Thừa Thiên Huế: Khu đô thị Đông Nam Thủy An chậm tiến độ hơn 10 năm, dân bức xúc
Tiếng dân - Ngày đăng : 18:39, 27/12/2018
Theo tìm hiểu của PV, Khu đô thị mới Đông Nam Thủy An nằm ở phía Nam TP. Huế; khởi công từ năm 2007 với tổng mức đầu tư hơn 220 tỷ đồng trên diện tích khoảng 251.956 m², do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 8 (CIC8) làm chủ đầu tư; bao gồm khu dân cư mới, khu biệt thự, nhà vườn, chung cư, khách sạn, cao ốc văn phòng…
Khi mới khởi công, nhà đầu tư “quảng cáo” rằng đây là đô thị kiểu mẫu của tỉnh Thừa Thiên Huế, sẽ khang trang hiện đại khi có hệ thống giao thông, cấp thoát nước hoàn chỉnh. Mạng lưới điện sinh hoạt và điện chiếu sáng được thiết kế ngầm đảm bảo mỹ quan an toàn cũng như cung cấp ổn định và chiếu sáng cho các tuyến đường. Những mảng xanh thiên nhiên như công viên, cây xanh, thảm cỏ dọc bờ hồ, kênh đào và các khoảng xanh tự nhiên được bố trí thích hợp trong từng khu vực. Thế nhưng, những gì hiện nay mà người dân đang trải nghiệm thì hầu như chưa tương xứng và thậm chí là khác xa...
Có mặt tại hiện trường, đập vào mắt PV là sự ngổn ngang, sơ sài và xuống cấp của khu đô thị. Hệ thống điện, thảm nhựa mặt đường, trồng cây, lát vỉa hè, hố ga thoát nước... còn xây dựng dở dang, tạm bợ với nhiều đống đất, đá “án ngữ” xung quanh.
Cụ thể, khi trời mưa xuống, nhiều đoạn đường ngập úng, biến thành sông khiến người dân cực kỳ bức xúc. Dây điện đấu nối tạm bợ, treo lòng nhòng sát mặt đất mang lại sự lo sợ. Một số đường xuống cấp trầm trọng; ổ voi ổ gà nhiều gây ảnh hưởng cho việc lưu thông của người dân, nhất là đoạn trước trường Chi Lăng.
Ngoài ra, những ngôi nhà được xây từ 1-3 tầng tùy tiện, đủ kiểu dáng khiến kiến trúc, quy hoạch của khu đô thị bị phá vỡ. Người dân đã trả tiền đầy đủ cho chủ đầu tư nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), nhiều căn nhà rao bán không ai mua. Nhiều mảnh đất trống trơ trợi, hoang vu, cỏ dại mọc um tùm.
Chị Phan Thị Chung Thủy (40 tuổi) chia sẻ, chị đã về khu đô thị xây nhà ở khoảng 6 năm và đang mở quán cà phê tại nhà, đến nay nơi này vẫn khá vắng vẻ, cơ sở hạ tầng còn yếu khiến việc buôn bán khó khăn…
“Cứ hễ trời mưa to thì đường trước nhà tôi ngập, hệ thống thoát nước không sử dụng được. Đường sá thì hư hỏng, dây điện thì treo như mạng nhện và đã có lần xe ô tô đi ngang qua kéo đứt. Ban đêm không có điện khiến tôi không dám ra khỏi nhà. Quan trọng nhất sổ đỏ vẫn chưa có…”- chị Thủy nói.
“Hệ thống nắp ga, nắp cống ở đây hầu như mất hết, nó vô tình tạo ra những cái bẫy cho người đi đường, nhất là các cháu nhỏ hay ra đường chơi vào buổi chiều...”, một người dân khác bức xúc.
Người dân địa phương cũng cho hay đã nhiều lần kiến nghị lên địa phương, chủ đầu tư… về những trở ngại mà khu đô thị đang mắc phải, nhưng vẫn chưa thấy tiến triển gì.
Được biết, chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 8 đã mất khả năng về tài chính dẫn đến không thể hoàn thiện các hạng mục thi công như đã đề ra. Hiện chủ đầu tư đang tiến hành những thủ tục để chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư mới theo hình thức xử lý nợ xấu.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Phan Đức Phú Sĩ - Trưởng phòng quản lý hạ tầng kỹ thuật thuộc Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, những gì người dân phản ánh là có cơ sở; vừa rồi ban có ghi nhận một trường hợp chập chạm điện ở khu đô thị do các đầu nối dây điện chưa đảm bảo và do quá tải...
“Ban đã có nhiều văn bản nhắc nhở chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và đề nghị chủ đầu tư quan tâm xử lý kịp thời đối với hệ thống thoát nước mưa, điện đài. Hiện nay, UBND tỉnh đã có chủ trương cho phép chuyển nhượng dự án và công ty đang thực hiện các thủ tục để hoàn tất công việc này. Sau khi chuyển nhượng xong, chúng tôi sẽ đốc thúc công ty được chuyển nhượng khẩn trương hoàn thành toàn bộ các hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên toàn khu đô thị”- ông Sĩ trình bày.