Vụ đền bù, hỗ trợ… tại Khu du lịch Suối Voi (Thừa Thiên Huế): Cơ quan chức năng nói gì?
Tiếng dân - Ngày đăng : 13:45, 25/02/2019
Liên quan đến việc đền bù, hỗ trợ tại Khu du lịch Suối Voi (tỉnh Thừa Thiên Huế) khiến người dân không đồng tình mà Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường vừa phản ánh, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Phú Lộc cho biết, về việc hỗ trợ đền bù tại Khu du lịch Suối Voi thì đơn vị đã trình Phòng TN&MT huyện để thẩm định, phê duyệt kinh phí hỗ trợ. Việc chậm như hiện tại là do các hộ dân xây dựng trên đất không đủ điều kiện để bồi thường.
Theo ông Thanh, xét theo nguyên tắc, các hộ kinh doanh ở Suối Voi không đủ điều kiện để giải quyết theo phương án đền bù, chỉ được áp giá hỗ trợ. Lý do là các hộ xây dựng các lán trại trên đất không đúng mục đích sử dụng, tất cả là đất rừng và đất lâm nghiệp…
“Phần diện tích mà các hộ kinh doanh được hỗ trợ thì chiếm diện tích rất nhỏ, khoảng 2ha trong tổng hơn 51ha của dự án. Tại thời điểm kiểm kê, dân có tài sản thế nào thì hỗ trợ như vậy. Chủ trương của tỉnh là cho phép hỗ trợ cho các hộ kinh doanh 80% theo đơn giá đền bù. Rồi đơn vị chúng tôi cũng trực tiếp làm việc với công ty và chủ đầu tư sẽ cam kết hỗ trợ thêm 20% nữa. Nói là dùng từ hỗ trợ, nhưng giá tiền mà người dân sẽ nhận được số tiền như đền bù. Trung tâm sẽ cố gắng thẩm định sớm để phê duyệt, chi trả cho người dân, chậm lắm là 15/3 sắp tới để sớm bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư…”- ông Thanh nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết, hiện nay, khách du lịch vẫn đến tắm suối và người dân vẫn cung cấp dịch vụ khiến công tác giải phóng mặt bằng càng gặp nhiều khó khăn.
“Việc dân tự ngăn chặn những ngày qua thì huyện đã nắm từ cấp dưới. Nếu có vấn đề gì chưa thỏa đáng với người dân thì huyện sẽ trực tiếp đối thoại với các hộ kinh doanh, lắng nghe các ý kiến để tìm ra phương án phù hợp, đồng thuận giữa hai bên, đặc biệt là các phương án phối hợp kinh doanh mà nhà đầu tư đã cam kết trước đó để người dân yên tâm. Trước mắt tuần đến, huyện sẽ làm việc với Hợp tác xã, đồng thời công bố phê duyệt giá trị hỗ trợ. Nếu để một vài hộ tự phát như vậy thì cũng khó khăn cho sau này…”- ông Mạnh thông tin.
Cũng theo người đứng đầu huyện Phú Lộc, huyện xác định Dự án Khu du lịch Suối Voi sau khi ra đời sẽ là đòn bẩy thu hút khách du lịch đến nhiều hơn với Phú Lộc, góp phần thúc đẩy ngành du lịch - dịch vụ của huyện phát triển. Mặt khác, sẽ giải quyết được nhiều việc làm cho người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội…
Được biết, trong ngày 21/2 vừa qua, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã làm việc với UBND huyện Phú Lộc và các sở, ban, ngành liên quan về việc giải phóng mặt bằng cho các dự án trọng điểm tại Phú Lộc, trong đó có Dự án Khu du lịch Suối Voi. Ông Thọ khẳng định, giải phóng mặt bằng nhanh, kịp tiến độ để giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư là vấn đề quan trọng hàng đầu để triển khai dự án, điều mà các cơ quan liên quan phải tập trung thực hiện…
Như đã phản ánh, Dự án Khu du lịch suối Voi được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao cho Công ty Hoa Lư - Huế làm chủ đầu tư, với diện tích 51,79 ha, tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 400 tỷ đồng.
