Vụ khai thác mỏ đá ở Phong Điền (Thừa Thiên Huế) gây nứt nhà, ô nhiễm: Cần giải quyết thỏa đáng cho người dân
Tiếng dân - Ngày đăng : 13:03, 13/11/2018
Liên quan đến vụ việc “Khai thác mỏ đá vôi ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế gây nứt nhà, ô nhiễm...” mà Báo Tài nguyên & Môi trường đã thông tin, trao đổi với PV, ông Trịnh Đức Hùng- Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, đầu tháng 11 vừa qua, Huyện ủy Phong Điền đã tổ chức buổi đối thoại với người dân xã Phong Xuân để giải quyết những vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của Nhà máy Xi măng Đồng Lâm…
Theo đó, trong quá trình hoạt động, Nhà máy Xi măng Đồng Lâm nhận được ý kiến của người dân về rạn nứt nhà cửa trong bán kính 500m tính từ bờ mỏ; ruộng đất nằm sát mỏ bị ảnh hưởng mất nước, các hộ dân sinh sống gần tuyến đường băng tải bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn, khói, bụi...
Cụ thể, có 127 công trình và nhà ở hộ dân nằm trong phạm vi 500m thuộc 3 thôn Xuân Lộc, Xuân Điền Lộc, Cổ Xuân-Quảng Lộc bị ảnh hưởng; trong đó có 10 đình làng, nhà thờ họ, nhà văn hóa thôn năm trong phạm vi 200 đến 400m, 47 hộ dân nằm trong phạm vi 300m, 70 hộ dân nằm trong phạm vi 301 đến 500m. Ngoài ra, có 24 hộ dân bị ảnh hưởng tiếng ồn và môi trường của băng tải xe vận chuyển; 25,82ha đất sản xuất lúa 2 vụ bị mất nước…
Trước thực trang kể trên, từ năm 2017 đến nay, UBND xã Phong Xuân đã phối hợp với Công ty Cổ phần Xi măng Đồng Lâm khảo sát nhằm hỗ trợ cho dân theo 2 hướng: hỗ trợ tiền cho người dân tự sửa chữa hoặc để công ty tiến hành sửa chữa.
Công ty đã chi hỗ trợ cho 106 hộ dân, đình làng, nhà thờ họ, nhà văn hóa với số tiền gần 500 triệu đồng để người dân tự sửa chữa; đồng thời cũng đã sửa chữa cho 19 nhà dân với tổng số tiền là 580 triệu đồng. Hiện nay, còn 2 hộ dân vừa thống nhất phương án sửa chữa và yêu cầu nhận tiền hỗ trợ. Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ 378 tấn xi măng cho 126/128 hộ (3 tấn/hộ) để xây dựng hạ tầng thiết yếu, còn lại 2 hộ chưa nhận. Hiện, công ty đang khảo sát để hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng, hỗ trợ do bị mất nước, không sản xuất được…
Tuy nhiên, tại buổi đối thoại, nhiều người dân của xã Phong Xuân cho rằng đây chỉ là cách làm mang tính tạm thời và đối phó, hoạt động nổ mìn vẫn gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Bà con có nguyện vọng được di dời, tái định cư đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống.
Ông Trần Văn Yên (43 tuổi) lo lắng nói: “Cứ mỗi lần mìn nổ là mặt đất chấn động như có động đất, nhà cửa chao đảo, tường xây bị nứt nẻ. Tôi sợ quá nên cứ đến buổi trưa là phải bảo con cái chạy ra khỏi nhà đề phòng nhà sập”.
“Tôi rất tha thiết các ban, ngành, cơ quan báo chí phải vào cuộc để làm dứt khoát để người dân ổn định cuộc sống và họ khỏi ấm ức. Về vấn đề lâu dài, nhà nước cần phối hợp với Xi măng Đồng Lâm di dời các hộ bị ảnh hưởng ra khỏi khu vực. Vì có 2 lý do. Một là nhà cửa nứt nẻ, không đảm bảo ăn ở của bà con. Hai là khói bụi, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của các hộ dân ở quanh đó”- ông Trần Văn Phẩm (thôn Xuân Điền Lộc) bức xúc.
