Bắc Kạn: Dự án đo đạc, chỉnh lí bản đồ, cấp GCNQSD đất lâm nghiệp huyện Chợ Mới chậm vì đâu?

Tiếng dân - Ngày đăng : 14:02, 30/11/2018

(TN&MT) - Nhiều ý kiến người dân huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn phản ánh về việc chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất lâm nghiệp cho hộ dân ở một số xã trên địa bàn. 
1
Một khu dân cư xã Bình Văn, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn.

Năm 2015, trên địa bàn 8/8 xã của huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện dự án đo đạc, chỉnh lí bản đồ, cấp GCNQSD đất lâm nghiệp cho hàng nghìn hộ dân. Đây là việc làm rất thiết thực tại địa phương, được nhân dân ủng hộ. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chợ Mới là đơn vị chủ đầu tư dự án này. Công ty Cổ phần khảo sát thiết kế và đo đạc bản đồ Việt Nam là đơn vị thực hiện. 

2
Đất nông nghiệp liền kề đất lâm nghiệp, núi non hiểm trở cũng là một khó khăn trong công tác dẫn đạc ở các thôn bản thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn.

Tuy nhiên, khi triển khai vào thực tế lại gặp không ít khó khăn và bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Tính đến hết 31/10/2018, thông báo kết luận số 237 của Ban thường vụ huyện ủy Chợ Mới đã khẳng định “tiến độ triển khai dự án còn chậm; còn nhiều khó khăn, vướng mắc như khối lượng công việc nhiều, phức tạp, khó khăn về nhân lực thực hiện, kinh phí cấp để chi trả cho đơn vị tư vấn chưa được bố trí kịp thời, việc sắp xếp điều hành của đơn vị chuyên môn chưa được khoa học, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện (đơn vị chủ đầu tư dự án) chỉ đạo đơn vị tư vấn chưa rõ ràng… đơn vị giám sát thực hiện chưa chặt chẽ, còn có nhiều sai sót trong việc cấp GCNQSD đất…”.

Không những thế, qua làm việc với chính quyền và ngành chức năng liên quan huyện Chợ Mới cho thấy nhiều bất thường trong quá trình thực hiện đo đạc hiện trạng đất đai, chỉnh lí bản đồ, cấp GCNQSD đất lâm nghiệp.

Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp lần đầu, huyện Chợ Mới có 4.605 hồ sơ/8 xã. Cụ thể: Xã Yên Cư: 391 hồ sơ; xã Yên Hân: 705 hồ sơ; xã Như Cố: 367 hồ sơn; xã Yên Đĩnh: 709 hồ sơ; xã Thanh Mai: 1.243 hồ sơ; xã Quảng Chu: 911 hồ sơ; thị trấn Chợ Mới: 12 hồ sơ; xã Bình Văn 267 hồ sơ.

Ông Hoàng Văn Tùng, cán bộ địa chính, xây dựng và môi trường xã Bình Văn cùng ông Nguyễn Đình Chinh, Trưởng thôn Nà Mố đã xác nhận: Chúng tôi được xã cử đi xác minh chữ ký của chủ hộ trong từng đơn xin cấp đổi GCNQSD đất lâm nghiệp trong thôn theo mẫu 10/ĐK. Đoàn đến từng gia đình và cho chủ hộ xem hồ sơ, rồi xác nhận chữ ký trong đơn. Kết quả toàn bộ 21 hộ dân có đất lâm nghiệp được viết đơn xin cấp GCNQSD đất lần đầu của thôn Nà Mố, xã Bình Văn đều không đúng chữ ký của chủ hộ gia đình....Thôn Khuôn Tắng có 19 hồ sơ, các chủ hộ khẳng định chữ ký trong đơn cấp Giấy không phải là chữ ký của chủ hộ. Các thôn khác UBND xã chưa xác minh vì chưa có thời gian.

Ông Nguyễn Đình Hòa, Trưởng thôn Thôm Thoi, xã Bình Văn đã khẳng định: Trưởng thôn cùng với cán bộ đo đạc đi thực địa được 2 ngày, chỉ ranh giới được 8 hộ, các hộ còn lại không đi thực địa, các hộ được nhận đất trên máy tính nên đa số các hộ không hiểu và không hình dung được thửa đất của mình;  nhiều hộ dân không đồng tình với đơn vị tư vấn và có ý kiến phải đi tận thửa đất để đo vẽ.

Còn ông Nguyễn Đình Thược, Trưởng thôn Khuôn Tắng đã xác nhận: Cán bộ đo đạc đến thôn 7 ngày, tôi có đi thực địa nhưng chỉ đi theo đường mòn, khe suối để chỉ giáp ranh. Chủ yếu đơn vị đo đạc cho nhân dân nhận thửa đất qua màn hình máy tính tại hội trường. Đối với các hộ có vướng mắc đơn vị tư vấn gọi các hộ có vướng mắc vào xã Yên Hân để gặp trực tiếp đơn vị tư vấn để giải quyết, không giải quyết tại thôn; Một số hộ đã đề nghị đơn vị tư vấn đi chỉ rõ ranh giới đất ngoài thực địa nhưng đơn vị tư vẫn không đi...

Ông Nguyễn Đình Toàn, Chủ tịch UBND xã Bình Văn đã cho biết: Việc đơn vị tư vấn thực hiện nhiệm vụ là do ký kết phối hợp với chủ đầu tư là Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện. Họ đến làm nhiệm vụ tại địa phương. Khi nhận được thông tin từ các trưởng xóm về việc làm tài tình của đơn vị tư vấn không đi thực tế từng ô, từng thửa, chủ hộ không ký đơn mà cũng gọi dân ra nhà văn hóa nhận đất, nhận rừng thì tôi thấy thật lạ và có cử cán bộ địa chính xã cùng các trưởng thôn đi xác minh thông tin từng hộ. Mặt khác, xã thì không can thiệp được về chuyên môn của họ (đơn vị thực hiện và chủ đầu tư). Nhưng chúng tôi thấy lo ngại sau này có sự nhầm lẫn, chồng lấn đất đai giữa các hộ dân với nhau thì khó giải quyết tranh chấp lắm.

Thiết nghĩ, việc này nếu không được khắc phục kịp thời sẽ gây hậu quả là có thể tạo ra sự chồng lấn đất đai trong bản đồ và thực tế. Người dân canh tác trên đất chồng lấn, dễ nảy sinh tranh chấp, khiếu kiện phức tạp, khó giải quyết.