Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế nói về tuyến đường kinh tế - quốc phòng nối huyện Nam Đông và A Lưới
Tiếng dân - Ngày đăng : 13:08, 03/12/2018
Đường kinh tế - quốc phòng Nam Đông - A Lưới (còn được gọi là đường 74) giai đoạn 2 có chiều dài khoảng 50 km nối liền hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trong chiến tranh, đường 74 là con đường quan trọng trong liên lạc, vận chuyển quân giới của bộ đội ta. Đường này sau đó do chịu ảnh hưởng của lũ lụt nên bị lấp, không đi lại được. Thế nên, vào năm 2011, Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng lại con đường này.
Tuyến đường dự kiến sẽ được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 5 miền núi với kết cấu mặt đường bê tông xi măng và bê tông nhựa. Toàn bộ dự án xây dựng mới gồm 12 cầu, trong đó 2 cầu lớn và 10 cầu trung với tổng mức đầu tư 537,3 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Thời gian thi công từ năm 2011 đến 2015.
Sau khi hoàn thành, đây được xem là một trong những công trình giao thông huyết mạch, quan trọng nhất nối liền giữa hai huyện Nam Đông và A Lưới, có ý nghĩa chiến lược cho phát triển giao thông nông thôn, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và phục vụ quốc phòng, an ninh tại địa bàn và trong khu vực. Thế nhưng, thi công được một thời gian thì dự án bỗng dừng lại.
Liên quan đến con đường đang “đắp chiếu” này, PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường vừa có cuộc trao đổi với đại diện Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế, là chủ đầu tư của dự án ở thời điểm triển khai đến khi tạm dừng.
Đại tá Nguyễn Ngọc Lâm- Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, dự án sau một thời gian thi công thì dừng lại vào tháng 12/2015 bởi nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan.
Về khách quan, trước hết là do địa hình toàn là rừng núi chia cắt, núi cao vực sâu. Hai là địa chất bởi núi đá, đất đai phong hóa. Ba là thời tiết ở hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới hết sức khắc nghiệt, mưa lũ và sạt lở rất nhiều; môi trường không ổn định.
Về chủ quan, trong quá trình khảo sát thiết kế chưa kĩ càng, chưa phù hợp với địa hình, địa chất… dẫn đến một số vấn đề phát sinh nhất định khi thi công.
“Vì những nguyên nhân trên nên Bộ Quốc phòng cho dừng dự án để điều chỉnh, tổ chức khảo sát, thiết kế đánh giá xem xét lại kết quả khối lượng thi công, chất lượng thi công, hoàn chỉnh các nội dung liên quan…”- Đại tá Lâm nói.
Theo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện tại vẫn chưa rõ ai sẽ là chủ đầu tư tiếp theo của dự án trên dù trước đây Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã đảm nhiệm đầu tư (từ 2015 trở về trước). Cũng có thể tiếp tục là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hoặc là Quân khu 4 hoặc là đơn vị khác, vấn đề này phải chờ quyết định chính thức. Còn đối với các nhà thầu thi công thì nay vẫn phải củng cố hoàn thiện hồ sơ, báo cáo những phát sinh; sau khi có chủ đầu tư mới thì họ mới biết được mình sẽ tiếp tục thi công nữa hay không hay phải bị thay thế…
Cũng theo Đại tá Lâm, hiện nay Quân khu 4 đã thuê các đơn vị tư vấn đủ năng lực để khảo sát đánh giá, thiết kế xong dự án và đang chờ Bộ Quốc phòng phê duyệt, thời gian thi công lại vẫn chưa rõ… Còn kinh phí làm đường đã hết bao nhiêu, số liệu thì chúng tôi không cung cấp cụ thể được.
“Chúng tôi mong muốn con đường vẫn sẽ tiếp tục thi công để tạo ra mạng lưới giao thông miền núi, giúp phát triển kinh tế xã hội của địa phương, bảo đảm an ninh quốc phòng, và tránh thất thoát tài sản, lãng phí tiền bạc của nhà nước…”- Đại tá Lâm chia sẻ thêm.
Như Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đã thông tin, hiện tại theo ghi nhận của PV thì hầu như cả đoạn đường hiếm có đoạn bằng phẳng, nhiều tảng đá to nhỏ nằm trên đường khiến việc đi lại cực kỳ khó khăn. Hai bên đường, hàng loạt vách núi sau khi đơn vị thi công bạt taluy đã bị sạt lở, sụt lún. Nhiều cây cầu với thiết kế 2-3 dầm trụ đã được xây dựng. Máy móc bị núi lở vùi lấp; vật liệu như xi măng, sắt thép nằm từng đống, rỉ rét...
Nhiều đống cát sạn “khổng lồ” nằm án ngữ bên đường, cỏ dại mọc xung quanh. Trâu bò phóng uế bừa bãi. Khung cảnh đìu hìu hoang vắng, chỉ có tiếng nước chảy và chim kêu. Thi thoảng chỉ có một số người dân đi bộ hoặc dắt xe máy để đi thăm rừng trồng hay nương rẫy.
“Hồi đó thấy nhiều công nhân làm đường lắm, thi thoảng ngồi nói chuyện với họ cũng vui. Rồi dự án bỗng dừng, không còn ai làm và đoạn đường này cũng đìu hiu. Đặc biệt khi mưa to thì không đi được luôn. Nếu con đường mà làm xong thì tuyệt biết mấy vì nơi đây vốn đã vùng núi nên đi lại cực khổ rồi...”, một thanh niên địa phương chia sẻ.
Theo người dân, kể từ khi dự án ngừng thì việc khai thác gỗ lậu qua đoạn đường 74 trở nên khó lường hơn. Ở một số điểm hai bên đường, PV nhận thấy có các khúc gỗ mà “lâm tặc” khai thác đã bỏ lại do bị lực lượng kiểm lâm phát hiện. Xa xa vẫn có nghe tiếng cưa máy...
Trao đổi với PV, ông Văn Thân- Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ A Lưới cho biết, tuyến đường 74 chỉ tính riêng đi qua huyện A Lưới dài khoảng 22km. Ban quản lý có bố trí ở khu vực này hai đội bảo vệ rừng chuyên trách là đội A Roàng và đội 74.
“Cơ bản tình hình phá rừng ở đây giữ ở mức ổn định, chỉ có người dân ở xung quanh khai thác nhỏ lẻ ở A Roàng. Đơn vị đã và đang vận động các đội bảo vệ rừng tăng cường tuần tra, lập kế hoạch truy quét; tuyên truyền vận động chính quyền xã phối hợp với hạt kiểm lâm tích cực bảo vệ rừng ở tuyến đường này...”- ông Thân cho hay.
Cũng liên quan đến con đường, ông Nguyễn Mạnh Hùng- Chủ tịch UBND huyện A Lưới và ông Trần Quốc Phụng- Chủ tịch UBND huyện Nam Đông đều chung quan điểm rằng chính quyền mong muốn con đường sẽ được thi công trở lại để sớm hoàn thiện, qua đó giúp phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng cho hai địa phương.