Hà Nội: Ô nhiễm trầm trọng ở xã Dục Tú, huyện Đông Anh:
Tiếng dân - Ngày đăng : 21:58, 20/10/2018
Có lẽ hình ảnh dễ nhận ra nhất mà những ai có dịp đi qua các thôn Đồng Dầu, Dục Tú (xã Dục Tú, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) là những cột khói đen cuộn lên từ các ống khói của dãy nhà xưởng mọc san sát đang ngày đêm hoạt động không ngơi nghỉ. Từ nhiều năm nay, khu vực này trở thành “điểm hẹn” lý tưởng để những người kinh doanh về đây thuê đất, dựng xưởng sản xuất keo gỗ ép, lò đúc kim loại, nấu dầu tái chế, xưởng sản xuất gỗ dán …
Quan sát của PV thấy rằng, cả một khu đất rộng mênh mông nằm sát ngay khu dân cư thôn Đồng Dầu và nhìn thẳng ra cánh đồng làng đã được lấp đầy bằng các dãy nhà xưởng mọc san sát. Mỗi khi đi qua những nhà xưởng đang hoạt động, mùi hăng nồng của bột gỗ lẫn với mùi hóa chất khiến người qua đường mắt bị cay xè và khó thở. Trong khi đó, đa phần các xưởng đều được xây dựng rất sơ sài, không có biện pháp che chắn cẩn thận. Nhiều nhà xưởng thấp lè tè nên mỗi khi xả khói, bụi khí lờ lờ ở mặt đất và làm ảnh hưởng trực tiếp tới người qua đường cũng như người canh tác tại ruộng lúa gần đó.
Bên cạnh những xưởng sản xuất gỗ ép ở thôn Đồng Dầu là những lò đúc kim loại bằng phương pháp thủ công tại thôn Dục Tú. Nhìn từ bên ngoài, đó đơn thuần chỉ là những kho tập kết phế liệu. Nhưng phía sau những cánh cổng bằng tôn sắt tạm bợ là ngổn ngang những đống kim loại các kiểu không rõ nhập về từ đâu và đã qua công đoạn xử lý vệ sinh. Hầu hết các xưởng đều không có biển hiệu, bên trong ngập ngụa phế thải, muội khói bám đầy, hai bên đường cũng rải đầy xỉ lò, đen cứng như đá.
Trao đổi với PV, bác Nguyễn Văn H. (người thôn Đồng Dầu) bức xúc cho biết: “Khắp xã Dục Tú, thôn nào cũng bị ô nhiễm nặng nề. Có thôn thì khốn khổ vì các xưởng tái chế sắt thép, có thôn thì khốn khổ vì các nhà xưởng sản xuất gỗ ép. Người dân thôn Đồng Dầu chúng tôi chục năm trở lại đây rất khổ sở vì khói của các xưởng gỗ. Nhiều hôm trở gió, nhà nào nhà nấy phải đóng cửa kín mít, ngồi trong nhà mà vẫn phải bịt khẩu trang để tránh mùi chất hóa học khắp nơi. Oái ăm ở chỗ, nhiều xưởng còn được xây dựng sát ngay trường mầm non, Trung tâm bảo trợ xã hội … và ngày ngày đầu độc trẻ nhỏ, người bệnh tật ở đó. Chúng tôi rất nhiều lần có ý kiến với chính quyển địa phương nhưng không hiểu sao, tình trạng không những không giảm mà còn nghiêm trọng hơn”.
Cũng theo chia sẻ của bác Nguyễn Văn H., những năm trở lại đây, số người ở thôn Đồng Dầu, Du Nội, Dục Tú, Ngọc Hạ chết trẻ vì ung thư gan, phổi, vòm họng cao bất thường. “Ngày xưa, khi những xưởng sản xuất này chưa mọc lên thì làm gì có hiện tượng người chết vì ung thư nhiều như thế. Giờ hai thôn Đồng Dầu và Dục Tú còn được mọi người gọi với cái tên là: làng ung thư. Chúng tôi vô cùng lo lắng cho sức khỏe và tính mạng của mình khi ngày ngày phải hít khí độc hại như vậy. Đó là chưa kể, khí thải, nước thải của các nhà xưởng còn gây thiệt hại nặng nề cho hoa màu của bà con. Nhiều hộ có khi bị mất trắng hoa màu do cây cối bị chết” – bác H. cho biết thêm.
Nhằm làm rõ những phản ánh của người dân, PV báo TN&MT đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Tĩnh, Chủ tịch UBND xã Dục Tú. Tại buổi làm việc, ông Tĩnh thừa nhận về tình trạng ô nhiễm môi trường do các xưởng sản xuất gỗ ép, gỗ dán và tái chế phế liệu gây ra. Ông Tĩnh cho biết: “Sau khi nhân dân có ý kiến, hiện huyện Đông Anh đã chỉ đạo xã rà soát, thống kê và xây dựng kế hoạch để xử lý. Hiện chúng tôi cũng đã tiến hành rà soát, thống kê, kiểm tra, lập biên bản và yêu cầu dừng hoạt động đối với những cơ sở đó. Chúng tôi cũng mời các chủ xưởng lên trụ sở UBND xã làm việc và yêu cầu họ chấm dứt hoạt động. Tuy nhiên muốn họ dời đi chỗ khác thì cũng cần có thời gian nên chúng tôi đã xin huyện Đông Anh cho các xưởng này thời gian tới tháng 11/2018 để họ chủ động di dời. Sau thời gian đó mà các chủ xưởng không chấp hành, chúng tôi sẽ báo cáo huyện Đông Anh để lập phương án cưỡng chế di dời”.
Tuy nhiên, khi PV đề nghị lãnh đạo xã Dục Tú cung cấp các báo cáo gửi huyện Đông Anh cũng như các biên bản kiểm tra, xử phạt và kiến nghị xử lý đối với những xưởng sản xuất gây ô nhiễm, ông Nguyễn Văn Tĩnh lại viện cớ: “Tôi đã giao toàn quyền việc kiểm tra cho anh Thọ, phó chủ tịch xã nên giờ không có hồ sơ. Các anh cứ liên hệ với anh Thọ để đề nghị cung cấp”.
Ấy nhưng, gần 1 tháng trôi qua, dù PV đã liên tục điện thoại cho ông Nguyễn Đăng Thọ, Phó chủ tịch UBND xã Dục Tú để đề nghị cung cấp hồ sơ nhưng ông Thọ viện hết cớ này cớ nọ để né tránh. Đến đây, dư luận hoàn toàn cho quyền đặt ra câu hỏi về tính xác thực mà lãnh đạo xã Dục Tú trả lời báo chí?
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc