Điện Biên: Lợi dụng để san ủi mặt bằng vượt quá diện tích cho phép

Tiếng dân - Ngày đăng : 16:35, 16/01/2019

(TN&MT) - Mặc dù được phép san ủi, cải tạo mặt bằng (nâng cao, hạ thấp mặt bằng sử dụng đất) đối với diện tích đất nương rẫy trồng cây hàng năm khác, nhưng gia đình ông Lê Văn Vĩnh, trú tại thôn Hợp Thành, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên lại tiến hành cải tạo, san lấp vượt quá nhiều lần diện tích cho phép. Điều đáng nói, gia đình này còn “tiện tay” lấp luôn diện tích ruộng lúa 1 vụ của gia đình mình và thực hiện nắn dòng mương dẫn nước tới ruộng của các hộ dân xung quanh.

Ngày 14/1, Báo Tài nguyên và Môi trường nhận được phản ánh của người dân thôn Hợp Thành, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên về tình trạng ông Lê Văn Vĩnh (người dân trong thôn Hợp Thành) đã có nhiều hành vi vi phạm pháp luật về đất đai nhưng không có đơn vị nào đứng ra xử lý rút điểm, gây bức xúc cho nhiều người dân trong thôn. PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có mặt tại thôn Hợp Thành, xã Núa Ngam để xác minh sự việc, rộng đường dư luận.

Vị trí đất ông Lê Văn Vĩnh san ủi mặt bằng tại xã Núa Ngam, huyện Điện Biên
Vị trí đất ông Lê Văn Vĩnh san ủi mặt bằng tại xã Núa Ngam, huyện Điện Biên


Ông Nguyễn Văn Hoan, Trưởng thôn Hợp Thành, xã Núa Ngam, cho biết: Việc gia đình ông Vĩnh đề nghị được cải tạo mặt bằng để nâng cao hiệu quả sử dụng đất vì lý do đất dốc, không bằng phẳng, gây khó khăn trong việc đi lại, sử dụng và canh tác thì chúng tôi không có ý kiến gì. Tuy nhiên, việc san lấp, san ủi vượt quá nhiều so với diện tích cho phép khiến rất nhiều người bức xúc. Điều đáng nói, nhà ông Vĩnh còn tiến hành lấp phần diện tích ruộng lúa 1 vụ của gia đình được nhà nước đầu tư hệ thống mương tưới, cấp giống, giờ san phẳng mặt bằng để san lô, bán nền, trái với chủ trương cho phép của huyện.

Diện tích cải tạo mặt bằng vượt quá diện tích mà UBND huyện Điện Biên cho phép cải tạo
Diện tích cải tạo mặt bằng vượt quá diện tích mà UBND huyện Điện Biên cho phép cải tạo

Tìm hiểu thông tin từ phía UBND xã Núa Ngam, PV có được bộ hồ sơ xin phép cải tạo mặt bằng của gia đình ông Lê Văn Vĩnh và cho phép cải tạo mặt bằng của UBND huyện Điện Biên. Theo đó, ngày 7/5/2018, ông Lê Văn vĩnh đã có đơn đề nghị gửi UBND xã Núa Ngam, UBND huyện Điện Biên để được cải tạo mặt bằng sử dụng đất của thửa đất số 155-TĐ, với diện tích 3.712m2 và thửa số 156-TĐ, với diện tích 5.503m2, cùng tờ bản đồ số 00, tại thôn Hợp Thành, xã Núa Ngam đã được UBND huyện Điện Biên cấp Giấy CNQSDĐ vào ngày 24/1/2018.

Dựa trên Tờ trình số 29/TTr-UBND ngày 9/5/2018 của UBND xã Núa Ngam và Báo cáo số 186/BC-TNMT ngày 28/5/2018 của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Điện Biên, đến ngày 26/7/2018, UBND huyện Điện Biên đã cho phép gia đình ông Lê Văn Vĩnh được tiến hành cải tạo, nâng cao mặt bằng. Trong đó, gia đình ông Vĩnh được phép múc ủi 540m2 đất đồi trong thửa đất số 155-TĐ để san lấp vào diện tích 621m2 tại thửa đất số 156-TĐ với khối lượng đất đào khoảng 900m3. Như vậy, tổng diện tích mà ông Vĩnh được cho phép cải tạo mặt bằng chỉ là 1.161m2. Tuy nhiên, lợi dụng sự cho phép của UBND huyện Điện Biên, gia đình ông Lê Văn Vĩnh đã tiếp tục mở rộng diện tích múc ủi và san lấp trước sự thờ ơ của chính quyền địa phương.

