Yên Thành (Nghệ A): Đập thủy lợi hơn 6 tỷ đồng không tích được nước

Tiếng dân - Ngày đăng : 12:53, 11/01/2019

(TN&MT)- “Công trình được nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ, ngoại hình nhìn cơ bản đẹp… Tuy nhiên, hạn chế là đập không tích được nước, không phát huy được hiệu quả đầu tư” - Kết luận của UBND huyện Yên Thành khi bàn phương án xứ lý công trình đập Hố Môn vào năm 2016 nêu rõ. Đến nay, sau 3 năm hoàn thành, công trình thủy lợi này vẫn không thể tích được nước khiến người dân vô cùng bức xúc.

Thi công không đảm bảo?

Đập Hố Môn ở xóm 6, xã Thịnh Thành có nguồn gốc từ đập nước bằng đất do người dân địa phương tự đào đắp để dự trữ nước tưới và nước sinh hoạt. Năm 2014, chính quyền huyện Yên Thành có chủ trương sửa chữa, nâng cấp đập Hố Môn.

Dự án nâng cấp, sửa chữa đập Hố Môn có tổng đầu tư hơn 6 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án là UBND huyện Yên Thành, nhà thầu thi công là Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Sông Lam (có trụ sở tại TP. Hà Nội). Thân đập có chiều dài 167m, tràn xả lũ dài 60m, cống thoát nước dài 37m. Công trình hoàn thành sẽ tưới 20 ha đất lúa và phục vụ nước sinh hoạt cho 128 hộ dân, với gần 500 khẩu ở xóm 6, xã Thịnh Thành. Dự án bắt đầu thực hiện từ ngày 26/11/2014 và hoàn thành sau 5 tháng thi công.
 

Đập Hố Môn dù đã sửa chữa xong vị trí cống thoát nước nhưng đơn vị thi công chỉ lấp đất lại một cách sơ sài
Đập Hố Môn dù đã sửa chữa xong vị trí cống thoát nước nhưng đơn vị thi công chỉ lấp đất lại một cách sơ sài

Tuy nhiên, sau khi hoàn thành đưa vào vận hành và khai thác, trong mùa lũ năm 2015 đã xảy ra tình trạng đập không tích được nước. Nước bị mất do chảy qua thân đập, qua đáy và cống lấy nước. Nguyên nhân do đập cũ đắp bằng thủ công và trong quá trình thi công mới không được xử lý triệt để.

Thời điểm chúng tôi có mặt, mực nước trong hồ đã xuống thấp. Một đoạn thân đập ở vị trí cống thoát bị đào đắp sửa chữa và lấp đất một cách sơ sài. Tràn xả lũ rêu phong, nhà vận hành cống bỏ hoang không ai quan tâm, bảo vệ. Mặt đập và thân kè có nhiều đoạn bê tông đã bị lún sụt có dấu hiệu xuống cấp.

Anh Nguyễn Khánh Phong, Xóm trưởng xóm 6, xã Thịnh Thành, bức xúc: “Nhà thầu thi công không có máy lu lèn chỉ dùng máy ủi san gạt. Sau khi UBND huyện yêu cầu nhà thầu sửa lại, họ có sửa chữa chân khay, sau đó nước không chảy qua chân khay mà chảy qua các điểm khác của đập”.
 

Mặt bê tông thân đập Hố Môn sụt lún có dấu hiệu xuống cấp
Mặt bê tông thân đập Hố Môn sụt lún có dấu hiệu xuống cấp 

Một người dân xóm 6 còn cho biết, trong thời  gian vừa thi công, phát hiện nhà thầu làm dối nên, đất đắp lẫn đá cục không đủ độ kết dính không lu lèn, người dân đã mua bánh mì, nước lọc kéo lên hiện trường thi công, ngồi gần 1 ngày để phản đối. Lúc đổ đất đắp đập đơn vị thi công cũng không bóc phong hóa, mà đổ đất chồng lên lẫn cả cỏ, rác. Khi bạt ta luy thân đập đất đá dư thừa đổ xuống còn bồi lấp thêm lòng hồ.

Hệ lụy của việc thi công đập là trước khi chưa xây đập, người dân xóm 6 vẫn cấy được 1 năm 2 vụ lúa, sản xuất bình thường, nguồn nước luôn đảm bảo. Nay xây xong đập người dân phải nhờ trời mưa để có nước sản xuất. Mấy năm nay, nước cạn, người dân còn phải đào giếng ngay tại lòng đập để có nước cho trâu bò uống. Do không có nước để trồng lúa, một số hộ đã chuyển sang trồng cây khác.

 Nhà thầu thiếu cả năng lực lẫn trách nhiệm

Tại buổi họp bàn phương án xử lý hiện trường đập Hố Môn vào ngày 11/7/2016, UBND huyện đã yêu cầu đơn vị thi công xử lý bằng cách đào phá phần gia cố mái thượng lưu, hạ thấp 1m, chiều rộng phần đáy bằng 1 vệt bánh xe lu, sau đó đắp lu lèn đúng thiết kế. Trong quá trình đắp lên cao phải tiến hành dật cấp lên dần đến ngưỡng tràn. Chất lượng đắp phải đúng yêu cầu kỹ thuật.

UBND huyện Yên Thành còn yêu cầu nhà thầu phải hoàn thành vào trước ngày 10/8/2016 và nghiệm thu đưa vào sử dụng vào ngày 15/8/2016. Tuy nhiên, sau đó, đơn vị thi công vẫn không sửa chữa, khắc phục. Ngày 28/6/2018, UBND huyện tiếp tục yêu cầu nhà thầu khắc phục triệt để trước ngày 30/7/2018.

Thực hiện yêu cầu của chủ đầu tư, vừa qua, nhà thầu chỉ đào đập sửa lại cống thoát nước. Khi đào lên, người dân còn phát hiện giữa điểm nối của cống không có doăng, không có đinh vít. Do đó, khi đập tích nước, cống đóng cửa, một phần nước sẽ theo các điểm nối chảy ra tràn vào thân đập, gây nguy cơ bở đất và xói lở.

Ông Nguyễn Đình Lộc, xóm 6, xã Thịnh Thành người giám sát quá trình khắc phục, sửa chữa đập, bức xúc: “Khi bể chuyện mới cử xóm ra giám sát. Nhà thầu sửa chữa 2 lần rồi mà không được, dân chúng tôi muốn họ làm triệt để nhưng nhà thầu sửa chữa chắp vá, đối phó cho qua chuyện”.

Ông Nguyễn Đình Phong, Chủ tịch UBND xã Thịnh Thành cho biết, đập làm từ năm 2014, giờ những bất cập chưa xử lý được, huyện làm chủ đầu tư, xã không rõ, PV liên lạc với Ban QLDA huyện rõ hơn.

Làm việc với Ban QLDA huyện Yên Thành, ông Trần Anh Tuấn, GĐ Ban cho chúng tôi biết, do nhà thầu năng lực kém lại còn đổ lỗi cho điều kiện thổ nhưỡng ảnh hưởng đến chất lượng thân đập. Tuy nhiên, khi Ban QLDA thí nghiệm đất đắp đập vẫn đạt tiêu chuẩn nhưng do đầm lu kém nước thấm qua thân đập.

Được biết, đến nay nhà thầu xử lý vẫn chưa triệt để còn hiện tượng rò rỉ nước qua thân đập. UBND huyện yêu cầu nhà thầu không thực hiện khắc phục triệt để thì các bên liên quan tiến hành quyết toán công trình và giao cho đơn vị khác thực hiện trong phạm vi chi phí của công trình.