Dự án ì ạch gần 10 năm, người dân Thụy Khuê sống dở chết dở vì ô nhiễm

Tiếng dân - Ngày đăng : 14:46, 01/11/2018

(TN&MT) – Sau 7 năm được UBND TP. Hà Nội phê duyệt, dự án Cải tạo môi trường vệ sinh khu dân cư xung quanh mương thoát nước Thụy Khuê (đoạn từ dốc Lapho đến Cống Đõ thuộc phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội) đến nay vẫn chưa hoàn thiện, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho khu dân cư.

Mương thối “bức tử” người dân

Cách đây 2 năm, Báo TN&MT đã đăng tải hai bài viết: Hà Nội: Dân Thụy Khuê "nín thở" sống cùng mương ô nhiễmÌ ạch dự án đầu tư cải tạo mương thoát nước Thụy Khuê. Hai bài viết phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xảy ra tại mương thoát nước Thụy Khuê (phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội). Nguyên nhân được cho là dự án Cải tạo môi trường vệ sinh khu dân cư xung quanh mương thoát nước Thụy Khuê (đoạn từ dốc Lapho đến Cống Đõ) thi công ì ạch, chưa hoàn thành.

muong thoat nuoc thuy khue o nhiem 2
Một hạng mục dang dở tại mương thoát nước Thụy Khuê

Từ đó cho đến nay, người dân sinh sống gần mương thoát nước Thụy Khuê vẫn liên tục phản ánh tới báo TN&MT về tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng ở nơi đây. Có mặt tại công trường đang thi công dang dở này, PV nhận thấy tình trạng ô nhiễm không hề được cải thiện. Nước mương vẫn đen ngòm, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Mặc dù đã đeo khẩu trang nhưng mùi hôi vẫn xộc thẳng vào mũi, khiến PV không thể chịu nổi. Điều đáng nói, ở một số ngõ, ngách đi chung của người dân không hề có hàng rào che chắn, gây mất an toàn giao thông.

Dọc tuyến mương Thụy Khuê, tại nhiều đoạn, vật liệu xây dựng vẫn còn ngổn ngang và bừa bãi. Nhiều máy móc và phương tiện san lấp nằm im lìm và không có bóng dáng của công nhân đang làm việc. Cảnh tượng những khu này trở nên hoang tàn, không khác gì công trình hoang.

Bác Nguyễn Thành Tr. - một người dân sống gần con mương ở ngõ 167 phố Thụy Khuê cho biết: “Nguyên nhân gây ô nhiễm chủ yếu do rác thải và nước thải sinh hoạt của người dân. Trong khi mương thì ngày càng bị thu hẹp và lộ thiên nên bốc mùi hôi thối. Ngày mưa, nước ở mương dềnh lên lênh láng, tràn vào một số hộ có nền thấp gây mất vệ sinh môi trường nghiêm trọng. Ở khu chúng tôi, nhà có điều kiện họ chuyển đi lâu rồi. Những hộ không có điều kiện thì phải cắn răng mà chịu đựng”.

Điều dễ nhận thấy ở đây là tình trạng một số hộ dân chôn cọc để cơi nới nhà và làm công trình phụ lấn chiếm khoảng không của con mương. Diện tích con mương ngày càng bị thu hẹp do tình trạng lấn chiếm và xây dựng trái phép của người dân. Tuy nhiên thời gian qua, có vẻ chính quyền phường Thụy Khuê không hề có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

Chủ đầu tư kêu khó?

Nhằm làm rõ những vấn đề nêu trên, PV báo TN&MT đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Công Quảng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Tây Hồ - Chủ đầu tư dự án Cải tạo môi trường vệ sinh khu dân cư xung quanh mương thoát nước Thụy Khuê (đoạn từ dốc Lapho đến Cống Đõ).
 

muong thoat nuoc thuy khue o nhiem 1
Hình ảnh nước đen ngòm tại mương Thụy Khuê hiện nay

Tại buổi làm việc, ông Quảng thừa nhận tình trạng ô nhiễm môi trường quanh khu vực mương Thụy Khuê do bị chậm tiến độ mà nguyên nhân là bởi: “Cái vướng nhất của chúng tôi là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Trong tổng số 326 hộ cần phải GPMB, hiện chúng tôi đang bị vướng 26 hộ là chưa hoàn thiện xong thủ tục, hồ sơ. Trong đó, 23 hộ thuộc diện bố trí tái định cư nhưng không có nhà tái định cư; 3 hộ là do người dân vướng vào tranh chấp, khiếu kiện. Tất cả 26 hộ này nằm rải rác dọc tuyến mương (vốn là tuyến mương độc đạo) nên phương tiện, máy móc không thể thi công được”

Ông Quảng cũng cho biết thêm: “Hiện chúng tôi đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án với 4 mũi thi công liên tục trên toàn tuyến và đã hoàn thành được 60% khối lượng cống hộp bê tông, 30% nền đường cấp phối của dự án. Tuy nhiên do khó khăn đã nói ở trên nên dự án đang bị chậm tiến độ và chúng tôi đã có văn bản xin Sở Xây dựng gia hạn thời gian hoàn thiện dự án tới năm 2020”.

Bên cạnh khó khăn trong công tác GPMB, tình trạng người dân lấn chiếm, xây chuồng cọp lấn lòng mương và đổ phế thải vô tội vạ đã ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ thi công. “Những công trình vi phạm này đã tồn tại từ nhiều năm trước nên việc cưỡng chế rất nan giải và không đơn giản. Một số hộ dân chỉ vi phạm một phần diện tích (như xây lấn, làm chuồng cọp …) nên chúng tôi phải tìm biện pháp xử lý phần vi phạm đó sao cho hài hòa, tránh làm ảnh hưởng tới kết cấu toàn bộ công trình để tránh khiếu kiện. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang đợi Sở Xây dựng xác định thời gian ban hành giá bán căn hộ, diện tích sàn xây dựng và diện tích sử dụng các căn hộ tái định cư để bố trí nốt cho 26 hộ chưa di dời được như hiện nay”.

Vấn đề đặt ra ở chỗ, khi dự án bị chậm tiến độ dẫn đến đội vốn ngân sách và gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống người dân quanh khu vực, đơn vị nào mới là người phải chịu trách nhiệm chính? Lẽ nào tất cả đều kêu khó rồi cùng ngó lơ những tồn tại nêu trên?

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.