Thị xã Thái Hòa (Nghệ An): Vì sao không xử lý Tổ hợp khách sạn, nhà hàng “mọc” trái phép?
Tiếng dân - Ngày đăng : 12:08, 21/01/2019
Cạnh Km650 đường mòn Hồ Chí Minh, đoạn giáp ranh giữa xóm Thịnh Mỹ, xã Nghĩa Mỹ và xóm Đông Mỹ, xã Đông Hiếu (thị xã Thái Hòa) thời gian gần đây, xuất hiện 1 khách sạn cao 3 tầng, rộng hàng trăm mét vuông, với 30 phòng. Chếch về phía đông nam khách sạn này là 3 ngôi nhà cấp 4 để nhân viên làm việc và nghỉ ngơi. Trước mặt khách sạn, một nhà hàng rộng rãi để phục vụ cà phê, ăn uống cũng đã bắt đầu đi vào hoạt động.
Thời điểm chúng tôi có mặt, khách sạn này đang hoàn thiện nốt nội thất ở tầng 1. Nhân viên ở đây cho biết, khách sạn đang làm tầng 1 nhưng những tầng trên đã kinh doanh từ lâu. Mỗi phòng giá 250 ngàn/1 ngày đêm, khách hàng ở lâu có thể giảm giá.
Một người dân ở gần khách sạn còn cho biết thêm: năm 2013, trên diện tích đất này, chủ khách sạn đã tự tiện xây dựng một nhà dãy nhà cấp 4 nhưng thị xã Thái Hòa bắt tháo dỡ. Năm 2014, chủ khách sạn hiện nay bắt đầu xây dựng khách sạn và dần hoàn thiện trên diện tích đất trên.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hứa Văn Anh, GĐ Nông trường Đông Hiếu cho biết, diện tích đất đang xây dựng khách sạn một phần nhỏ là diện tích đất ở của xã Nghĩa Mỹ (do vị trí này giáp ranh giữa xóm Đông Mỹ, xã Đông Hiếu và xóm Thịnh Mỹ, xã Nghĩa Mỹ - PV), còn lại là diện tích đất nông nghiệp của nông trường Đông Hiếu rộng khoảng 1 ha, chủ nhân là bà Lê Thị Thuận ở xóm 8, xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa. Bà Thuận mua lại diện tích đó của 1 hộ nhận khoán đất của nông trường là đất trồng cây cao su, sau đó, bà Thuận chặt hạ cao su để xây khách sạn.
Sau khi sự việc xảy ra, nông trường Đông Hiếu đã mời bà Thuận làm việc 2 lần và yêu cầu tháo dỡ nhưng không được. “Hôm lập biên bản bà Thuận có nói để cho bà chạy thủ tục chuyển mục đích sử dụng từ nông nghiệp sang xây dựng cơ bản. Nông trường ủng hộ với điều kiện bà Thuận lo được thủ tục nhưng từ đó đến nay bà Thuận không lo được thủ tục gì” - ông Anh nói.
Một cán bộ của nông trường Đông Hiếu cho biết thêm, bà Thuận ngoài diện tích đất ở của xã Nghĩa Mỹ, diện tích bà đang xây dựng để kinh doanh 1/3 là đất nông nghiệp mua lại của 1 hộ dân xâm canh ở xã Nghĩa Mỹ, còn 2/3 là đất giao khoán của nông trường. Việc bà đầu tư xây dựng công trình mà chưa có phép của chính quyền là sai hoàn toàn.
Tiếp cận GCNQSDĐ của bà Lê Thị Thuận (bản photo copy) do nông trường Đông Hiếu cung cấp thì chiều rộng lô đất bám diện tích mặt đường Hồ Chí Minh của bà chỉ 5m, sâu khoảng 90m, có diện tích 410m2. Trong đó có 180,8m2 đất ở; 229,2m2 đất vườn. Đáng chú ý, trong bìa đất còn ghi chú: có 229,2m2 phía ngoài nằm trong hành lang đường Hồ Chí Minh được cấp GCNQSDĐ nhưng chủ hộ giữ nguyên hiện trạng không được đầu tư, cơi nới, xây dựng công trình theo quy định Công văn số 7616/UBND ngày 02/12/2010 của UBND tỉnh.
