TP. Huế: Người dân đồng lòng muốn di dời ra khỏi đất di tích
Tiếng dân - Ngày đăng : 10:55, 05/12/2018
Vui vì sắp “thoát” khổ
Có mặt tại xung quanh Kinh thành Huế, đập vào mắt PV là những bức tường thành rêu phong ở khu vực di tích đang từng ngày “kêu cứu” do đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều vệt dài màu đen xì. Bên cạnh đó là những ngôi nhà chật hẹp, được che chắn tạm bợ chủ yếu bằng tôn, hệ thống đường sá không được nâng cấp... Mọi thứ ở đây trở nên chật chội, nhếch nhác và cực kỳ ô nhiễm.
Hầu hết các hộ dân sống trong khu vực I di tích không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất ở không hợp lệ.
Vì người dân dựng nhà trên tường thành nên lối vào duy nhất của xóm là những chiếc thang bắc vượt lên trên thành. Mùi hôi nồng nặc bốc lên từ nước sinh hoạt thải trực tiếp ra khu vực tường thành vì không có cống thoát nước. Hàng ngày, hàng nghìn người dân luôn sống thấp thỏm trong những căn nhà chờ sập. Đặc biệt là vào mùa mưa bão, những hộ dân này được chính quyền địa phương vận động di dời đến những nơi trú ngụ an toàn.
Ông Phan Văn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thông tin, tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có phương án di dời dân cư khoảng hơn 4.200 hộ thuộc khu vực I di tích Kinh thành Huế. Trước thông tin này, rất nhiều người dân sống trong Kinh thành tỏ ra rất vui mừng.
Có mặt tại nhà bà Trần Thị Huệ (83 tuổi, đường Xuân 68, TP. Huế), PV không khỏi ngạc nhiên khi với diện tích đất chật hẹp, gia đình bà có thể sinh sống 3 thế hệ với 7 con người. Mọi sinh hoạt chỉ diễn ra quanh ở trong ngôi nhà bịt kín. Mùi khói của bếp lửa làm cho căn phòng luôn nóng nực, chiếc nhà vệ sinh nằm khiêm tốn chừng 1m2 ở nơi kín đáo.
“Ở đây thì khó khăn nhưng bây giờ đi đâu cũng không được, vì tiền không có, đất cũng không. Vào mùa mưa, nhà bị dột nhiều chỗ, mùa nắng thì nóng. Nghe chính quyền có chủ trương di dời người dân để bảo vệ di tích nên chúng tôi rất vui. Hi vọng sẽ được cấp trên tạo điều kiện cho một mảnh đất nhỏ để tái định cư, ổn định cuộc sống cho cả nhà...”- bà Huệ chia sẻ.
“Nhà mình có đến 6 người, muốn xây dựng kiên cố cũng không được, nếu xây chùng xây lén thì cũng sợ phí vì không biết lúc nào bị chuyển đi. Nay có đề án thì chắc sắp được có nơi ở mới rồi. Có lẽ là khang trang hơn chỗ cũ, bởi an cư thì mới lạc nghiệp được chứ. Mấy chục năm qua không biết sống ra sao, không bằng người ta, con cái thì quá khổ...”- anh Thái Văn Biểu (phường Thuận Lộc) trải lòng.
Anh Lê Văn Hồng (44 tuổi) cho biết, cũng vì điều kiện kinh tế khó khăn nên gia đình mới dựng thêm mấy chuồng lợn ở mặt giáp hộ thành hào để kiếm thêm thu nhập. Gia đình anh và các hộ còn lại lâu nay mong muốn được chuyển đến nơi ở mới để sớm ổn định cuộc sống...
Trình Bộ TN&MT xem xét
Được biết vào năm 1995, có 1.838 hộ dân (hộ chính) sống tại khu vực I di tích Kinh thành Huế. Năm 2003, số hộ dân tại đây tăng thêm 438 hộ. Đến năm 2018, trong các khu vực I di tích Kinh thành Huế có khoảng 4.200 hộ dân sinh sống, trong đó có gần 50% là hộ phụ. Trong giai đoạn từ 1996 - 2018, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện di dời được 1.050 hộ dân. Việc hàng ngàn hộ dân sinh sống trên di tích đã gây ảnh hưởng đến mỹ quan, đô thị; ảnh hưởng đến việc bảo tồn, trùng tu tôn tạo Di tích Huế.
