Bình Định: Khu di tích lịch sử Gò Kho biến thành bãi tập kết phế liệu
Tiếng dân - Ngày đăng : 20:48, 18/02/2019
Di tích lịch sử Gò Kho, nơi đây là kho quân lương của nghĩa quân Tây Sơn được UBND tỉnh Bình Định công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh và quyết định bảo vệ ngày 30/9/1996, nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm di tích. Đây là một trong những di tích lịch sử về Thời đại Tây Sơn, vua Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Tại huyện Phù Cát, cùng với di tích này còn có di tích Thành Chánh Mẫn thuộc thôn Chánh Mẫn, xã Cát Nhơn. Thành Chánh Mẫn là cứ điểm quân sự trọng yếu, được quân Tây Sơn xây dựng trên cơ sở lợi dụng địa hình, địa vật từ các phế tích của người Chiêm Thành và Chúa Nguyễn, là một trong số ít những di tích thành lũy quân sự của phong trào Tây Sơn còn lại trên đất Bình Định được công nhận di tích quốc gia năm 1995. Di tích Tân Phủ Càn Dương, ở thôn Trường Thạnh, xã Cát Tiến, tọa lạc ngay dưới chân núi Càn Dương. Tân Phủ Càn Dương - một phủ lỵ, căn cứ thủy bộ trọng yếu trong hệ thống phòng thủ mạn Tây Bắc của thành Hoàng đế cũng như ven biển của quân Tây Sơn được công nhận di tích quốc gia năm 1998.
Nhưng đến nay di tích lịch sử Gò Kho không những không được gìn giữ, bảo vệ, tôn tạo mà còn trở nên nhếch nhác, bị xâm phạm nghiêm trọng. Nếu không có tấm bia đề di tích Gò Kho thì không ai nghĩ đây là nơi di tích lịch sử ghi dấu ấn về Thời đại Tây Sơn vang danh thiên cổ.
Nhiều năm nay, hằng ngày hàng chục hộ dân sinh sống gần khu di tích Gò Kho phải chịu đựng mùi cháy khét do đốt các loại bao bì, nhựa phát ra từ cơ sở mua bán phế liệu Tân Long của ông Nguyễn Văn Long nằm đối diện với khu di tích. Vì khu di tích không có tường rào, cổng ngỏ bảo vệ, chỉ có mỗi tấm bia di tích, ông Long dùng phần đất phía bên hông, phía sau bia di tích làm bãi tập kết phế liệu, chất phế liệu đủ các loại nằm ngổn ngang lấn ra đường đi chung của thôn khiến người dân rất bức xúc.
Một người dân có nhà ở gần di tích Gò Kho, thôn Xuân An phản ánh: Cứ tầm vào buổi chiều, hộ mua bán phế liệu lại đốt nhựa, bao bì cháy khét phát tán ra khu dân cư, chúng tôi không thể chịu nổi. Phế liệu chất đống ra tận đường đi chung, lấn vào khu di tích làm mất mỹ quan di tích, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt người dân xung quanh. Nhân dân nhiều lần làm đơn kiến nghị lên UBND xã Cát Minh, nhưng họ vẫn để hộ dân này tiếp tục mua bán phế liệu nhiều năm nay.
Ông Võ Văn Thọ - Phó Chủ tịch UBND xã Cát Minh phân trần với PV: Chúng tôi nhắc nhở hộ ông Nguyễn Văn Long nhiều lần về việc chất phế liệu ảnh hưởng đường đi chung và khu di tích Gò Kho. Nhưng cũng khó giải quyết vì mỗi lần nhắc nhở hộ ông Long đều thực hiện và không phản đối gây khó khăn cho chính quyền nên không thể xử phạt vi phạm hành chính. Chỉ vào các ngày cao điểm, lượng phế liệu chở về quá nhiều, không có chỗ chứa, ông Long mới để tạm vài ngày rồi chở đi. Chúng tôi đề nghị với Bảo tàng Quang Trung xây dựng tường rào, cổng ngỏ bảo vệ di tích Gò Kho. Thời gian tới, địa phương tiến hành thực hiện xây dựng tường rào để tạo cảnh quan sạch, đẹp cho khu di tích và làm yên dân.
Sự việc hộ dân mua bán phế liệu xâm phạm di tích Gò Kho diễn ra nhiều năm nay, nhưng ông Phạm Đức Vinh - Trưởng Phòng Văn hóa & Thông tin huyện Phù Cát cho biết không nhận được thông tin phản ánh về việc này. Ông Vinh cho biết: Di tích lịch sử Gò Kho do Bảo tàng Quang Trung tiếp nhận quản lý, Phòng chỉ phối hợp với Bảo tàng và chính quyền địa phương đi kiểm tra khi có đợt kiểm tra, nhưng qua các đợt kiểm tra chưa thấy phản ảnh gì.
Di tích lịch sử Gò Kho mang dấu tích của Thời đại Tây Sơn cần phải được giữ gìn, bảo vệ, tôn tạo cho thế hệ mai sau ghi nhớ tầm vóc vĩ đại của phong trào Tây Sơn, Triều đại Tây Sơn và vua Quang Trung - Nguyễn Huệ trên đất Bình Định là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh Bình Định. Không thể thờ ơ khi các di tích lịch sử bị xâm phạm, trở nên nhếch nhác, mất mỹ quan, đang dần biến thành những phế tích bị lãng quên.