Thanh Hóa: Xóa sổ rừng phòng hộ để làm du lịch?

Tiếng dân - Ngày đăng : 21:34, 05/01/2019

(TN&MT) - Một quyết định xóa sổ gần 300 ha rừng phòng hộ để giao cho các doanh nghiệp làm du lịch. Thế nhưng thực chất nhiều doanh nghiệp không đầu tư phát triển du lịch, dự án nhiều năm qua vẫn chỉ nằm trên giấy, còn rừng phòng hộ thì đã bị mất trắng.

Xóa sổ rừng phòng hộ để làm du lịch

Theo Quyết định 2755/2007/QĐ-UBND ngày 12/09/2007 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc Phê duyệt kết quả rà soát, quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2006-2015 quy hoạch diện tích rừng phòng hộ tỉnh Thanh Hóa là 191.943,98 ha,. Trong đó, diện tích đã có rừng 151.474,47 ha, diện tích chưa có rừng 40.469,51 ha.

Rừng phòng hộ trên thực tế vẫn còn rất nhiều tại xã Quảng Lợi, huyện Quảng Xương nhưng đã bị xóa sổ trên giấy tờ.
Rừng phòng hộ trên thực tế vẫn còn rất nhiều tại xã Quảng Lợi, huyện Quảng Xương nhưng đã bị xóa sổ trên giấy tờ
 

Riêng diện tích rừng phòng hộ được quy hoạch tại huyện Quảng Xương là 467,70 ha. Trong đó, diện tích hiện tại đã có rừng là 268,70 ha, diện tích chưa có rừng là 199 ha.

Đến ngày 29/08/2017, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký Quyết định số 3230 về việc Phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2025, thì gần 300 ha rừng phòng hộ đang tồn tại trên địa bàn huyện Quảng Xương bỗng dưng bị xóa sổ.  Thay vào đó là quy hoạch nhiều dự án du lịch khiến người dân địa phương bức xúc.

Cụ thể, theo Quyết định 3230, quy hoạch rừng phòng hộ của huyện Quảng Xương chỉ còn có 64,28 ha. Trong 64,28 ha đó, không có bất cứ diện tích rừng nào còn tồn tại, tất cả đều phải trồng mới.

Theo người dân địa phương sống dọc bờ biển các xã Quảng Thái, Quảng Lợi, huyện Quảng Xương cho biết: Trên thực tế rừng phi lao chắn sóng vẫn còn nguyên vẹn từ bao đời nay. Người dân rất có ý thức trong việc bảo vệ rừng, vì đây là lá chắn sóng mỗi khi mùa bão về. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì ủy ban tỉnh lại ra văn bản xóa sổ rừng phòng hộ trên địa bàn, thế nên từ năm 2017 tới nay, phi lao bị chặt phá không thương tiếc. Rừng phi lao giờ đây hoang tàn, chặt phá nham nhở mà chính quyền không có biện pháp ngăn chặn, chúng tôi nơm nớp lo sợ mỗi khi mùa bão về.

Khu biệt thư Hùng Sơn của Công ty Văn Phú tại xã Quảng Hùng và Quảng Đại, thành phố Sầm Sơn hàng chục năm nay vẫn nằm trên giấy
Khu biệt thư Hùng Sơn của Công ty Văn Phú tại xã Quảng Hùng và Quảng Đại, thành phố Sầm Sơn hàng chục năm nay vẫn nằm trên giấy
 

Người dân cho biết, thực tế rừng phòng hộ hiện nay tại Quảng Xương còn rất nhiều. Không thể nói là “không còn tồn tại, phải trồng mới” như Quyết định 3230 của phó chủ tịch tỉnh ban hành.

“Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa, Nguyễn Đức Quyền ký quyết định xóa bỏ rừng phòng hộ trên địa bàn huyện Quảng Xương  đã mặc nhiên cho phép lâm tặc tự do khai thác rừng phòng hộ một cách hợp pháp” - một người dân xã Quảng Lợi bức xúc.

Trong khi đó Chính phủ cũng như Bộ NPTNT đã ban hành nhiều văn bản để bảo vệ và phát triển rừng thì UBND tỉnh Thanh Hóa lại mặc nhiên xóa bỏ hàng trăm ha rừng phòng hộ ven biển vẫn đang tồn tại trên thực tế!

Việc UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định xóa sổ gần 2.000ha rừng phòng hộ trên địa bàn đã khiến phi lao bị chặt phá không thương tiếc.
Việc UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định xóa sổ gần 2.000ha rừng phòng hộ trên địa bàn đã khiến phi lao bị chặt phá không thương tiếc.
 

