Hải Phòng: Cơ sở chế tác đá ven QL 10 ô nhiễm môi trường

Tiếng dân - Ngày đăng : 22:55, 25/10/2018

 (TN&MT) - Theo Phòng TN&MT huyện An Lão, TP Hải Phòng, nghề chế tác đá ven Quốc lộ 10, thuộc địa bàn xã An Tiến và Trường Thành hiện có 53 cơ sở. Các cơ sở hình thành trong khoảng 10 năm, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân địa phương. Tuy nhiên, các cơ sở này hoạt động với quy mô nhỏ lẻ, tự phát, hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện, gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể, tiếng máy mài đá, xẻ đá đã tạo ra tiếng ồn lớn. Ngoài ra, trong lúc sản xuất, bụi đá phát tán ra môi trường xung quanh khu vực xưởng, đường giao thông, cây cối, nhà cửa trong khu dân cư. Nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất chảy tràn ra khu vực xưởng vì không có lối thoát. Trong khi đó, các công nhân, thợ chế tác đá chỉ được trang bị thiết bị bảo hộ lao động đơn giản như: găng tay, khẩu trang.
HP 1
Cơ sở chế tác đá ven QL 10 qua địa bàn huyện An Lão.

Qua tìm hiểu được biết, nghề chế tác đá là nghề truyền thống của người dân địa phương. Thời gian gần đây, các hộ xây dựng xưởng tự phát, lấn chiếm khu vực hành lang Quốc lộ 10. Hoạt động tự phát của làng nghề chế tác đá gây ô nhiễm môi trường, khó khăn cho công tác quản lý của địa phương. Bên cạnh đó, hoạt động vận chuyển đá nguyên liệu từ các xe ô tô tải xuống xưởng gây mất an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy hiểm. Trước phản ánh của cử tri huyện An Lão, ngày 10/9/2018, UBND TP Hải Phòng có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri về việc này. UBND TP Hải Phòng giao UBND huyện An Lão, UBND 2 xã Trường Thành và An Tiến phối hợp Phòng Cảnh sát môi trường, Công an thành phố tổ chức họp và hướng dẫn các cơ sở trên tiến hành cam kết với chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm môi trường về bụi, tiếng ồn trong quá trình sản xuất. Đảo đảm khoảng cách an toàn hành lang giao thông Quốc lộ 10 và lập hồ sơ bảo vệ môi trường theo quy định.

Theo ông Bùi Văn Bút, Chủ tịch UBND xã An Tiến, UBND huyện An Lão đã quy hoạch 5 ha đất nông nghiệp ở ven Quốc lộ 10, trên địa bàn xã An Tiến để xây dựng làng nghề. Sau đó, sẽ đưa các cơ sở chế tác đá vào hoạt động tập trung và có các biện pháp bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc đầu tư làng nghề này cần hàng chục tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng làng nghề. Trong khi đó, các hộ chế tác đá quy mô nhỏ lẻ, không đủ kinh phí xây dựng làng nghề. Để làng nghề phát triển bền vững và bảo đảm an toàn giao thông, giảm thiểu ô nhiễm, vấn đề đặt ra sớm có làng nghề truyền thống để người dân yên tâm sản xuất, chế tác đá và bảo vệ môi trường, cuộc sống người dân. Do đó, TP Hải Phòng cần có sự quan tâm, đầu tư xây dựng làng nghề chế tác đá An Lão.

Đến nay, 22/33 cơ sở tại xã An Tiến và 4/20 tại xã Trường Thành cam kết bảo vệ môi trường. UBND 2 xã tiến hành lập hồ sơ xử lý vi phạm những hộ chưa có hồ sơ về bảo vệ môi trường. Đồng thời, yêu cầu các hộ di chuyển sản phẩm, vật tư vào nơi quy định, bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, sử dụng bạt che toàn bộ khu vực sản xuất. Hiện nay, các cơ sở sản xuất đã dùng bạt nhiều lớp để che chắn, phun nước trong quá trình sản xuất nhằm hạn chế tình trạng phát tán bụi vào không khí; thời gian sản xuất hợp lý, bảo đảm thời gian nghỉ ngơi của người dân xung quanh khu vực, không trưng bày các sản phẩm và thực hiện sản xuất trong hành lang đường bộ. UBND huyện An Lão thường xuyên kiểm tra, kiên quyết xử lý các cơ sở điêu khắc đá không chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và hành lang an toàn giao thông đường bộ. Hiện nay, UBND huyện An Lão đang kiểm tra, rà soát vị trí phù hợp để trình UBND TP Hải Phòng cho phép thành lập hội Làng nghề điêu khắc đá trên địa bàn huyện.