Không những vượt quá diện tích cho phép cải tạo, ông Lê Văn Vĩnh còn đổ đất vào phần diện tích đất lúa 1 vụ của gia đình
Không những vượt quá diện tích cho phép cải tạo, ông Lê Văn Vĩnh còn đổ đất vào phần diện tích đất lúa 1 vụ của gia đình

Dẫn chúng tôi đến vị trí xúc ủi, san lấp của gia đình ông Vĩnh, ông Nguyễn Văn Lộc, người dân thôn Hợp Thành bức xúc: “Không những san lấp vào cả phần diện tích ruộng lúa mà ông Vĩnh còn lấp cả phần mương dẫn nước đến ruộng của các hộ gia đình có ruộng bên dưới trong khi chưa hỏi ý kiến ai. Việc chỉ được phép cải tạo trên 1.000m2 mà ông đã đổ đất, san nền gần như toàn bộ khiến người dân chúng tôi bức xúc. Nhiều người còn nói rằng gia đình ông Vĩnh làm được thì chúng tôi cũng sẽ làm. Trước đó, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên UBND xã Núa Ngam nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm”.

Ghi nhận tại vị trí san ủi, cải tạo mặt bằng, phải đến hơn 10.000m3 đất đã được ông Vĩnh san lấp, đồng nghĩa với việc từng đó khối lượng đất đồi từ thửa đất số 155-TĐ được xúc ủi; trong khi đó, khối lượng đất xúc ủi, san lấp được cho phép chỉ là 900m3. Diện tích xúc ủi, cũng như mặt bằng sau san lấp khoảng hơn 5.000m2. Nhiều diện tích ruộng lúa 1 vụ đã bị san lấp. Một hệ thống cống đang được lắp đặt để thay thế hệ thống mương dẫn nước cũ dù cho việc nắn dòng, thay đổi dòng chảy của mương dẫn nước chưa được sự đồng ý của các hộ dân khác có ruộng tại khu vực này.

Tự ý nắn dòng, thay dổi dòng chảy của mương dẫn nước
Tự ý nắn dòng, thay dổi dòng chảy của mương dẫn nước

Việc mặt bằng san lấp đã được lu nền, nén chặt khiến chúng tôi đặt ra câu hỏi: Liệu mặt bằng này có được san lấp với mục đích cải tạo để nâng cao hiệu quả sử dụng đất nhưng như gia đình ông Vĩnh trình bày trong đơn xin cải tạo đất? Việc san nền có đảm bảo thực hiện đúng yêu cầu của UBND huyện Điện Biên là đất sau khi cải tạo, hạ mặt bằng phải sử dụng đất theo đúng loại đất trồng cây hàng năm khác theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp?

Trao đổi với phóng viên, ông Lường Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Núa Ngam cho biết: Sau khi nhận được phản ánh của người dân thôn Hợp Thành, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra, xác minh và phát hiện gia đình ông Vĩnh đã đổ đất vượt quá diện tích mà UBND huyện Điện Biên cho phép cải tạo mặt bằng. Chúng tôi đã tiến hành lập biên bản, yêu cầu gia đình ông Vĩnh dừng ngay hoạt động san ủi, cải tạo mặt bằng, giữ nguyên hiện trạng. Đồng thời, báo cáo lên UBND huyện Điện Biên để có biện pháp xử lý theo quy định.

Toàn bộ mặt bằng sau khi san lấp đã được lu nền, nén chặt
Toàn bộ mặt bằng sau khi san lấp đã được lu nền, nén chặt

Việc để cho ông Lê Văn Vĩnh xúc ủi, san nền đất vượt quá diện tích cho phép cải tạo mặt bằng của UBND huyện Điện Biên cho thấy sự buông lỏng trong quản lý đất đai. Để xử lý nghiêm những vi phạm trong quản lý, sử dụng đất, UBND huyện Điện Biên cần sớm đưa ra hình thức xử lý nghiêm minh với sai phạm này, tránh để vi phạm thành tiền lệ cho các hộ dân khác làm theo. Và việc xử lý vi phạm cũng nên tránh kiểu đưa sự việc vào “chuyện đã rồi”, khi đó mới có thể rộng đường dư luận.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.