Đà Nẵng: Bị dân phản đối, lò đốt rác thải y tế nằm im 10 năm
Tiếng dân - Ngày đăng : 18:04, 09/01/2019
Ngừng hoạt động suốt 10 năm
Thời gian qua, nhiều người dân ra vào Trung tâm y tế quận Cẩm Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) đã quá quen thuộc với cảnh “cửa đóng then cài” của lò đốt rác thải y tế nằm trong khuôn viên của trung tâm. Do không được sử dụng nên lò đốt đang trong tình trạng xuống cấp trầm trọng, không được bảo dưỡng. Hiện các loại rác thải y tế thông thường và nguy hại đang được tập kết trong nhà chờ nằm cạnh lò đốt. Theo định kỳ, rác thải của trung tâm sẽ được xe tải của Công ty CP Môi trường đô thị đến thu gom và cân để đưa đi xử lý.
Thông tin với phóng viên về lò đốt rác trên, ông Trần Thiện Hùng - Giám đốc Trung tâm y tế quận Cẩm Lệ, không khỏi bức xúc: “Lò đó dừng hoạt động cách đây đã hơn 10 năm rồi. Lò đốt có đó nhưng toàn bộ rác thải của trung tâm phải hợp đồng với Công ty Môi trường đô thị để thu gom mỗi năm và tiêu tốn hơn 150 triệu đồng”.
Đưa chúng tôi ra khu lò đốt có diện tích rộng khoảng 50m2, ông Hùng cho biết công trình trị giá gần 2 tỷ đồng này được khởi công vào khoảng năm 2007, do Chính phủ Nhật Bản tài trợ từ nguồn vốn vay ODA. Đến tháng 4/2008, công trình hoàn thành và đi vào vận hành thử vài lần thì “đắp chiếu” cho tới nay.
“Theo thiết kế, công trình sẽ xử lý triệt để lượng rác thải của trung tâm bằng việc đốt kín trong lò. Khói thải ra môi trường đã được một đơn vị kiểm định và đã đạt tiêu chuẩn. Nhưng lò đốt lại bị người dân phản đối vì khói bay từ lò ra khu dân cư nên chúng tôi phải dừng hoạt động nửa chừng”- ông Hùng nói.
Quan sát thực tế của phóng viên, công trình lò đốt do không được sử dụng đang trong tình trạng xuống cấp. Các máy móc, mô tơ, hệ thống dây điện và ống lò đốt cao khoảng 10m đang bị hoen rỉ và mục nát. Khu vực tường rào bằng lưới B40 đang trong tình trạng khóa cửa và “cấm” người dân ra vào, tránh gây sự cố.
Chờ xử lý
Lò đốt rác phải dừng hoạt động suốt 10 năm nay, nên toàn bộ lượng rác thải phát sinh của trung tâm hiện nay phải thực hiện việc ký hợp đồng thu gom với đơn vị môi trường. Theo ông Hùng, mỗi tháng, trung tâm phải bỏ ra khoảng 15 triệu đồng để giải quyết toàn bộ lượng rác thải y tế thông thường và nguy hại. “Cứ 2 ngày/lần, rác thải tập kết trong nhà chờ sẽ được công nhân của Công ty CP Môi trường đô thị đến lấy và đổ lên xe tải để đưa đến khu vực tập kết và tiêu hủy”- ông Hùng thông tin.
Do lò đốt không còn hoạt động nên phía Trung tâm y tế quận Cẩm Lệ đã nhiều lần làm tờ trình gửi UBND TP. Đà Nẵng về việc di dời lò đốt ra khỏi trung tâm. Ông Hùng khẳng định, đơn vị đã hơn 5 lần gửi tờ trình lên UBND TP. Đà Nẵng nhưng đến nay, vấn đề trên vẫn chưa được xử lý; trong khi công trình lò đốt ngày càng xuống cấp, gây cản trở mặt bằng và gây lãng phí nặng.
Ông Hùng thông tin thêm, hiện phía trung tâm đã hết hợp đồng tiêu hủy chất thải nguy hại với Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng từ khoảng tháng 9/2018. Hiện trung tâm đang thực hiện hợp đồng tiêu hủy lượng rác thải nguy hại với một đơn vị môi trường ở tỉnh Quảng Nam.
Cũng nằm trong khuôn viên của Trung tâm y tế quận Cẩm Lệ, công trình xử lý chất thải lỏng do Viện Pasteur Nha Trang kiểm định chất lượng có tổng vốn đầu tư 4 tỷ đồng được đưa vào hoạt động gần 1 năm nay nhằm giải quyết tình trạng nước thải sau quá trình khám, chữa bệnh. Theo ông Hùng, hiện công trình có tổng công suất xử lý hơn 150 m3 nước thải/ngày đêm đang tạm dừng hoạt động vì 2 mô tơ máy bơm bị vô nước do ngập lụt sau mưa. “Vài tháng trước, công trình cũng có vài lần bị trục trặc và phải dừng hoạt động. Nhưng sau đó, máy bơm được sửa chữa nên hoạt động lại bình thường. Trước đây, mỗi ngày, công trình xử lý được khoảng 70 m2 nước thải/ngày đêm”- ông Hùng cho hay.