TX An Nhơn (Bình Định): Dân phường Nhơn Hòa chông chênh bên bờ sông sạt lở
Tiếng dân - Ngày đăng : 16:02, 25/01/2019
Nguy cơ nhà sụt xuống sông
Khoảng năm 2013, bờ sông Cầu Gành - một nhánh của sông Côn, nằm ở phía Nam cầu Gành, thuộc khu vực Huỳnh Kim, phường Nhơn Hòa - bắt đầu bị xâm thực, sạt lở. Đến nay, tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, “hà bá” đã nuốt chửng đoạn bờ sông dài gần 1km; nhiều lùm cây xanh, bụi tre che chắn dọc bờ sông bị nước cuốn trôi. Vị trí sạt lở vào tận móng nhà của hơn 20 hộ dân, với gần 90 nhân khẩu tại khu dân cư xóm 7 Cầu Gành. Thực trạng này khiến các gia đình nơi đây luôn thấp thỏm, lo lắng; nhất là vào mùa mưa bão.
Nước sông ngày một lấn sâu vào khu dân cư, rồi từ từ bào mòn đất và móng nhà của người dân. Móng nhà bị nước bào mòn, gây sụt lún, dẫn đến hiện tượng vách, nền của các căn nhà nứt, gãy. Thậm chí, có căn nhà nghiêng ra hướng sông; phòng tắm, phòng bếp tách rời khỏi phòng khách một đoạn dài hơn 20cm.
Để khắc phục, nhiều gia đình dùng tre, trụ gỗ kè chắn hoặc tự bỏ tiền mua đá chẻ, xi măng, thép xây dựng bờ kè phía sau nhà. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời, bởi qua mỗi đợt mưa lũ lớn, hệ thống kè lại bị bào mòn, hư hỏng; nhất là kè bằng tre và trụ gỗ. Từ năm 2013 đến nay, cứ vào mùa mưa lũ, hơn 20 gia đình nơi đây lại thấp thỏm, bất an; nhiều hộ phải di dời đi nơi khác để được an toàn.
Bà Lê Thị Phước, một trong số các hộ dân có nhà ở xóm 7 Cầu Gành, than thở: “Gia đình tui bỏ hơn 100 triệu đồng mua đá xây kè phía sau nhà để chống nước sông xâm thực. Dẫu vậy, đến mùa mưa lũ hàng năm vẫn lo lắng không yên; nhiều đêm đang ngủ, nghe tiếng động lớn là cả gia đình tháo chạy ra ngoài vì sợ nhà sụp xuống sông”.
“Vách phòng bếp và phòng tắm phía sau nhà tui xuất hiện chi chít các đường nứt, còn nền thì ngày một lún sâu; các phòng này đang nghiêng dần ra sông và từ từ tách khỏi gian nhà phía trước. Vào ban đêm, các thành viên trong gia đình đều ngủ ở phòng khách, để khi có sự cố còn kịp thoát thân ra ngoài”, ông Lê Thanh Hùng, hàng xóm bà Phước, cho biết.
Khó khăn về kinh phí di dời
Ông Phạm Văn Hùng, Khu vực trưởng khu vực Huỳnh Kim, xác nhận: “Bờ sông bị xâm thực nhiều năm, nước đã “ăn” vào tận móng nhà nên người dân tại khu dân cư xóm 7 Cầu Gành rất lo lắng. Họ mong các cấp, các ngành của thị xã, tỉnh và trung ương xem xét, có biện pháp xây kè kiên cố đoạn bờ sông sạt lở hoặc di dời đến nơi ở an toàn. Mong muốn này đã được bà con nhiều lần kiến nghị, nhưng đến nay chưa được cơ quan thẩm quyền giải quyết dứt điểm”.
Còn theo ông Nguyễn Minh Muộn, Phó Chủ tịch UBND phường Nhơn Hòa, thì: UBND phường ghi nhận, đồng cảm với lo lắng và nỗi khổ của các hộ dân sống ở khu vực bờ sông sạt lở. Tuy nhiên, việc xây kè bờ sông hoặc di dời các gia đình đi nơi khác vượt quá thẩm quyền của địa phương.
“UBND phường đã có văn bản báo cáo, đề nghị UBND TX An Nhơn và các ngành chức năng liên quan sớm có biện pháp xử lý, khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời, tạo điều kiện để các hộ dân tại xóm 7 Cầu Gành được an cư, ổn định cuộc sống”, ông Muộn cho biết thêm.
Ông Lê Minh Toán, Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn, cho biết: Việc di dời các hộ dân sinh sống tại khu vực bờ sông sạt lở là ưu tiên số 1 của địa phương; nhưng cái khó là vấn đề kinh phí di dời, giải tỏa, hỗ trợ cho người dân. UBND TX An Nhơn đã báo cáo cho Sở NN&PTNT, UBND tỉnh xem xét, đưa ra hướng giải quyết. Địa phương mong các cấp, các ngành chức năng của tỉnh và trung ương sớm có biện pháp để đảm bảo cuộc sống cho người dân.
Sống cạnh sông nhưng “khát” nước Ngoài thấp thỏm nỗi lo sạt lở bờ sông, hơn 20 hộ gia đình ở khu dân cư xóm 7 Cầu Gành còn khổ sở với tình trạng thiếu nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Nguyên nhân là do địa hình nơi đây có nhiều đá tảng dưới lòng đất, người dân không thể đào hoặc khoan giếng để lấy nước sử dụng. Trong khi đó, khu vực này chưa có hệ thống nước máy, họ phải bơm trực tiếp nước từ sông lên để tắm, giặt. Riêng uống và nấu ăn, người dân phải mua nước lọc hoặc nước giếng ở các khu dân cư lân cận. |