Thái Bình: Hàng chục bến bãi không phép trên sông Trà Lý, trách nhiệm của ai?
Tiếng dân - Ngày đăng : 09:47, 14/12/2018
(TN&MT) - Gần 40 bến bãi không phép tập kết trung chuyển vật liệu xây dựng đang 'bức tử' sông Trà Lý (Tiền Hải, Thái Bình), lấn chiếm hành lang an toàn đê điều. Đến nay, không thấy cơ quan chức năng của tỉnh và huyện có động thái xử lý.
Như đã phản ánh, tuyến đường nối từ Thị trấn Tiền Hải xuống Khu du lịch Đồng Châu (huyện Tiền Hải, Thái Bình) qua xã Đông Lâm tập trung rất nhiều công trường, nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, gạch ngói, gốm sứ với nhiều doanh nghiệp có tiếng ở tỉnh cũng như toàn quốc. Trong đó phải kể đến Nhà máy gạch men Viglacera, Công ty gốm sứ Long Hầu, Công ty sứ Hảo Cảnh,... và nhiều nhà máy khác đang rầm rộ hoạt động.
Cũng vì thế mà ở địa phương này, những đoàn xe quá tải, quá khổ chở hàng 'núi' bùn đất nối đuôi nhau chạy rầm rập. Đường sá hư hỏng, rơi vãi bùn đất, bụi bặm là điều đã và đang diễn ra hàng ngày tại thị trấn Tiền Hải. Nguồn cao lanh đất cát cung cấp cho các nhà máy đều được chở từ khu bến bãi nằm ở chân cầu Trà Lý, dọc sông Trà Lý.
Đứng trên cầu Trà Lý có thể thấy, dọc 2 bên sông dài hàng cây số, những bến bãi tập kết vật liệu xây dựng nằm sát sát nối liền. Dãy núi cát khổng lồ phủ kín từ chân đê ra đến mép bờ sông chạy dài. Tàu vận chuyển ra vào cập cảng liên tục.
Trên bờ, tại các bến trung chuyển, các máy cẩu máy xúc cũng hoạt động hối hả. Như đã nói ở bài trước, những chiếc xe tải từ các nhà máy KCN Tiền Hải chạy xuống đây, ăn đầy hàng chất ngất thùng xe rồi lại chạy ra.
Qua quan sát có thể thấy, các bến bãi này đều chiếm gần hết phần đất hành lang đê điều dọc tuyến sông này. Chúng tôi cho xe chạy dọc lối đường đê chật hẹp. Đoạn đường này luôn cuốn bụi mù mịt. Cổng vào các bến bãi này đều được đặt sát thân đê. Như phân tích của thanh tra giao thông ở bài trước, xe quá tải quá khổ chỉ cần lọt qua những cánh cổng này, lực lượng chức năng chỉ có nước đứng nhìn chứ không xử lý được.
Theo tìm hiểu, các bến bãi này nằm trải dài thuộc địa phận các xã Vũ Lăng, Tây Lương và Đông Quý, trong đó tập trung nhiều nhất ở Tây Lương. Các bến bãi này chủ yếu tập kết hoặc trung chuyển: cát, đá, than, cao lanh,... Chủ các bên bãi chủ yếu là doanh nghiệp kinh doanh theo hộ gia đình. Nhưng cũng có bãi của một số doanh nghiệp lớn, chẳng hạn như MIKADO.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp (huyện Tiền Hải) và Hạt đê điều Tiền Hải (Chi cục đê điều tỉnh Thái Bình), trong số hàng chục bến bãi này, chỉ có 1-2 bãi được cấp phép, còn lại tất cả đều hoạt động không phép hoặc cấp phép sai thẩm quyền. Nhiều bến bãi ở xã Đông Quý nằm trong khu vực được quy hoạch nhưng cũng không có phép.
Trong khi đó, ở Tây Lương và Vũ Lăng, các bến bãi đã không nằm trong quy hoạch, hoạt động không phép nhưng lại được chính UBND xã cho thuê đất. Hầu hết bến bãi ở đây đều vi phạm hành lang an toàn đê điều, không đảm bảo khoảng cách so với chân đê.
Sai phạm diễn ra nhiều năm nay dọc sông bên cầu Trà Lý, ai cũng nhìn thấy, nhưng không thấy chính quyền địa phương và cơ quan chức năng có động thái gì.
Theo Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Tiền Hải và đại diện Hạt quản lý đê Tiền Hải, các cơ quan này đều đã lập biên bản đối với các bến bãi và đã báo cáo lên chinh quyền địa phương. Vậy nhưng khi chúng tôi hỏi thì các vị đại diện đều lắc đầu không trả lời được về việc xử lý giải quyết ra sao để chấm dứt các hoạt động vi phạm này.
Không những vậy, các Phòng, Ban chức năng ở huyện Tiền Hải còn có dấu hiệu né tránh, đẩy trách nhiệm cho nhau. Khi PV liên hệ, Phòng Tài nguyên & Môi trường nói hỏi Phòng Nông nghiệp, Phòng Nông nghiệp đá sang Phòng Kinh tế - Hạ tầng,...
Mặc dù để cho hàng loạt bến bãi hoạt động không phép là trách nhiệm của Phòng Kinh tế Hạ tầng, nhưng khi PV liên hệ, ông Trần Lâm Thao (Trưởng Phòng Kinh tế Hà tầng huyện Tiền Hải) nhất quyết không trả lời và nói rằng việc đó không liên quan đến mình.
Thậm chí khi PV đề nghị được tiếp cận thông tin, ông Vũ Huy Hoàng (Phó Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải) cũng không biết phân công cho ai trả lời về vấn đề này. Cuối cùng, ông Hoàng đề nghị PV về làm văn bản gửi huyện để Chủ tịch UBND huyện phân công và trả lời sau.
Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin...