Làng nghề xã Yên Sở: Hàng loạt nhà xưởng xây dựng trái phép gây ô nhiễm môi trường
Tiếng dân - Ngày đăng : 14:25, 23/11/2018
Xã Yên Sở (huyện Hoài Đức) có Làng nghề xây dựng và chế biến nông sản được thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống. Những năm gần đây, người dân chuyển dịch cơ cấu sản xuất, dịch vụ rất mạnh mẽ nên nhờ đó, vấn đề ô nhiễm môi trường ở làng nghề được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên người dân nơi đây lại không được hưởng thành quả từ những nỗ lực của mình vì các nhà xưởng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp vẫn ngày đêm xả thải gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng tới sức khỏe người dân quanh khu vực.
Tìm hiểu của PV báo TN&MT được biết, tại khu vực ngoài đê sông Đáy (thuộc thôn 7, xã Yên Sở) có một cụm nhà xưởng mọc san sát, hoạt động rất nhộn nhịp với đủ các ngành, nghề như: sản xuất gỗ, làm các sản phẩm thủ công từ gỗ, làm nhôm kính, trưng bày sản phẩm, làm bàn ghế, dệt may … Tất cả những nhà xưởng này đều được xây dựng trên đất nông nghiệp.
Nhìn bằng mắt thường thì khu vực này không khác gì một cụm công nghiệp tập trung với các nhà xưởng hoạt động tấp nập. Đường vào cụm sản xuất này hiện đã được đổ bê tông rộng rãi, đủ diện tích cho ô tô cỡ lớn vào chở hàng. Đi sâu vào phía trong, nhiều diện tích đang được người dân tiếp tục xây móng, đổ nền để dựng làm xưởng sản xuất. Xen kẽ giữa các xưởng là những ruộng rau màu và những dãy cây trồng lâu năm như nhãn, bưởi.
Quan sát của PV thấy rằng, các nhà xưởng ở mặt ngoài khu sản xuất, giáp ngay chân đê sông Đáy chủ yếu là các xưởng gỗ lớn. Các xưởng này hoạt động liên tục, xả bụi mù trời và tiếng máy cắt, máy khoan, máy bào … lúc nào cũng inh ỏi. Ngay bên cạnh là những xưởng chế tác và hoàn thiện sản phẩm. Cả khu vực thôn 7 lúc nào cũng sặc sụa mùi sơn khiến những ai đi qua cũng phải nôn nao.
Chia sẻ với PV, bác Nguyễn Thị H. (thôn 7, xã Yên Sở) cho biết: “Các nhà xưởng này bắt đầu hình thành từ hơn chục năm trước. Tuy nhiên mấy năm gần đây người ta mới xây dựng mạnh. Người người đổ về đây thuê đất sản xuất khiến những hộ dân sống gần như chúng tôi khốn khổ. Các anh xem, bụi gỗ lúc nào cũng mù mịt như thế, chưa kể tiếng máy cắt, máy bào lúc nào cũng đinh tai nhức óc. Những hôm gió ngược, mùi sơn gỗ xộc thẳng vào nhà khiến người nào người nấy tức ngực, khó thở. Nhà nào cũng phải đóng kín cửa bật quạt để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe. Chúng tôi kiến nghị các cấp nhanh chóng di dời những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm này”.
Nhằm thông tin khách quan sự việc, PV báo TN&MT đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Bá Hoàn, Phó chủ tịch UBND xã Yên Sở. Tại buổi làm việc, ông Hoàn cho biết làng nghề truyền thống của xã hiện nay không còn gây ô nhiễm môi trường như trước là bởi: “Các hộ không còn làm miến dong nữa trong khi làng nghề chúng tôi lại chủ yếu tập trung đi làm thợ. Tuy nhiên xã Yên Sở đang phải chịu hậu quả nặng nề từ kênh T5 chạy qua địa bàn. Con kênh này bị ô nhiễm nặng, chảy từ các xã Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai qua địa bàn xã làm ảnh hưởng tới sinh hoạt của bà con. Nhân dân có ý kiến bức xúc nhưng thực trạng chung như vậy chúng tôi cũng không biết làm sao”.
Riêng về các nhà xưởng mọc trái phép trên đất nông nghiệp tại thôn 7 gây ô nhiễm môi trường, ông Hoàn thừa nhận và cho biết: “Khu vực đó là đất do UBND xã quản lý và cho các đơn vị thuê năm một. Nó vốn là khu vực thùng, đấu sản xuất không hiệu quả nên trước đây xã có chủ trương cải tạo để cho những hộ dân thuê làm kinh doanh. Tuy nhiên do luật Đất đai thay đổi nên việc này là không được phép. Nhưng công sức cải tạo của các hộ dân ở khu vực đó phải bỏ ra rất nhiều, giờ yêu cầu thu hồi cũng không được hợp tình. Hiện chúng tôi đang đề xuất huyện để biến khu vực đó trở thành khu dịch vụ nhưng huyện không đồng ý. Chúng tôi cũng đang tính giải pháp cho phù hợp”.
Nói về những đơn vị sản xuất tại đó gây ô nhiễm môi trường, ông Hoàn chia sẻ: “Khu đó đa phần là các xưởng đóng bàn ghế nên không gây ô nhiễm môi trường. Duy có các cơ sở sản xuất gỗ thì đúng là phát sinh nhiều bụi bặm và tiếng ồn. Chúng tôi đã yêu cầu các cơ sở phải có các biện pháp giữ gìn vệ sinh môi trường để người dân quanh khu vực đó thông cảm, tạo điều kiện. Riêng thông tin báo chí cung cấp về việc một số hộ dân xây tường bao, đổ nền để dựng xưởng, chúng tôi xin tiếp thu và cho kiểm tra. Hiện nay chúng tôi không cho các công trình xây dựng mới”.
Như vậy, việc các nhà xưởng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp và xả thải gây ô nhiễm môi trường là thực tế không thể chối cãi. Việc lãnh đạo xã Yên Sở “tạo điều kiện” cho người dân dựng xưởng trái phép cũng không phải là không có căn cứ? Đáng lẽ ra, người dân Yên Sở sẽ được sống trong một môi trường trong lành, sạch sẽ - vốn là thành quả từ sự cố gắng của họ - nhưng vì một lý do nào đó, ngày ngày họ vẫn phải hứng chịu bụi khói, tiếng ồn, mùi sơn độc hại từ những nhà xưởng kia gây nên. Đề nghị lãnh đạo huyện Hoài Đức và TP. Hà Nội sớm kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm, trả lại môi trường sống cho người dân nơi đây.
Kỳ sau: Làng nghề xã Minh Khai: Mòn mỏi chờ đợi cụm công nghiệp làng nghề