Khi dự án hoàn thiện, đây sẽ là khu du lịch sinh thái cao cấp, đầy đủ tiện nghi bao gồm khu khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, nhà hàng ẩm thực, dịch vụ vui chơi, giải trí kèm theo các dịch vụ phụ trợ. Phía chủ đầu tư cho biết, Khu du lịch suối Voi sẽ có quy mô lớn thứ ba ở Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, chỉ sau Laguna Lăng Cô và Khu du lịch nghỉ dưỡng Quốc tế Minh Viễn.
Theo kế hoạch, dự án sẽ chính thức được khởi công giai đoạn 1 vào cuối tháng 3/2019. Tuy nhiên, dự án có thể chậm tiến độ khi mà hiện nay, người dân địa phương vẫn không đồng tình với việc đền bù, hỗ trợ và họ tìm mọi cách ngăn cản chính quyền bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư khởi công.
Đỉnh điểm là những ngày vừa qua, người dân đang buôn bán tại Suối Voi đã dựng trại, tập trung lại trước cổng bán vé Suối Voi để không cho chính quyền cũng như chủ đầu tư vào cắm mốc quy hoạch, dựng bản vẽ thi công dự án…
Mỗi năm, các hộ dân vẫn đóng các thuế đầy đủ với số tiền hàng chục triệu cho chính quyền. Nơi này cũng là “miếng cơm manh áo”, xem như duy nhất để họ bám víu làm ăn, để nuôi sống hầu hết các gia đình từ trước đến nay. Ngày nay, Suối Voi đã nổi tiếng không chỉ ở Huế mà còn ở miền Trung, lượng khách du lịch đổ về rất đông, nhất là mùa hè và các ngày lễ tết.
Trong nổi bức xúc, bà Nguyễn Thị Kỷ (SN 1966, thôn Thủy Dương) cho hay, gia đình bà đã buôn bán ở Suối Voi suốt 24 năm qua và là người đầu tiên dựng quán ăn, uống, sạp nghỉ mát… để du khách nghĩ dưỡng, vui chơi.
“Khoảng 3 năm nay, từ khi nghe dự án sắp triển khai thì ai ai cũng đứng ngồi không yên. Chủ đầu tư và chính quyền phát giấy thông báo ngưng hoạt động, không cho bán vé, không cho kinh doanh nữa… để thu hồi đất khiến chúng tôi không đồng tình. Trong đó, chúng tôi bức xúc nhất là việc hỗ trợ, đền bù không thỏa đáng, mập mờ. Họ ghi tài sản thiếu, diện tích mặt bằng thực tế của tôi là 100m2 nhưng đo đạc chỉ 70m2, không ghi sạp nghỉ mát, không ghi đường ống nước… và số tiền họ đền bù chi gia đình tôi khoảng 293 triệu đồng. Số tiền này quá ít so với những gì mà tôi bỏ công sức ra gầy dựng và hiện đang có tại Suối Voi…”- bà Kỷ nói.
Bà Kỷ cũng chia sẻ, bà nuôi 4 người con trưởng thành cũng là nhờ buôn bán tại Suối Voi bấy lâu nay. Hiện bà có một người con bệnh máu phải chạy hàng tháng để chữa bệnh, nếu không được kinh doanh nữa thì không biết làm gì để mưu sinh, nuôi con; ruộng nương ở quê thì không thể làm nổi vì thiếu nước trầm trọng. Và nếu đền bù thì phải hợp lý hơn…
Những hộ dân còn cho biết thêm, ba năm trở lại đây họ chỉ trồng lúa được vụ đông xuân còn vụ hè thu thì bỏ hoang vì thiếu nước tưới tiêu. Lý do mà dân đưa ra là đập chứa nước ở đây bị hỏng nhưng không thể sửa chữa vì có quy hoạch xây dựng Khu du lịch Suối Voi…