Tại Cảng Hà Nội: Ngang nhiên đổ phế thải “bức tử” sông Hồng
Tiếng dân - Ngày đăng : 10:45, 24/11/2018
(TN&MT) - Thời gian gần đây, đường dây nóng của Báo Tài nguyên và Môi trường liên tục nhận được cuộc gọi của người dân phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội phản ánh về tình trạng đổ trộm phế thải lấn ra sông Hồng tại khu vực Cảng Hà Nội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan môi trường, hành lang an toàn thoát lũ tại đây.
Nhóm phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường trực tiếp xuống cơ sở để mục sở thị nhận thấy, các công trình thuộc hạ tầng của Cảng Hà Nội phần lớn đã xuống cấp, hàng loạt máy móc cẩu, băng chuyền… đã hoen gỉ, nằm ngổn ngang bên bờ sông do lâu ngày không sử dụng.
Qua tìm hiểu, được biết trước đây theo thiết kế, các kho bãi tại khu vực Cảng Hà Nội được xây dựng với mục đích chứa hàng hóa nội địa vào cảng. Đến nay, các kho bãi gần như đã được các doanh nghiệp tư nhân thuê lại làm kho hàng trung gian để phân phối hàng hóa tại Hà Nội, cũng như các tỉnh, thành phố lân cận.
Hiện nay, tại các khu vực tiếp giáp với cầu cảng, nơi các doanh nghiệp, tư nhân thuê làm kho bãi, liên tiếp xuất hiện tình trạng nhiều bãi phế thải, vật liệu xây dựng với khối lượng lớn lấn ra lòng sông Hồng. Đặc biệt, vào ban đêm các xe tải chở đất, cát... tranh thủ lúc vắng người tìm cách trút xuống sông.
Đáng chú ý, hầu hết các doanh nghiệp tư nhân sau khi kí kết các hợp đồng thuê đất tại khu vực Cảng Hà Nội đều cho tiến hành xây dựng các bức tường kiên cố hoặc tìm cách quây kín bằng các loại hàng rào khác nhau nhằm mục đích ngăn cách với khu vực phía ngoài đường Bạch Đằng. Do đó, phải rất khó khăn Nhóm phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường mới theo lối xuống của Gara ô tô Hưng Phát chuyên rửa xe – thay dầu – bơm mỡ, địa chỉ tại B4 Cảng Hà Nội để tiếp cận được địa điểm mà theo phản ánh của người dân là nơi đang diễn ra rầm rộ hoạt động đổ trộm phế thải, vật liệu xây dựng.
Qua quan sát có thể thấy, hiện trạng phế thải, vật liệu xây dựng ngang nhiên được đổ ra đây có diện tích lên tới hàng chục mét vuông. Đáng nói hơn, việc lén lút đổ phế thải này dường như chưa có dấu hiệu dừng lại, khi mỗi ngày tại đây lại có thêm các loại bao tải, phế thải, đất, cát, vôi vữa, gạch sỏi vô tư trút xuống lòng sông Hồng.
Để bảo vệ mặt bằng khu vực đổ phế thải đã lấn chiếm sông Hồng, tại đây các đối tượng còn cho thiết lập một hàng rào bằng các tấm gỗ ngăn với khu vực bãi rửa xe Gara ô tô Hưng Phát. Thậm chí, mở cả hai bên cánh cửa thông với Gara rửa xe để thuận tiện cho vận chuyển, cũng như chuyên chở dễ dàng các loại phế thải, vật liệu xây dựng...
Điều đáng nói là không chỉ có điểm nóng nói trên về tình trạng ngang nhiên đổ phế thải, vật liệu xây dựng lấn sông Hồng, mà chỉ cần bước lên cầu Vĩnh Tuy nhìn xuống đã có thể quan sát ít nhất 5 bãi phế thải ngay ở khu vực dành cho tàu thuyền cập bến. Điểm chung của các bãi tập kết này đều có trữ lượng lớn lên tới hàng trăm, hàng nghìn tấn phế thải, vật liệu xây dựng. Nhiều nơi trong địa phận thuộc Cảng Hà Nội, cây cối dọc theo bờ sông Hồng cũng được chặt phá nhường chỗ cho việc đổ phế thải, vật liệu xây dựng.
Để làm rõ tình trạng vô tư đổ phế thải lấn chiếm sông Hồng, Nhóm phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã trao đổi với bà Lê Thị Phương Thảo - Phó chủ tịch UBND phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng. Bà Lê Thị Phương Thảo cho biết: Vấn đề người dân phản ánh là có cơ sở, tuy vậy việc kiểm tra, giám sát tại khu vực này gặp nhiều khó khăn do phần lớn khu vực đất tiếp giáp với sông Hồng ở Cảng Hà Nội đều bị bịt kín bằng hàng rào tôn.
“Mặt khác, cơ quan chịu trách nhiệm chính khu vực dọc bờ sông Hồng thuộc địa bàn phường Thanh Lương là Cảng Hà Nội. Vì Nhà nước đã giao toàn bộ khu đất cho phía Cảng Hà Nội quản lý” – Bà Lê Thị Phương Thảo nói.
Tiếp tục làm sáng tỏ vấn đề, nhóm PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã gửi Giấy giới thiệu đặt lịch làm việc tại Cảng Hà Nội, theo đúng quy định, trình tự của Luật Báo chí. Sau nhiều ngày chờ đợi không nhận được thông tin hồi âm từ phía Cảng Hà Nội, Nhóm phóng viên buộc phải tìm cách liên hệ qua điện thoại với Lãnh đạo Cảng Hà Nội. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì đơn vị này liên tiếp khất lần, khất lượt về việc trao đổi làm rõ thông tin phản ánh của người dân (?!).
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.