Không chỉ thế theo quyết định số 3230 phê duyệt lại 3 loại rừng (giai đoạn 2016-2025), UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã đưa ra ngoài quy hoạch hơn 2.000 ha rừng phòng hộ ven biển (1.544 ha rừng chắn gió, cát; 488 ha rừng chắn sóng) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Trong đó, gần như “xóa sổ” hoàn toàn diện tích rừng phòng hộ chắn gió, cát (rừng phi lao), chỉ để lại 20 ha trong tổng số 1.564 ha được quy hoạch phát triển trong giai đoạn 2007-2015. Đặc biệt, quy hoạch này, huyện Quảng Xương không còn 1m2 rừng phòng hộ chắn gió, cát, trong khi theo quy hoạch cũ địa phương này có gần 300 ha.

Nhiều dự án du lịch “ma”, nằm trên giấy!

Theo ghi nhận thì rất nhiều diện tích rừng phi lao phòng hộ dọc bờ biển từ phường Quảng Vinh (TP. Sầm Sơn) tới xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương) với chiều dài hơn 10 km đã được tỉnh giao cho các dự án du lịch nghỉ dưỡng ven biển.

Khoảng hơn 10 năm trước, hàng loạt những dự án du lịch, nghỉ dưỡng mang tên như: Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Toàn Tích Thiện, Khu biệt thự Hùng Sơn, Tiên Trang,... từng được ồ ạt đăng ký đầu tư vào đây. Nhưng cho đến nay, những dự án này vẫn còn “treo lơ lửng” hoặc tàn phá hàng trăm ha rừng phi lao để chia lô bán đất.

Xóa sổ rừng phòng hộ để triển khai những dự án du lịch “nằm trên giấy”.
Xóa sổ rừng phòng hộ để triển khai những dự án du lịch “nằm trên giấy”
 

Đặc biệt, tại Dự án Khu du lịch biển Tiên Trang do Công ty TNHH SOTO (Công ty SOTO) làm chủ đầu tư, có diện tích hơn 100,9ha nằm dọc đường bờ biển dài 2,5km thuộc địa phận ba xã: Quảng Thái, Quảng Lợi và Quảng Thạch (huyện Quảng Xương). Đây là dự án khu du lịch sinh thái biển tổng hợp, được quy hoạch xây dựng các khu chức năng gồm: Khu dân cư, biệt thự, trung tâm thương mại, khu vui chơi - giải trí sinh thái... Dự án Khu du lịch biển Tiên Trang được chia làm 2 dự án: Dự án Khu du lịch thể thao sinh thái Tiên Trang được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư năm 2008 tại các xã Quảng Lợi, Quảng Lĩnh và Quảng Thạch, diện tích 427.000 m2 chủ yếu là đất nông, lâm nghiệp ven biển và Dự án Khu đô thị du lịch biển Tiên Trang tại các xã Quảng Lợi, Quảng Thạch và Quảng Thái theo Quyết định số 616/QĐ-UBND ngày 2/3/2011, diện tích 448.631m2.

Khi mới triển khai dự án, chính quyền và người dân hồ hởi, phấn khởi vì một dự án được đầu tư quy mô, hoành tráng sẽ thay đổi bộ mặt, phát triển du lịch biển của các xã ven biển huyện Quảng Xương suốt bao nhiêu đời chỉ biết ra khơi đánh bắt. Thế nhưng, những mục tiêu, phương châm trên vẫn chỉ là trên giấy tờ. Sau 10 năm trời kể từ khi dự án được duyệt, nơi đây mới chỉ có một khu quảng trường xây dựng dang dở, còn trơ cả bê tông, cốt thép, cỏ mọc um tùm và vài ba điểm kinh doanh dịch vụ. Từng khoảng đất rừng phòng hộ đã được giải phóng mặt bằng nhưng chưa có hạng mục đầu tư; nhân lực chỉ xuất hiện lác đác một vài người, máy móc gần như không hoạt động.

Dự án cũng có nhiều bất cập trong việc đền bù, tái định cư, mượn đất nông nghiệp khiến người dân liên tục khiếu kiện, khiếu nại suốt nhiều năm.

Hàng nghìn ha rừng phòng hộ bị xóa sổ để làm du lịch, thế nhưng nhiều dự án vẫn nằm trên giấy, rừng phi lao thì bị chặt phá không thương tiếc khiến người dân nơm nớp lo sợ lá chắn sóng đã mất mỗi khi mùa bão về.