Vá đường Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Vật liệu sử dụng một đằng, phương pháp áp dụng một nẻo
Tiếng dân - Ngày đăng : 17:50, 17/10/2018
Sau khi báo Tài nguyên & Môi trường có bài viết “Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Sử dụng vật liệu vá đường cấp thấp”, đại diện bên Công ty Cổ phần Carbon Việt Nam (Cty Carbon VN) đã có phản hồi. Tại buổi làm việc, đại diện Cty Carbon VN khẳng định, khi mua vật liệu Carboncor Asphalt, phía Ban quản lý Dự án đường Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không không trình bày lý do mua để làm gì. Chính vì thế, phía Cty Carbon VN không có hướng dẫn về phương pháp bảo quản cũng như trình tự các bước thực hiện xử lý cắt vá ổ gà đối với vật liệu Carboncor Asphalt.
“Qua thông tin bài viết, những ổ gà sau khi vá lại bị bong tróc trở lại, bên phía Cty Carbon VN đã chủ động liên lạc với Ban quản lý Dự án đường Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đồng thời cử ngay cán bộ chuyên môn bay vào phối hợp hướng dẫn kỹ thuật về trình tự các bước thực hiện đúng quy trình tiêu chuẩn đối với vật liệu Carboncor Asphalt”, đại diện Cty Carbon VN cho biết.
Cũng theo vị đại diện Cty Carbon VN, loại vật liệu Carboncor Asphalt đang được áp dụng xử lý mặt đường bị hỏng trên đường Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là không phù hợp. Đồng thời, do phương pháp thực hiện thi công vá ổ gà như đang thực hiện là sai hoàn toàn nên mới có hiện tượng ổ gà sau khi vá bị bong tróc lại ngay.
“Chính vì bên mua không thực hiện đúng lộ trình theo phiếu đăng ký mua hàng mà công ty đã quy định (loại vật liệu mua, khối lượng, mục đích sử dụng, thời gian sử dụng,…) bên mua không cho biết mục đích sử dụng Carboncor Asphalt cho công trình nào nên phía công ty không có tư vấn tương thích về vật liệu áp dụng” - đại diện Cty Carbon VN nói.
Qua trao đổi, được biết khi sử dụng vật liệu Carboncor Asphalt để xử lý vá mặt đường thì phải thực hiện đúng phương pháp mới phát huy hết được tính năng của vật liệu. “Vật liệu Carboncor Asphalt sử dụng công nghệ không khói, không nhiệt với ba thành phần: đá, sít than sau sàng (rác than) cùng với nhũ tương đặc biệt. Liên kết dính bám và cường độ của Carboncor Asphalt được hình thành do phản ứng hóa học, dưới tác dụng của nhũ tương đặc biệt và nguyên tử Carbon trong rác than. Khi thi công, sau khi xác định phạm vi sửa chữa ổ gà hư hỏng và đánh dấu khu vực sửa chữa, dùng máy cắt vuông thành sắt cạnh xung quanh phạm vi đã đánh dấu đến hết chiều sâu lớp BTN nhựa hư hỏng.
Trong trường hợp hư hỏng ổ gà nguyên nhân do lớp móng cấp phối đá dăm gây ra, phải sử dụng biện pháp xử lý, đào bỏ, thay thế bằng lớp vật liệu lớp móng tương đương, sau đó lu lèn đảm bảo độ chặt trước khi xử lý lớp mặt. Làm vệ sinh sạch sẽ ổ gà ở đáy và các thành xung quanh. Tưới nước ẩm đều bề mặt ổ gà (tưới nước vào thành xung quanh phạm vi cắt, không để đọng nước) trước khi thi công các lớp Carboncor Asphalt (chều dày mỗi lớp sau lu lèn từ 10 đến 30mm)” - vị đại diện Cty Carbon VN nói thêm.
Trái ngược với quy trình thi công khi sử dụng vật liệu Carboncor Asphalt để xử lý mặt đường hư hỏng, thay vì không tưới lớp nhựa dính bám, chỉ sử dụng nước tưới đều đến khi đạt độ ẩm yêu cầu ở đáy và thành hố cắt trước khi thi công vá bù. Qua quan sát, phương pháp thực hiện vá ổ gà trên mặt đường Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi lại sử dụng khò lửa cho khô ráo, hết độ ẩm ướt mặt đáy và thành hố cắt, sau đó tưới lớp nhựa kết dính trước khi thi công các lớp Carboncor Asphalt.
Sau chuyến đi thị sát thực tế trên tuyến cao tốc, qua kiểm tra tại những vị trí đã được xử lý vá ổ gà trước đó, một số chuyên gia của Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Đà Nẵng rất không hài lòng khi thấy dự án sử dụng vật liệu vá ổ gà không tương thích là Carboncor Asphalt. “Về nguyên tắc bêtông nhựa nguội không phù hợp cho đường cao tốc hiện nay, vì tốc độ phát triển cường độ chậm khi sử dụng ngay với tải trọng và tần xuất xe lớn, nên sự dính kết với lớp bêtông nhựa cũ rất kém dễ bong tróc” - một vị chuyên gia của Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Đà Nẵng phân tích.
Dư luận đang nghi vấn, đường cao tốc là dự án trọng điểm của Quốc gia, tại sao vật liệu được chấp thuận, đưa vào sử dụng một cách dể dàng như vậy? Cũng theo vị chuyên gia của Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Đà Nẵng, nếu đem so sánh với quy trình tại công trình khách sạn cấp 3 tại Đà Nẵng, muốn được sử dụng một loại vật tư (điển hình như gạch thẻ, gạch ống, sắt…). Trước hết, phải cung cấp CO (giấy chứng nhận xuất sứ), CQ (giấy chứng nhận chất lượng), ngoài ra phải đưa mẫu đi thí nghiệm thực tế, khi nào có kết quả đạt thì mới cho đưa vật liệu đó vào áp dụng.
Liệu vật liệu Carboncor Asphalt trước khi đưa vào áp dụng xử lý hư hỏng mặt đường trên đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã đưa mẫu đi thí nghiệm thực tế chưa? Hay cũng như ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Ban quản lý Dự án trước đây khẳng định là công tác xử lý cắt vá ổ gà đang được triển khai đều phải đề trình biện pháp cũng như nguyên vật liệu lên chủ đầu tư, tư vấn giám sát để phê duyệt. Trên thực tế cho thấy, ngày 13/10 vừa qua, biện pháp sửa chữa mặt đường bê tông nhựa tại hai gói thầu mới chính thức được phế duyệt?
Dư luận rất quan tâm, tại sao trong biện pháp sửa chữa mặt đường bê tông nhựa của Công ty Tuấn Lộc (đoạn Km25 + 060 - Km28 + 760, thuộc gói thầu số 4) và Tổng Công ty Thành An (đoạn Km42 + 00 - Km52 + 00, thuộc gói thầu số 6) không hề thấy phân tích đưa ra nguyên nhân chính làm một số đoạn tuyến có dấu hiệu xuống cấp, mặt đường bê tông nhựa bị bong tróc, tạo ổ gà? Mà chỉ đưa ra biện pháp sửa chữa mặt đường bị hư hỏng? Vậy liệu kết quả sửa chữa lần này có khắc phục dứt điểm những khiếm khuyết tại các đoạn tuyến này không? Hay là chỉ khoác lại bên ngoài bộ áo mới, ứng phó bài toán mỹ quan, còn bài toán kỹ thuật thì đến đâu hay đến đó?