TP. Hải Dương: Các cơ sở sản xuất mì gây ô nhiễm môi trường

Tiếng dân - Ngày đăng : 20:57, 29/10/2018

(TN&MT) - Đã nhiều năm qua, người dân phường Tứ Minh, TP. Hải Dương (Hải Dương) luôn sống trong ô nhiễm môi trường từ: khói, bụi, nước thải… của các cơ sở sản xuất mì gạo. Mặc dù, người dân đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương, ngành tài nguyên & môi trường nhưng tình trạng ô nhiễm, vẫn chưa được khắc phục triệt để, ảnh hưởng cuộc sống, sinh hoạt của nhiều hộ dân trong khu phố.
1
Các hộ sản xuất mì gạo khu Lộ Cương đang làm ảnh hưởng môi trường
 

Được biết, phường Tứ Minh, TP. Hải Dương (Hải Dương) có khoảng 40 hộ sản xuất mì gạo, trong đó 9 hộ sản xuất bằng máy liên hoàn nằm ngay trong khu dân cư, hiện đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Là người hộ gia đình gần cơ sở sản xuất mì gạo, bà Nguyễn Thị. H (người dân xin được giấu tên) khu Lộ Cương A, phường Tứ Minh, ý kiến: “Không chỉ gia đình tôi mà nhiều gia đình ở khu Lộ Cương A này “khốn khổ” vì sống ở nơi làm nghề mì gạo. Các cở sở sản xuất đều đa số là thủ công, tự phát… họ sản xuất không có ý thức về bảo vệ môi trường. Khi một số hộ lắp hệ thống sản xuất mì bằng máy liên hoàn, các nhà khu dân cư đã “lãnh đủ” khói, bụi; nhà thường xuyên phải đóng cửa kín để tránh bay vào. Việc sản xuất gây ô nhiễm môi trường, ảnh hướng trực tiếp sức khỏe gia đình, mọi người thường xuyên mắc các bệnh về hô hấp và sống môi trường ngột ngạt, khó chịu. Người dân đã nhiều lần ý kiến tổ dân phố, chính quyền phường. Các hộ sản xuất mì gạo, nhiều lần hứa hẹn sẽ áp dụng công nghệ mới để không làm ảnh hưởng đến môi trường, nhưng rồi “đâu vẫn vào đấy” ô nhiễm vẫn từng ngày “hành hạ” làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của các gia đình”.

2
Sản phẩm phơi tràn lan ra đường gây ảnh hưởng giao thông, không đảm bảo vệ sinh “an toàn thực phẩm”
 

Cũng trong khu dân cư Lộ Cương A, bị chịu cảnh ô nhiễm môi trường, ông Phạm Văn. Đ, nói: “Đây là khu làng nghề làm mì gạo có từ lâu đời, chúng tôi rất thông cảm cho các hộ sản xuất, nhưng từ khi một số hộ chuyển từ làm truyền thống sang đầu tư lắp đặt máy sản xuất liên hoàn, khu dân cư bị ô nhiễm nhiều hơn. Do các máy sản xuất lớn, tiêu thụ nhiều nguyên liệu và xả nước thải không qua xử lý ra môi trường, khu dân cư luôn trong tình trạng khí thở có mùi “thum thủm”. Không những vậy, các hộ sản xuất mì còn phơi sản phẩm tràn lan ra đường, làm mất an toàn giao thông và không đảm bảo vệ sinh an toàn sản phẩm. Người dân chúng tôi, mong muốn chính quyền và cơ quan chức năng vào cuộc, để các hộ sản xuất mì trong thôn có giải pháp sản xuất an toàn, bảo vệ tốt môi trường sống của khu dân cư”.

Trước phản ánh của người dân khu Lộ Cương A, phóng viên Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đã làm việc với UBND phường Tứ Minh. Đại diện chính quyền, ông Đỗ Văn Dũng, Chủ tịch UBND phường, cho biết: Các hộ sản xuất mì gạo của phường chủ yếu ở khu Lộ Cương A, hiện vấn đề sản xuất gắn bảo vệ môi trường còn nhiều khó khăn, bất cập cần được tháo gỡ... Năm 2017, một số hộ đầu tư lắp đặt máy liên hoàn để sản xuất mì gạo công suất lớn. Mỗi dây chuyền có kinh phí đầu tư khoảng 1,5 - 2 tỷ đồng, công suất trung bình 2 - 3 tấn gạo/ngày. Quá trình hoạt động của các xưởng sản xuất liên hoàn đã phát sinh khói bụi gây ô nhiễm môi trường. Sau một thời gian hoạt động, các xưởng này phát sinh một số vấn đề, như: Chế độ an toàn khi sử dụng nồi hơi chưa bảo đảm, khói bụi, nước thải chưa qua xử lý xả thẳng ra môi trường...

