Mất hàng trăm nghìn ha rừng, ai chịu trách nhiệm? - Bài 2: Giao rừng để… phá rừng, bán đất?!

Tiếng dân - Ngày đăng : 17:24, 10/01/2019

(TN&MT) - Hơn 1,7 nghìn ha đất lâm nghiệp thu hồi từ Công ty Lâm nghiệp Cư M’lan được UBND huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) giao cho 13 nhóm hộ ở xã Ea Bung. Nhưng...

 

(TN&MT) - Hơn 1,7 nghìn ha đất lâm nghiệp thu hồi từ Công ty Lâm nghiệp Cư M’lan được UBND huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) giao cho 13 nhóm hộ ở xã Ea Bung. Nhưng huyện đã giao sai đối tượng, người dân sử dụng sai mục đích đã làm toàn bộ diện tích rừng này bị phá trắng, còn đất rừng bị xà xẻo mua bán trao tay.

eabung1
Người dân xã Ea Bung dựng nhà và trồng cây trái phép trên đất lâm nghiệp.


Xẻ đất rừng để trồng cây ăn trái

Khoảng gần cuối tháng 10/2018, PV có dịp trở lại địa bàn xã biên giới Ea Bung, nơi từng xảy ra những vụ án mạng đẫm máu để dành đất. Con đường dẫn vào khu đất được giao cho 13 nhóm hộ ở xã này, phải di qua những con đường lầy lội, khó khăn lắm chúng tôi mới tiếp cận được nơi này. Một người dân địa phương dẫn đường cho biết, ngày xưa rừng còn nhiều và nước tưới ở các dòng suối ít khi khô cạn. Nay rừng mất rồi nên nguồn nước phụ thuộc rất lớn vào việc bơm tưới từ Hồ Ea Súp thượng và bị trơ đáy thời điểm mùa khô cao điểm.

Tại địa phận thuộc khoảnh 5, tiểu khu 246 (thuộc nhóm Nông Trường Sơn) hiện có khá nhiều hộ dân đã dựng nhà, đất bị cày xới trồng cây lâu năm (cam, quýt, quất, xoài, lúa…). Tiếp xúc với chúng tôi, đôi vợ chồng đến từ tỉnh Vĩnh Long cho biết, gia đình khăn gói lên Tây Nguyên đã được hơn 2 năm nay, đồng thời mua được 4 ha đất để trồng cây ăn quả của một người dân với giá 30 triệu đồng/ha. “Đất ở đây chẳng nơi nào được được cấp sổ, hầu hết chúng tôi đều mua bán trao tay. Có nơi, thông qua niềm tin tưởng, chỉ cần ra thực địa nhận đất… trao tiền là xong. Năm tới, chúng tôi bắt đầu có thu hoạch từ việc bán hoa quả, vợ chồng tôi sẽ đầu tư mở rộng diện tích”, vợ chồng này cho biết.

Những người dân đang sinh sống tại đây không biết nơi họ đang canh tác, về lí thuyết vẫn đang tồn tại là những cánh rừng nghèo. Ở tiểu khu 246, ngoài việc dựng nhà trái phép, đấy cày xới trồng cây sai mục đích sử dụng… nhiều hộ dân đã mua lưới thép B40 rào bao quanh, tự cắm mốc để chiếm đất. Một số hộ dân cho biết, giá đất vài năm trở lại đây đã tăng lên, hiện giao động từ 35 - 40 triệu đồng/ha.

Những hộ dân sinh sống và canh tác tại tiểu khu 246 đang hướng đến việc đóng góp mỗi hộ 30 triệu đồng để kéo đường hạ thế. Nhưng chưa thực hiện được do hộ có tiền, hộ rất khó khăn. Ông Nguyễn Ngọc Luật - Phó chủ tịch UBND xã Ea Bung, cho biết: Vào năm 2007, UBND huyện Ea Súp phê duyệt thông qua quyết định 617/QĐ-UBND, giao cho Nhóm Nông Trường Sơn (một trong 13 nhóm hộ được giao đất, giao rừng) 103 ha, trong đó gần 78 ha diện tích rừng nghèo, phần còn lại là đất không có rừng. “Tuy nhiên, thời điểm kiểm tra thực địa cho thấy, rừng không còn, đất đai bị chuyển mục đích sử dụng trái phép như: diện tích trồng lúa hơn 23ha, đất sình 3,2ha, đất trồng cây lâu năm hơn 32ha, trồng mía  gần 18h, đất mới bị cày xới hơn 26ha. Hiện tại nhóm trưởng đã đi làm ăn xa, thành viên của nhóm là ông Lê Đình Tỉnh đã chuyển hẳn về quê sinh sống và bà Nông Thị Trầm đã đi khỏi địa phương ” - ông Luật nói.

