Làng nghề xã Cát Quế: Trăm dâu đổ đầu … kênh chết
Tiếng dân - Ngày đăng : 17:51, 14/11/2018
Cái gì cũng thải ra kênh?
Theo tìm hiểu của PV báo TN&MT, kênh T5 được hình thành từ lâu đời ở vùng bãi huyện Hoài Đức, hướng tiêu song song với đê tả Đáy. Điểm đầu kênh T5 là từ đình Mậu Hòa, xã Minh Khai, điểm cuối thuộc địa phận xã Yên Sở và đổ ra sông Đáy. Kênh T5 có nhiệm vụ tiêu nước cho khu dân cư và đất nông nghiệp vùng bãi các xã: Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế, Yên Sở với tổng lưu tiêu khoảng 526 ha.
Có mặt tại con kênh này, cảm nhận đầu tiên của PV là mùi hôi thối và mùi hắc như hóa chất xộc thẳng vào mũi. Nước kênh đen ngòm với đủ các loại rác thải nổi lềnh bềnh trên mặt kênh, nhìn không khác gì một bãi rác tập trung. Những nhà xây dựng gần con kênh này đa phần phải đóng chặt cửa, đồng thời đổ bê tông hoặc dùng gỗ che kín mặt kênh chạy qua trước của nhà mình để hạn chế mùi hôi.
Chia sẻ với PV, chị Nguyễn Thị Lan, một người dân sống ở xã Cát Quế cho biết: “Năm nào cũng thế, cứ vào dịp từ tháng 8 âm lịch cho đến qua Tết, các hộ dân ở xã Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai đẩy mạnh hoạt động sản xuất và chế biến nông sản (chủ yếu là miến dong, bún …) thì lượng nước thải, chất thải đổ ra kênh càng lớn khiến cho tình trạng ô nhiễm thêm trầm trọng. Nhà nào ở đây cũng phải tự tìm cách để giảm thiểu mùi hôi thối như: dùng ván gỗ, đổ tấm đan … để bịt mặt kênh chạy qua cửa nhà”.
Tìm hiểu của PV được biết, nguồn thải tại xã Cát Quế khá đa dạng. Đây là làng nghề nổi tiếng với nghề chế biến nông sản như làm củ dong, làm miến, làm mạch nha … bằng phương pháp thủ công. Chính vì thế, nước thải (từ quá trình làm miến, làm bún khô, làm mạch nha) và chất thải (từ quá trình làm củ dong) đều được xả trực tiếp ra kênh T5. Được biết, ngoài những nghề kể trên, mấy năm qua xã Cát Quế còn có nhiều hộ nuôi lợn. Quá trình xử lý chất thải, nước thải ở hầm biogas không đảm bảo nên lượng chất thải này cũng được đổ trực tiếp ra con kênh trên.
“Tôi thấy cái gì người ta cũng đổ ra con kênh này. Vào mùa khô như hiện nay, bã củ dong nổi thành váng, đóng tảng với những chai, lọ nổi lềnh phềnh gây ách tắc dòng chảy. Những ngày trở gió, mùi hôi thối của con kênh này thổi vào khu dân cư khiến từ già đến trẻ ai nấy đều nôn nao. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị tại các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng cho đến nay, tình hình vẫn đâu đóng đấy” – chị Lan cho biết thêm.
Khí thải sặc sụa, chính quyền ở đâu?
Như đã nói ở trên, xã Cát Quế hiện nay có những cơ sở sản xuất mạch nha bằng phương pháp thủ công gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Điển hình trong số đó là hộ sản xuất của ông Nguyễn Huy Sáng (thôn 1, xã Cát Quế). Quan sát bằng mắt thường PV thấy rằng, cơ sở này có hai ống khói xả thải liên tục. Một cột xả khói đen xì, một cột xả khói trắng.
Một người dân sống gần hộ gia đình ông Sáng cho biết, từ khi cơ sở sản xuất mạch nha của ông Sáng đi vào hoạt động, cuộc sống người dân bị đảo lộn. “Vào dịp cuối năm như đợt này, cơ sở sản xuất này hoạt động gần như 24/24h. Khí thải của nó vừa có mùi khét lẹt của than đá, vừa có mùi chua lòm của gạo ngâm khiến cho chúng tôi khổ sở vô cùng. Đành rằng họ hoạt động theo giờ còn đỡ, đây họ hoạt động liên tục, xả khói liên tục khiến cho các hộ quanh khu vực rất bức xúc. Chúng tôi đã phản ánh tới cơ quan chức năng và huyện cũng đã về lập biên bản xử lý. Tuy nhiên không hiểu sao cơ sở này vẫn ngang nhiên hoạt động”.
Để làm rõ những vấn đề nêu trên, PV đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Cát Quế. Tại buổi làm việc, ông Sơn thừa nhận thực trạng ô nhiễm trên địa bàn và cho biết: “Hiện xã chúng tôi đang xây dựng hệ thống thu gom nước thải để chuyển về xử lý ở Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà. Thời gian tôi, tôi tin rằng tình hình ô nhiễm môi trường sẽ được cải thiện. Hiện nay, xã Cát Quế cơ bản không còn hộ sản xuất củ dong. Theo thống kê, xã chỉ còn hơn 30 hộ sản xuất, chế biến nông sản, mạch nha bằng phương pháp thủ công truyền thống. Các hộ khác đã chuyển dịch cơ cấu sang hướng hiện đại và đã có biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường”.
Nói về trường hợp hộ ông Nguyễn Huy Sáng gây ô nhiễm môi trường, ông Sơn cho biết thêm: “Đúng là quá trình sản xuất của hộ ông này gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân quanh khu vực. Tuy nhiên, đặc trưng của nghề sản xuất mạch nha là làm theo thời vụ nên đợt này họ đang tập trung đẩy mạnh sản xuất nên việc xả thải có bị ảnh hưởng hơn. UBND xã đã mời hộ ông Sáng ra làm việc, nhắc nhở về ý thức bảo vệ môi trường. Ngoài ra, UBND huyện Hoài Đức cũng ra quyết định xử phạt hộ này 3,5 triệu đồng về hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường”.
Tuy nhiên theo vị chủ tịch xã này, để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn cũng như trường hợp xả khí thải mù mịt của cơ sở sản xuất mạch nha nói trên là rất khó khăn. “Đây là thực trạng chung của làng nghề chúng tôi. Diện tích sản xuất không có, công nghệ cũng không trong khi nhu cầu mưu sinh, kiếm sống là rất bức thiết” – ông Sơn chia sẻ.
Kỳ sau: Làng nghề xã An Thượng: Nhức nhối tình trạng đổ trộm chất thải