Tĩnh Gia (Thanh Hóa): Công ty Mai Anh 88 xây dựng xưởng sản xuất chế biến gỗ không phép, không ĐTM?

Tiếng dân - Ngày đăng : 09:54, 20/11/2018

(TN&MT) – Mặc dù chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), cũng như giấy phép xây dựng… Thế nhưng, Công ty Mai Anh 88 ở xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) vẫn ngang nhiên san lấp mặt bằng, xây dựng nhà máy chế biến gỗ trái phép và đi vào hoạt động trong suốt thời gian qua, gây ô nhiễm môi trường.

Theo quan sát của PV, mọi hoạt động của nhà máy chế biến gỗ thuộc Công ty TNHH hai thành viên Mai Anh 88 (Công ty Mai Anh 88) vẫn hoạt động bình thường. Công nhân và máy móc vẫn làm việc hết công suất. Tại xưởng sản xuất từ nguyên vật liệu, dụng cụ, chất thải, đổ khắp nơi phát tán khói bụi, khu vực ngoài nhà máy đổ sản phẩm chất thải dư thừa tràn lan bừa bãi bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường. Công ty còn tự ý san lấp đất nông nghiệp trái phép để làm bãi phơi, chứa nguyên liệu, xe tải ra vào vận chuyển nguyên liệu gây bụi mù mịt khiến nhân dân bức xúc.

Công ty Mai Anh 88 sản xuất chế biến gỗ không phép, không ĐTM
Công ty Mai Anh 88 sản xuất chế biến gỗ không phép, không ĐTM

Bà Trịnh Thị Diễn, Cán bộ địa chính xã Trường Lâm cho biết: Vào đầu tháng 8 xã phát hiện Công ty Mai Anh 88 tự ý san lấp đất nông nghiệp trái phép để làm bãi phơi và chứa nguyên liệu, xã đã lập biên bản vi phạm trật tự xây dựng và yêu cầu ngừng san lấp nhưng không xử phạt hành chính.

Theo Biên bản số 07/BB-KTHT ngày 7/8/2018 của UBND xã Trường Lâm về việc kiểm tra hiện trạng công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng đối với Công ty Mai Anh 88, tại thời điểm kiểm tra cho thấy công ty xây dựng vi phạm trật tự xây dựng tại thôn Tân Lập, xã Trường Lâm. Hiện trạng công trình vi phạm phá dỡ tường rào cũ, san lấp xây dựng tường rào mới. Xây dựng trên diện tích đất ngoài cấp phép, phía tây khu nhà máy là 2.397m², phía bắc là 415 m².
 

Công ty Mai Anh 88 tự ý san lấp đất nông nghiệp trái phép để làm bãi phơi và chứa nguyên liệu
Công ty Mai Anh 88 tự ý san lấp đất nông nghiệp trái phép để làm bãi phơi và chứa nguyên liệu

Mặc dù UBND xã Trường Lâm đã lập biên bản vi phạm trật tự xây dựng đối với công ty Mai Anh 88 từ tháng 8/2018; nhưng lại không xử phạt hành chính cũng như yêu cầu đơn vị ngừng thi công xây dựng công trình trái phép.

Đến khi người dân và cơ quan báo chí phản ánh về tình trạng công ty Mai Anh 88 sản xuất chế biến gỗ không phép, gây ô nhiễm môi trường, thì ngày 26/10/2018 UBND xã Trường Lâm lại tiến hành lập biên bản số 08/BB-KTHT về việc kiểm tra hiện trạng công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng đối với Công ty Mai Anh 88. Qua kiểm tra phát hiện công ty Mai Anh 88 đã vi phạm trật tự xây dựng tại thôn Tân Lập, xã Trường Lâm. Hiện trạng công trình vi phạm là xây dựng lò sấy gỗ chiều dài là 28m, rộng 7m, cao 4,3m mái bê tông cốt thép. Xây dựng nhà xưởng cột thép, mái tôn dài 21m, rộng 12m, cao 6m. Xây dựng trái phép nhà xưởng rộng 12m, dài 25m, cao 6m.
 

Khu vực ngoài nhà máy công ty đổ chất thải dư thừa tràn lan bừa bãi bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường
Khu vực ngoài nhà máy công ty đổ chất thải dư thừa tràn lan bừa bãi bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại nhà máy chế biến gỗ của Công ty Mai Anh 88 vẫn không có giấy phép xây dựng, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không có báo cáo đánh giá tác động môi trường và công tác phòng cháy chữa cháy. Nhưng vẫn ngang nhiên xây dựng công trình trái phép, san lấp cả đất nông nghiệp trái phép để làm bãi chứa nguyên liệu và hoạt động trong suốt thời gian qua, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
 

Biên bản vi phạm trật tự xây dựng của công ty Mai Anh
Biên bản vi phạm trật tự xây dựng của công ty Mai Anh

Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Đỗ Thế Thống, Chủ tịch UBND xã Trường Lâm cho biết: Khu vực công ty Mai Anh 88 làm nhà máy chế biến gỗ, trước kia tỉnh cấp phép cho công ty Giang Sơn làm trạm trộn bê tông đúc sẵn, nhưng công ty Giang Sơn không làm nữa và chuyển cho công ty Mai Anh 88. Đến thời điểm này công ty Mai Anh 88 chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất vào mục đích chế biến gỗ.