Thái Bình: Nghi vấn dự án giãn dân bồi thường hỗ trợ thiếu minh bạch
Tiếng dân - Ngày đăng : 14:00, 21/12/2018
Báo Tài nguyên & Môi trường nhận được đơn của người dân ở xã Đông Lâm (huyện Tiền Hải, Thái Bình) cho rằng chính sách bồi thường hỗ trợ thu hồi đất nông nghiệp làm dự án giãn dân của chính quyền địa phương không thỏa đáng, thiếu minh bạch.
Theo trình bày, khoảng 2 năm nay, UBND huyện Tiền Hải và xã Đông Lâm thực hiện dự án giãn dân nên thu hồi đất hai lúa của hàng loạt hộ dân. Tuy nhiên, thông tin về việc bồi thường hỗ trợ khá mù mờ. Nhiều người vẫn không nắm được quy mô dự án, cách thức bồi thường hỗ trợ ra sao. Đến nay, người dân vẫn thắc mắc liệu việc thu hồi ruộng đang canh tác có đúng hay không.
Để phục vụ dự án, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Tiền Hải cùng UBND xã Đông Lâm lên danh sách và thu hồi đất trồng lúa của rất nhiều hộ dân tại khu vực rộng gần chục ha trên quốc lộ 39B. Theo đó, tùy từng hộ gia đình mà diện tích đất bị thu hồi dài rộng khác nhau. Có gia đình bị thu 7 sào (2.500m2), có hộ bị thu 3 sào (1.000m2),...
Trong quá trình thu hồi đất, Ban GPMB đưa ra quy định: Cứ mỗi một sào (360m2) bị thu hồi, người dân sẽ bị trừ đi 20m2 không được tính vào để bồi thường hỗ trợ. Chẳng hạn, gia đình nào có 7 sào thì bị tính giảm đi 140m2. Theo giải thích, đây là phần đất mà người dân phải hiến cho nhà nước để phục vụ đường sá và các công trình chung khác. Nhưng người dân thắc mắc liệu quy định về việc mỗi sào bị cắt 20m2 như thế có đúng hay không?
Người dân cũng cho biết, trong cuộc họp vào tháng 4 vừa qua, Ban Dự án cùng người dân thống nhất chốt phương án bồi thường cho mỗi nhân khẩu ăn theo mức 5,4 triệu đồng. Tức là sau khi tính tổng các loại tiền bồi thường hỗ trợ (bồi thường đất đai, hoa màu, tài sản, hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp) khoảng 37 triệu đồng/sào, mỗi nhân khẩu sẽ được cộng thêm 5,4 triệu đồng. Nhưng đến khi nhận tiền thực tế, mỗi người lại chỉ được mức 4,3 triệu đồng. Họ cho rằng điều này là rất vô lý. Tại sao lại có sự chênh lệch giữa con số đã thống nhất và thực tế như vậy?
Bà Nguyễn Thị Gấm cho biết, cách bồi thường hỗ trợ phân bổ theo đầu người cũng không hợp lý. Nhà bà có 3 người bị lấy 3 sào đất thì cũng chỉ được cộng thêm 3 phần tiền theo đầu người. Nhà khác có 5 người chỉ bị thu hồi 1 sào đất, thì vẫn được công thêm 5 phần theo đầu người.
Trao đổi với PV, ông Trần Văn Ơn (Chủ tịch UBND xã Đông Lâm) cho biết, dự án giãn dân được huyện giao cho xã làm chủ đầu tư. Hiện nay, dự án cơ bản đã sắp hoàn tất giải phóng mặt bằng. Hầu hết hộ dân trong khu vực đã nhận tiền bồi thường hỗ trợ, chỉ còn một số người dân vẫn thắc mắc.
Ông Ơn giải thích: Việc trừ 20m2/sào là theo đúng quy định trong Đề án của tỉnh Thái Bình về dồn điền đổi thửa. Ngày xưa, các hộ gia đình được nhà nước giao đất nông nghiệp không tập trung mà có thể rải rác, mỗi nơi một mảnh.
Những năm sau này, nhà nước có chủ trương cho các hộ đổi thửa dồn đất về tập trung thành một mảnh lớn hơn để thuận tiện sản xuất nông nghiệp. Năm 2012, Thái Bình cũng thực hiện việc này trong đó có xã Đông Lâm.
Theo quy định trong Đề án, khi dồn điền đổi thửa, cứ mỗi sào thì chủ đất phải hiến một phần đất để phục vụ lợi ích công cộng như đường sá, mương máng,... "Tùy từng địa phương, có vùng cắt 20m2/sào. Những nơi khác, thậm chí còn cắt nhiều hơn" - Ông Ơn nói. Như vậy, khi tính tổng diện tích theo GCNQSD đất cũ, người dân sẽ thấy tổng diện tích bồi thường bị giảm đi bình quân 20m2/sào.
Theo ông Ơn, một số người dân không hiểu vấn đề này vì từ ngày dồn điền đổi thửa, người dân ở xã vẫn chưa được cấp sổ mới. Họ vẫn tính diện tích mảnh ruộng mới của mình theo tổng diện tích cũ. Nếu sổ mới đã được cấp, thì diện tích trong sổ cũng sẽ giảm theo tỷ lệ bình quân 20m2/sào so với sổ cũ.
Ông Chủ tịch xã cũng cho biết, việc bà con bị giảm số tiền hỗ trợ nhân khẩu ăn theo là do quy định từ tỉnh. Sở Tài chính từng có văn bản trả lời vấn đề này. Thời điểm lập phương án bồi thường là tháng 4. Nhưng sau đó tháng 9 mới được chấp thuận và chi trả. Việc bồi thường hỗ trợ được xác định theo giá cả thị trường hiện hành.
Ông Trần Văn Ơn cũng cho biết, việc bồi thường hỗ trợ đều được địa phương thực hiện đầy đủ, kể cả việc hỗ trợ tiền đào tạo để chuyển đổi nghề nghiệp, an sinh xã hội. Nhưng người đứng đầu xã Đông Lâm cũng thừa nhận rằng, mức giá bồi thường hỗ trợ ở xã khá thấp so với địa phương khác.
Trong khi đó, bà con xã Đông Lâm cho rằng, việc cắt 20m2/sào theo quy định của tỉnh thì họ sẵn sàng chấp hành. Nhưng cần làm rõ, số đất này có tổng diện tích là bao nhiêu và có thực sự được sử dụng làm điện đường trường trạm hay không.
Riêng việc hỗ trợ nhân khẩu ăn theo, đã thống nhất từ tháng 4 thì phải chi trả theo giá tháng 4, không thể đến tháng 9 lại thay đổi. Vậy xã hạch toán giá nhân khẩu ăn theo lên trên là bao nhiêu? Mặt khác, tính tổng toàn bộ số tiền bồi thường hỗ trợ, đào tạo việc làm,... tất tần tật chỉ có 37 triệu đồng/sào. "Mức hỗ trợ này quá thấp", ông Nguyễn Văn Tải (một người dân) nhận định.
Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin...