TP. Hải Dương: Dự án Vinamit 10 năm “đắp chiếu”
Tiếng dân - Ngày đăng : 10:08, 30/11/2018
Bà Nguyễn Thị Vinh, xã Nam Đồng, TP. Hải Dương cho biết, đã chục năm qua, với diện tích đất lớn bị bỏ hoang cho cỏ dại, khiến người dân ở đây có ruộng bị thu hồi không khỏi “tiếc của, xót xa”.
“Nhà tôi có 3 sào ruộng bị thu hồi (năm 2007) để thự hiện Dự án Vinamit. Khi thu hồi đất, doanh nghiệp hứa hẹn, khi Nhà máy đi vào hoạt động, sẽ tạo hàng nghìn công ăn, việc làm cho lao động địa phương, nhưng nay chỉ là diện tích cỏ dại rộng mênh mông… Trong khi hàng chục ha đất bị bỏ hoang, người dân không còn ruộng để canh tác. Nếu nhà đầu tư không thực hiện được Dự án, thì tỉnh cần sớm thu hồi đất để trả lại cho dân tiếp tục canh tác. Nếu không, các ngành chức năng cần giữ nguyên mục đích sử dụng đất, để mời gọi các nhà đầu tư khác đến thực hiện dự án, góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương, nâng cao đời sống của người dân”, bà Vinh nói.
Cũng về vấn đề này, ông Đặng Văn Tân, phường Ái Quốc, chia sẻ: Với cả diện tích ruộng bị thu hồi phục vụ cho Dự án, gia đình tôi đã trông chờ nhiều năm Nhà máy đi vào hoạt động, để cho các thành viên trong nhà có công ăn việc làm, nhưng đến này chẳng còn hy vọng gì.
“Nhìn diện tích “bờ xôi, ruộng mật” bạt ngàn bị bỏ hoang, mà thật “xót xa”, thiết tưởng tỉnh thu hồi đất Nhà máy đi vào hoạt động, mọi người trong nhà có việc làm, thu nhập… không ngờ, ruộng thu hồi hết, không còn đất sản xuất, canh tác mà cứ để hoang lãng phí như vậy nhiều năm. Trong khi đó, nhiều gia đình giao đất cho doanh nghiệp, nay không có công ăn việc làm phải đi làm thuê, làm mướn khắp nơi. “Tấc đất, tấc vàng” không hiểu sao nhiều năm qua, cứ để như vậy chủ đầu tư không hoạt động, nhưng chính quyền không có giải pháp mặc dù người dân thường xuyên kiến nghị và ý kiến với các cấp, ban, ngành” – ông Tân ngậm ngùi.
Trước thực tế gần 15 ha từng là đất “vàng” của người dân ở xã Nam Đồng bị thu hồi cho Dự án Vinamit, nhưng bị bỏ hoang hơn chục năm nay, không chỉ người dân mà chính quyền địa phương cũng rất bức xúc – Ông Hoàng Ngọc Duyển, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Đồng kiến nghị: “Chúng tôi mong muốn chính quyền TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương và cấp, ban, ngành sớm thu hồi Dự án, hay chuyển đổi mục đích sử dụng đất vào việc làm có hiệu quả hơn. Bởi từ khi (năm 2008) Dự án tiến hành khai trương chỉ xây dựng được dãy nhà kho và trồng vườn chuối, rồi bỏ phí không đi vào hoạt động. Người dân địa phương đã nhiều lần ý kiến với lãnh đạo phường về việc dự án Vinamit chậm triển khai, bỏ hoang gây lãng phí đất. Không những vậy, xã còn rất vất vả trong việc trông nom, bởi thường xuyên bị kẻ xấu đến đổ trộm rác thải. Đã nhiều lần, chính quyền địa phương ngăn chặn và bắt được người mang rác thải đến đổ. Trước ý kiến của người dân, xã Nam Đồng đã báo cáo với UBND TP. Hải Dương, kiến nghị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án này, không để mãi bất cập tình trạng đất đai lãng phí”.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, ông Đinh Duy Do, Phó chủ tịch UBND phường Ái Quốc, cho biết: Dự án Vinamit được UBND tỉnh Hải Dương cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào cuối năm 2007. Diện tích đất nông nghiệp của người dân phường Ái Quốc thu hồi, phục vụ cho Dự án này (gần 20ha). Theo kế hoạch, Dự án phải được thực hiện trong giai đoạn năm 2008 - 2009. Dự án Vinamit, có mục tiêu và quy mô: Chế biến nông sản: Sấy giòn và sấy dẻo các loại sản phẩm mít, chuối, khoai lang, khoai môn, dứa, táo, cà rốt, xoài… quy mô 20,5 tấn/ngày (trong đó chế biến chân không 18 tấn/ngày, chế biến gia nhiệt 2,5 tấn/ngày). Sản xuất nước ép đóng chai (từ vải, nhãn, dứa, xoài…) quy mô 500 lít/giờ; xây dựng kho cấp đông quy mô 30 tấn/ngày; xây dựng kho trữ đông quy mô 4.000 tấn/năm và mô hình giới thiệu quy trình sản phẩm nông nghiệp (các loại cây, như: vải, nhãn, mít, xoài, mướp đắng, khoai lang, khoai môn, đu đủ, cà rốt…) quy mô 84.560m2.
“Mặc dù đã được UBND tỉnh tạo điều kiện, nhiều lần gia hạn thời gian hoàn thành, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa triển khai. Đến nay, Dự án Vinamit vẫn chỉ dừng lại ở việc xây dựng tường rào bao quanh và 2 nhà kho rộng khoảng 4.000 m2. Diện tích còn lại vẫn để hoang. Nhiều vị trí biến thành nơi để người dân xung quanh tập kết rác và chăn thả gia súc. Trong các cuộc họp, cán bộ, đảng viên và người dân trong phường thường xuyên có nhiều ý kiến, nhưng hiện phường không biết chủ đầu tư Dự án là ai để liên hệ; vì đã chục năm trôi qua, chính quyền phường không thấy ai về liên hệ tiếp tục thực hiện Dự án. Hàng ngày, Khu kho của Dự án, cửa “đóng then cài” nơi đây thành cánh đồng hoang hóa. Chính quyền phường đã có ý kiến với TP. Hải Dương, nhưng việc xử lý như thế nào đến nay chưa rõ”, Phó chủ tịch UBND phường Ái Quốc khẳng định.
Để hiểu rõ nguyên nhân Dự án Vinamit sử dụng diện tích lớn đất nông nghiệp “đắc địa” của TP. Hải Dương, vì sao 10 năm qua không thực hiện, nhưng vẫn “nghiễm nhiên” tồn tại không được thu hồi? Trong thời gian Dự án Vinamit không được triển khai, giải pháp của các cơ quan, ban, ngành… tỉnh Hải Dương về Dự án này như thế nào? Chúng tôi đang chờ lịch làm việc với chính quyền và cơ quan, đơn vị liên quan.
Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.