Đề án di dời sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn, gồm giai đoạn 1 (từ 2019-2021) sẽ di dời khoảng 2.938 hộ dân ở các khu vực tường hành, Eo Bầu, Hộ Thành Hào và tuyến phòng lộ; giai đoạn 2 (từ 2022- 2025) sẽ di dời 1.263 hộ dân ở các di tích hồ Tịnh Tâm, khu Lục Bộ, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Trấn Bình Đài… Kinh phí di dời, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng là khoảng hơn 2.800 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương.
Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng sẽ bố trí kinh phí để đầu tư hạ tầng khu dân cư mới để chuẩn bị phục vụ tái định cư trước khi di dời dân cư, với diện tích khoảng 73ha tại phường Hương Sơ (TP. Huế); dự kiến khoảng hơn 1.360 tỷ đồng.
“Công tác di dời dân cư, giải phóng mặt bằng là công việc khó khăn, phức tạp và có nhiều thủ tục, thường phát sinh khiếu kiện, gây kéo dài thời gian, ảnh hưởng lớn đến tiến độ. Vì thế sẽ ưu tiên tập trung, huy động tối đa nguồn lực đảm bảo đủ nguồn vốn để thực hiện công tác đền bù giải tỏa, tái định cư theo kế hoạch. Kiện toàn bộ máy quản lý thực hiện các dự án thành phần, bổ sung lực lượng cán bộ có năng lực, chuyên môn phù hợp, giao trách nhiệm và nhiệm vụ cụ thể cho cấp lãnh đạo địa bàn phường, xã có dân cư di dời, giải tỏa...”- ông Tuấn cho hay.
Được biết, hiện đề án đang được lấy ý kiến của các bộ ngành và sau đó sẽ được trình lên Thường vụ Quốc hội. Trong đề án này, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng khung chính sách đặc biệt cho các hộ dân khó khăn. Hiện chính sách đặc biệt này đang trình Bộ TN&MT xem xét.
Trao đổi với PV về khung chính sách trình Bộ TN&MT, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm phát triển Quỹ đất TP. Huế cho biết, đơn vị sẽ đưa vào dự án việc xác định quy mô và số hộ, chứ không lập phương án dự trù hết kinh phí vì nhiều hộ sau 2021 mới di dời nên khi ấy giá đất sẽ thay đổi...
“Khung chính sách sẽ được áp dụng cho toàn bộ dự án khu vực kinh thành, nhưng về kinh phí thì hiện chỉ đưa vào giai đoạn 1, giai đoạn 2 đến khi nào làm sẽ bổ sung sau. Trung tâm đã và đang phối hợp với các phường xã làm biễu mẫu, tiến hành điều tra từng hộ để xây dựng khung chính sách một cách hoàn chỉnh nhất...”, ông Anh Tuấn thông tin.
Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã cùng đại diện các sở, ngành liên quan đi khảo sát, kiểm tra thực tế các khu dân cư tại khu vực di tích kể trên. Ông Thọ đã động viên và chia sẻ với những khó khăn mà các hộ dân sinh sống tại khu vực này đang gặp phải. Ông Phan Ngọc Thọ cho biết, lãnh đạo tỉnh luôn trăn trở trước những khó khăn của các hộ dân sinh sống nơi đây, tỉnh đang tích cực triển khai nhiều giải pháp, những chính sách để sớm đưa các hộ dân đến sống ở khu vực mới, có điều kiện cuộc sống tốt hơn...
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc bảo vệ di tích Kinh thành Huế là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, trước hết là trách nhiệm của địa phương. Về kinh phí, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần xã hội hóa, huy động nhiều nguồn lực khác nhau. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Thừa Thiên Huế và các bộ, ngành liên quan để tính toán cụ thể việc hỗ trợ kinh phí cho tỉnh. Về khung chính sách đối với vấn đề này, Thủ tướng nêu rõ chủ trương tạo thuận lợi cho Thừa Thiên Huế.
Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.