Trước những phán ánh, kiến nghị của người dân, ngày 10/7/2018, UBND phường Tứ Minh đã ra Quyết định số 55/QĐ - UBND về việc thành lập tổ công tác do đồng chí Phó Chủ tịch UBND phường làm tổ trưởng, để kiểm tra, tuyên truyền vận động các hộ sản xuất mì gạo bằng hệ thống liên hoàn, thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường. Qua kiểm tra 9 hộ sản xuất bằng hệ thống liên hoàn, tổ kiểm tra đã đề nghị: Chủ hộ khi sử dụng nguyên liệu đốt lồi hơi (nguyên liệu củi) phải thực hiện ngay việc lắp đặt các thiết bị hấp thụ xử lý khí thải, trước khi xả qua ống khói ra môi trường. Nước thải từ quá trình sản xuất mì gạo, bánh đa phải được thu gom và xử lý trước khi xả ra môi trường. Yêu cầu, các hộ sản xuất phải lập Đề án Bảo vệ môi trường đơn giản, trình UBND thành phố Hải Dương xác nhận, đảm bảo theo hướng dẫn tại Thông báo số 27/2015/TT - BTNMT, ngày 29/5/2015 của Bộ Tài nguyên & Môi trường. Hiện nay, đã có 6/9 hộ khu Lộ Cương A sản xuất mì gạo bằng máy liên hoàn, đã tiến hành lắp đặt hệ thống xử lý khói, bụi. Còn lại, 3 hộ vẫn chưa có kinh phí lắp đặt hệ thống xử lý, nhưng hiện khói bụi vẫn làm ảnh hưởng đến môi trường; khiến người dân lại tiếp tục kiến nghị. Do chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nên nước thải của cả các hộ sản xuất thủ công và sản xuất bằng máy liên hoàn, vẫn xả thải trực tiếp ra môi trường. Phường đã có ý kiến với các hộ sản xuất, cơ quan chuyên môn và lãnh đạo thành phố có giải pháp giúp cho người dân, vì Lộ Cương A là làng nghề sản xuất mì có tiếng lâu đời. Để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm, các cơ quan chuyên môn, chức năng cần vào cuộc, có giải pháp giúp các hộ sản xuất.

Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Hải Dương, cán bộ kết hợp kiểm tra cùng với tổ công tác của phường Tứ Minh: Nguyên nhân chính làm phát sinh tình trạng khói đen là do các hộ sử dụng nồi hơi chưa bảo đảm kỹ thuật. Các lò hơi sử dụng củi làm nguyên liệu đốt trong khi thể tích, kích thước buồng đốt nhỏ, hẹp khiến lượng ô xy cung cấp không đủ dẫn đến nguyên liệu không được đốt cháy hoàn toàn, làm phát sinh khói đen. Bụi than trong quá trình đốt củi không được thu gom cũng phát tán ra môi trường. Ngoài ra, nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất cũng chưa được xử lý, xả thẳng ra môi trường cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường trong khu vực. Sau thời gian kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn… một số hộ đã xây dựng thêm hệ thống dập nước để dập khói bụi, nhưng vẫn không xử lý triệt để, được lượng khói đen phát tán vào môi trường.

Khu Lộ Cương A là làng nghề làm mì gạo truyền thống, nổi tiếng của Hải Dương, để làng nghề phát triển bền vững tạo thương hiệu và công ăn việc làm cho các hộ gia đình, không làm ảnh hưởng đến môi trường, cần có chung tay góp sức của chính quyền, các cơ quan, ban, ngành… hỗ trợ, tạo điều kiện, hướng dẫn các hộ sử dụng máy móc công nghệ mới và xây dựng hệ thống xử lý nước thải chung của làng nghề, như vậy việc sản xuất mới đáp ứng được yêu cầu về môi trường.