Được biết, khi manh nha xây dựng khu kinh doanh này bằng nhà cấp 4, năm 2013, UBND xã Đông Hiếu đã mời bà Lê Thị Thuận lên làm việc để xử lý hành vi xây dựng trái phép. Buổi làm việc thành phần gồm: lãnh đạo xã Đông Hiếu, GĐ Nông trường Đông Hiếu, bà Thuận, địa chính xã Đông Hiếu và xã Nghĩa Mỹ, cán bộ Phòng Quản lý đô thị và Phòng TN&MT thị xã Thái Hòa. Ngoài ra, còn có đại diện Hạt quản lý đường Hồ Chí Minh.
Tại buổi làm việc, bà Thuận cho rằng việc xây dựng cơ sở kinh doanh của bà là hợp pháp, đầy đủ thủ tục; việc UBND xã Đông Hiếu lập biên bản xử lý các công trình xây dựng là không đủ thẩm quyền.
Về phía Nông trường Đông Hiếu lại cho rằng, hiện bà Thuận đang là người nhận khoán đất của nông trường để sản xuất nông nghiệp không phải là người thuê đất. Trong hợp đồng giao khoán quy định diện tích đất trên chỉ được xây dựng lán trại không quá 25m2 , trên thực tế, bà Thuận đã xây dựng nhà kiên cố mà không được sự cho phép của đơn vị. Căn cứ vào hợp đồng, đề nghị bà Thuận trả lại nguyên hiện trạng đất nông nghiệp.
Đại diện Hạt quản lý đường Hồ Chí Minh cũng khẳng định, công trình của bà Thuận đã vi phạm chiều sâu hàng lang giao thông 26m.
Lãnh đạo Phòng quản lý đô thị Thái Hòa cũng có ý kiến, phòng chưa cấp phép cho bà Thuận xây dựng trên đất nông nghiệp.
Tiếp đến, vào ngày 22/9/2015, nông trường Đông Hiếu đã tiến hành làm việc với bà Thuận, lãnh đạo nông trường đề nghị bà hoàn thiện thủ tục xây dựng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Tuy nhiên, bà Thuận vẫn khẳng định bà xây nhà trên đất mua không xây dựng trên đất nông nghiệp nhận khoán. Đất xây dựng có bìa đỏ là 6 mét chiều rộng, còn lại là đất vườn.
Bà Nguyễn Thị Lộc, Chủ tịch UBND xã Đông Hiếu nói, diện tích đất ở của bà Thuận rất nhỏ nhưng bà mua thêm một phần đất nông nghiệp của xã Nghĩa Mỹ, thuê một phần đất nông nghiệp của 1 hộ nhận khoán đất nông trường và mở rộng ra dần. Riêng diện tích đất xây khách sạn có cả đất ở lẫn đất nông nghiệp. Đến thời điểm này, bà Thuận vẫn chưa làm được thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất.
“Bà Thuận xây từ nhiều năm nay, xây dựng dần dần, xã đã nhiều lần lập biên bản và xử phạt hành chính nhưng vẫn không khắc phục. Làm việc nhiều lần nhưng bà Thuận có thái độ thiếu hợp tác” - Bà Lộc nói.
Ông Phạm Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND thị xã Thái Hòa nói, khu vực đất bà Thuận xây dựng đó một phần đất ở, một phần đất nông nghiệp của nông trường. Biết việc xây dựng ở đó chưa hợp lý, nhưng địa phương tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh để có nguồn thu trong bối cảnh khó khăn(?).
Việc bà Lê Thị Thuận tự ý xây dựng tổ hợp khách sạn, nhà hàng lên đất nông nghiệp và chưa hề được các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An cấp phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động từ vài năm nay thể hiện sự xem thường pháp luật. Ngoài ra, cũng có thể thấy các cơ quan chức năng của thị xã Thái Hòa đang tỏ ra “nương tay”, có dấu hiệu làm ngơ để cho đơn vị vi phạm ngang nhiên, kéo dài.
Trước sự việc trên, rất mong Sở Xây dựng Nghệ An, Sở TN&MT Nghệ An cần phải sớm vào cuộc để kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.