019
(TN&MT) - Một dự án khủng đầu tư hàng chục tỷ đồng để Đại học Thái Nguyên thực hiện Dự án xây dựng Trung tâm điều hành tại TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Song đã mấy thập kỷ qua vẫn không thể hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB), đất bỏ hoang hóa, cỏ mọc giữa khuôn viên Đại học Thái Nguyên, trong khi đó dân không có nhà ở, không lấy được tiền đền bù, cuộn sống gian nan. Điều đáng nói là, sự lúng túng “rối như canh hẹ” làm cho nhiều hộ dân vùng dự án khốn khổ lại bắt đầu từ những sai phạm của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương...
Cuối năm 2018, ngay sau khi về nhận chức Giám đốc Đại học Thái Nguyên, ông Phạm Hồng Quang đã ký công văn báo cáo tỉnh Thái Nguyên về việc đã chuẩn bị được kinh phí chi trả đền bù, giải phóng mặt bằng cho dân để giải quyết dứt điểm tình trạng dự án treo, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, không có mặt bằng triển khai dự án theo quy hoạch. Đồng thời, Đại học Thái Nguyên cũng chỉ đạo bộ phận chuyên môn làm việc với cơ quan chức năng thành phố Thái Nguyên để hợp đồng, phối hợp tiến hành các bước đền bù GPMB.
Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT, bà Nguyễn Thị Ngọ, tổ 2, phường Tân Thịnh, TP. Thái Nguyên cho biết: Các hộ dân mong nhận tiền đền bù GPMB từ hơn 20 năm qua, gia đình không còn tâm trí đâu làm ăn. Nghe nói tỉnh Thái Nguyên chấp thuận cho triển khai đền bù giải tỏa, người dân rất phấn khởi, mong sớm nhận được kinh phí để yên tâm ổn định cuộc sống. Không ngờ, bây giờ lại trục trặc, người dân lại phải tiếp tục đợi chờ, không biết đến bao giờ mới có nơi ở yên ổn. Nhà cửa, tài sản thì bị chính quyền cưỡng chế trái pháp luật. Gia đình có 4.862m2 đất, bao gồm 2.105m2 đất thổ cư, 1.388m2 đất vườn tạp; 1.369m2 đất nông nghiệp. Lần trước, chính quyền thành phố áp giá sai, không công bằng, lại còn cưỡng chế trái pháp luật nên chúng tôi rất bức xúc. Bây giờ thì lo lắng. Mong rằng đợt này cơ quan chức năng làm đúng quy định như Thanh tra Chính phủ đã kết luận.
Đây là dự án kéo dài từ nhiều năm nay. Hiện nay còn 7 hộ trên tổng số 33 hộ chưa được đền bù GPMB, Năm 2017 thì dự án hết hạn; năm 2018 xin gia hạn 1 năm thì không có kinh phí. Cuối năm 2018, Đại học Thái Nguyên báo cáo tỉnh Thái Nguyên về tình hình kinh phí và đề nghị trước mắt chi trả đền bù GPMB 2 hộ (bà Nguyễn Thị Ngọ và Nguyễn Thị Hạnh) kinh phí trên 10 tỷ đồng, nhưng khi triển khai làm việc với cơ quan chức năng thành phố Thái Nguyên thì mới vỡ nhẽ ra là dự án hết hạn, không thể giải ngân; muốn giải ngân được kinh phí thì phải tiếp tục xin gia hạn dự án.
Theo bà Hương, nếu xin chủ trương đền bù GPMB cả 7 hộ thì lượng tiền rất lớn, Đại học Thái Nguyên sẽ chưa thể cân đối được kinh phí đối ứng, đến năm 2020 chưa chắc đã hoàn thành GPMB. Dự án đã kéo dài hàng chục năm, cơ chế phát sinh, đẩy giá bổi thường lên, nên gặp khó khăn cả về thủ tục và đơn giá, kinh phí đền bù tái định cư tăng. Và đương nhiên dự án vướng mắc, chưa thể quyết toán được.
Bà Hương cũng cho biết: Đại học Thái Nguyên đang làm việc với Bộ GD-ĐT. Tổng kinh phí ban đầu được phê duyệt theo QĐ 5939/QĐ-BGDĐT, ngày 20/10/2006 là trên 90 tỷ đồng. Dự toán lớn, nếu được đồng ý điều chỉnh, kinh phí tăng thì Bộ GD-ĐT không tự quyết được, phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến. Do đó, quy trình cần có thời gian, chưa thể triển khai ngay công tác thanh toán đền bù GPMB.
Đại học Thái Nguyên được thành lập ngày 4/4/1994 theo Nghị định 31/CP của Chính phủ. Công tác GPMB thực hiện dự án xây dựng cơ sở vật chất cũng thực hiện từ khi Đại học được thành lập, đồng nghĩa với việc người dân trong vùng dự án mấy chục năm qua thấp thỏm lo âu, đợi chờ và hy vọng.
Tháng 4 này, Đại học Thái Nguyên sẽ kỷ niệm 25 năm xây dựng và trưởng thành. Và 7 hộ dân trong vùng dự án xây dựng Đại học Thái Nguyên vẫn mỏi mòn chờ đợi được thanh toán đền bù GPMB, ổn định cuộc sống...