eabung2
Người dân xã Ea Bung dựng lưới thép B40 để trồng cây ăn quả tại tiểu khu 246.


Giao rừng cho cán bộ bán trái phép

Trong đợt huyện Ea Súp giao rừng nói trên, nhóm Nguyễn Văn Dương (nguyên cán bộ địa chính xã Ea Bung) được ưu ái giao tổng diện tích hơn 373 ha rừng nghèo. Nhóm của ông Dương được UBND huyện Ea Súp ban hành Quyết định số 619/QĐ-UBND giao gần 373 ha cùng với 35 thành viên. Thời điểm nhận rừng, ông Dương đang là cán bộ địa chính xã Ea Bung. Theo quyết định, nhóm 35 hộ này sẽ được giao diện tích tại các khoảnh 5,7,8,9 thuộc tiểu khu 252. “Rừng tại khu vực này không còn nữa. Thời điểm kiểm tra, diện tích trồng cây lâu năm là 23,8ha; cây hằng năm 24,5ha; trồng mía 229,4ha và trồng cao su 10,8ha. Nhiều hộ dân báo cáo lại, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp bị các đối tượng vào lấn chiếm, số khác thì sang nhượng qua lại. Riêng 2 nhóm có hợp đồng liên kết kinh tế về việc sử dụng đất, nhưng chỉ là thỏa thuận cá nhân, không có cơ quan nhà nước nào chứng thực” - ông Nguyễn Ngọc Luật cho biết thêm.

eabung3
Người dân xã Ea Bung dựng nhà và trồng cây trái phép trên đất lâm nghiệp.


Theo UBND xã Ea Bung, nguyên nhân dẫn đến việc rừng bị tàn phá, đất rừng bị lấn chiếm trái phép là do chính sách mở rộng quy hoạch vùng sản xuất tại khu vực kênh chính Tây. Từ đó, đã tác động trực tiếp đến việc khai thác đất rừng làm nương rẫy. Chưa có chính sách hỗ trợ cho 13 nhóm hộ trong công tác quản lý và bảo vệ rừng, do đó rừng bị tàn phá và bị lấn chiếm. Tuy vậy, nhìn thẳng từ thực tế cho thấy, nguyên nhân chính vẫn là việc ngăn chặn đẩy lùi nạn phá rừng của người dân và chính quyền địa phương chưa cao. Một số hộ dân buông lỏng quản lí, dẫn đến việc rừng mất hết rồi mới đi khai báo. “Nhiều hộ được giao đất, giao rừng nhưng lại là tác nhân đầu tiên cho việc chuyển đổi đất rừng trái phép. UBND xã đã nhiều lần mời các nhóm hộ dân về họp, nhưng một số nhóm không tham gia. Sau cuộc họp, chúng tôi đã gửi văn bản đôn đốc các nhóm hộ tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra và báo cáo về chính quyền địa phương, nhưng họ không quan tâm, cũng không chấp hành” - ông Luật cho hay.

Lãnh đạo UBND Huyện Ea Súp cho biết, sau khi nắm thông tin từ báo cáo của UBND xã Ea Bung, sắp tới huyện sẽ tổ chức hội nghị tìm hướng giải pháp trong việc giao đất giao rừng cho 13 nhóm hộ. Trong khi đó, đại diện lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp cũng xác nhận, đơn vị được giao nhiệm vụ tham mưu cho huyện để tổ chức Hội nghị liên quan đến việc giao hơn 1,7 nghìn ha đất lâm nghiệp nay đã bị mất trắng.