Ông Nguyễn Đại Vui- Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HDND huyện Phong Điền cho rằng, dù đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng Nhà máy Xi măng Đồng Lâm phải tiến hành rà soát lại hoạt động nổ mìn khai thác đá của mình. Đồng thời, xây dựng phương án di dời dân tái định cư trong năm 2019, có hướng hỗ trợ tốt hơn đối với các hộ dân bị ảnh hưởng, kịp thời xử lý các phản ánh, tránh gây bức xúc trong dân. Nghiên cứu chuyển đổi, cải tạo đồng ruộng, yêu cầu nhà máy hỗ trợ thêm kinh phí để thuê người tưới nước những đồng ruộng này. Đơn vị cần trồng cây xanh, cải tạo môi trường vùng băng tải nhà máy nhằm hạn chế, bụi, khói, tiếng ồn…
“Chúng tôi nhận thấy rằng việc bức xúc của người dân là đúng. Vì theo quy phạm khu vực nổ mìn phải cách 300m mà trước đây khi giải phóng mặt bằng chỉ mới 100m. Vừa rồi nhà máy đã cùng dân sửa chữa nhưng việc tổ chức di dời thì phải có kế hoạch. Liên quan đến tiếng ồn, nhà máy, người dân và chính quyền phối hợp khắc phục làm sao để mọi người cùng đồng hành phát triển…”- ông Vui nói.
Liên quan đến sự việc, ông Phạm Phước Hiền Hòa- Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xi măng Đồng Lâm cho hay: “Chúng tôi luôn quan tâm, hỗ trợ cho người dân. Những nhà rạn nứt, chúng tôi lập dự toán và hỗ trợ theo định mức của tỉnh. Nếu những người dân nào cho là không đủ thi chúng tôi xin phép họ cử cán bộ đến để sửa nhà cho họ bằng kinh phí của nhà máy. Ngoài ra chúng tôi cũng hỗ trợ người dân một người 3 tấn xi măng để cải thiện đời sống. Về tiếng ồn, Đồng Lâm đã và đang hợp đồng thuê đơn vị quan trắc độc lập là Trung tâm quan trắc Môi trường thuộc Sở TN&MT tỉnh đo đạc định kỳ các chỉ tiêu cần quan trắc theo quy định với tần suất 3 tháng/lần và báo cáo cơ quan chức năng…”.
Như Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đã phản ánh, Công ty Cổ phần Xi măng Đồng Lâm (đóng tại huyện Phong Điền) thuê Công ty Tân Việt Bắc khai thác mỏ đá vôi Đồng Lâm (xã Phong Xuân) với diện tích được Bộ TN&MT phê duyệt là 90ha; thời hạn 30 năm. Trữ lượng khai thác trên 1 triệu tấn/năm.
Khoảng năm 2014, Công ty Tân Việt Bắc bắt đầu khai thác đá và cũng từ đó, hàng trăm hộ dân sống ở 3 thôn Xuân Lộc, Xuân Điền Lộc và Cổ Xuân - Quãng Lộc (xã Phong Xuân) bị ảnh hưởng nghiêm trọng, luôn sống trong tình trạng sợ hãi.
Cụ thể, việc nổ mìn làm cả khu vực xung quanh rung chuyển, nhiều nhà nền móng yếu nên tường xây bị nứt toác, nguy cơ nhà sập hiện hữu từng ngày. Ngoài ra, quá trình vận chuyển cũng gây nên nhiều hệ luỵ về môi trường, khi trung bình mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe chạy ra- vào khu mỏ để chở đất đá, khiến bụi gây ô nhiễm, cây xanh phủ một màu bạc trắng...
Ngoài việc nứt nẻ nhà, hoạt động khai thác mìn còn gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân. Do áp lực nổ lớn, đất đá văng tung khắp mặt ruộng khiến những cánh đồng lúa xung quanh không thể canh tác được. Hoa màu cũng chết héo do khói thuốc nổ và cạn kiệt nước ngầm. Ruộng có nhiều khu vực phải bỏ hoang, không thể sản xuất được. Việc nổ mìn còn khiến nguồn nước sinh hoạt ở đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng...
Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.