Nghệ An: Dân “kêu trời” vì Nhà máy xi măng Sông Lam gây ô nhiễm

Tiếng dân - Ngày đăng : 23:39, 18/10/2018

(TN&MT) – Kể từ khi Dự án đầu tư xây dựng nhà máy xi măng Sông Lam tại xã Bài Sơn, huyện Đô Lương hoàn thành và đi vào hoạt động thì hàng trăm hộ dân sống xung quanh cũng phải hứng chịu ô nhiễm môi trường. Vấn đề đã được phản ánh nhiều nhưng chưa được giải quyết.  

Khốn khổ vì phải sống chung với ô nhiễm
 

Nhà máy xi măng Sông Lam của Công ty CP xi măng Sông Lam (thuộc Tập đoàn xi măng The Vissai) được đầu tư với số vốn hơn 10.000 tỷ đồng, công suất 6.000 tấn clinker/dây chuyền/1 ngày. Mỗi năm, nhà máy sẽ cho ra lò 4 triệu tấn sản phẩm và giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 lao động. Tuy nhiên, kể từ ngày nhà máy đi vào hoạt động đã gây nên nhều vấn đề về ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc.
 

Nhà máy xi măng Sông Lam nằm sát khu dân cư gây ảnh hưởng tiêu cực cuộc sống của nhiều hộ dân
Nhà máy xi măng Sông Lam nằm sát khu dân cư gây ảnh hưởng tiêu cực cuộc sống của nhiều hộ dân

Chúng tôi có mặt tại xóm Đô Sơn, xã Bài Sơn, huyện Đô Lương trong thời gian nhà máy xi măng Sông Lam bảo dưỡng nên hoạt động cầm chừng. Nhiều hộ ở sát hàng rào nhà máy, nhà ở đã thấp hơn cốt nền của nhà máy, đất đá đang được tập kết san ủi cao hơn nóc nhà dân.
 

Nhà chị Hoàng Thị Sáu, ở xóm Đô Sơn, cách bờ rào nhà máy vài chục bước chân. Trước ngõ nhà, nền nhà máy xi măng đã được đắp cao, đất đá tưởng chừng muốn ập vào vườn nhà bất cứ lúc nào. Được biết, thời gian đầu, khi đang xây dựng lắp đặt nhà máy, gia đình chị vẫn chưa mường tượng ra những nỗi khổ sẽ đối mặt trong thời gian tới. Khi nhà máy bắt đầu vào hoạt động, tiếng ồn, bụi bặm dần xuất hiện ngày một dày. Máy nghiền đá, xe tải đổ vật liệu ồn ào từ 5 giờ hôm trước đến 1 giờ sáng hôm sau là màn “tra tấn” với những gia đình ở gần hàng rào nhà máy. Tuy nhiên, điều đó chưa nguy hại bằng mặt nước bẩn vào vườn nhà, ngấm vào giếng nước sinh hoạt. Nhiều tháng nay, chị Sáu đã phải gồng gánh đi xin nước ăn ở nơi khác. Chị than thở: “Mỗi khi trời mưa, nước chảy mang theo đất, đá vụn, bùn chảy vào nhà chị và nhiều nhà khác. Đáng ngại hơn, nước bẩn còn kèm theo cả chất thải của công nhân nhà máy”.
 

Nền nhà máy xi măng hiện đã được đổ đất cao hơn nóc nhà của nhiều hộ dân sống xung quanh
Nền nhà máy xi măng hiện đã được đổ đất cao hơn nóc nhà của nhiều hộ dân sống xung quanh

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Xóm trưởng xóm Đô Sơn có nhà ở ngay đầu đường vào nhà máy nên vừa phải hứng bụi, vừa phải “lĩnh trọn” lượng nước thải dồn ứ mỗi khi trời mưa. Nhiều nhà ở mặt trước của nhà máy luôn bị nhiễm bởi bụi từ xe ô tô trọng tải lớn vào ra nhà máy. Vài năm nay, mỗi khi mưa nước dồn ứ cục bộ tại khu vực xóm không có lối thoát nên phải tự xử lý khỏi chảy vào nhà dân nhưng bùn đất lại chảy xuống ruộng ảnh hưởng đến sản xuất của bà con. Xóm trưởng Đô Sơn còn cho biết thêm: “Vừa rồi ngành môi trường về quan trắc nước, bụi, tiếng ồn nhưng kết quả đều trong giới hạn cho phép. Kết quả quan trắc của tỉnh cái gì cũng bình thường cả nhưng cuộc sống của dân ở đây thực sự bị đảo lộn không giống như ngày xưa”.
 

Không chỉ ở xã Bài Sơn bị ảnh hưởng tiêu cực do hoạt động của nhà máy xi măng mà một số hộ dân ở xóm 4, xã Minh Thành, huyện Yên Thành (do nhà máy xi măng Sông Lam đặt giáp ranh với xã Minh Thành- PV) cũng bị chung số phận. Nhà ông Nguyễn Văn Nguyệt thuộc diện phải di dời đến nơi khác nhưng mấy năm nay ông vẫn chờ đợi ngày đến nơi ở mới. Phía Tây vườn nhà ông, nền đất của nhà máy bắt đầu tràn vào. Ông bức xúc: Bụi bặm tiếng ồn khiến mọi sinh hoạt bị đảo lộn, vì chờ đi tái định cư nên mấy năm vườn tược bị bỏ hoang vì ông không dám đầu tư trồng cây cối.
 

Ám ảnh khi mìn nổ 

Xóm Thái Sơn, xã Bài Sơn chỉ cách mỏ đá nguyên liệu nhà máy xi măng Sông Lam vài trăm mét. Đứng ở đầu xóm nhìn về phía Tây là ngọn núi đá đã bị khuyết một phần đỉnh do nổ mìn khai thác. Khi nhà máy xi măng nổ mìn phá núi lấy đá thì cũng là lúc hơn 50 hộ dân ở gần mỏ đá hứng chịu những đợt rung lắc. Nhiều bức tường, mái nhà, bị xé, dầm trụ bị nứt. Thỉnh thoảng có hiện tượng đá văng vào nhà dân. Thậm chí có người mỗi khi trên núi nổ mìn phá đá phải chạy ra khỏi nhà để đảm bảo an toàn.
 

Giếng nước của gia đình chị Hoàng Thị Sáu bịt kín không dam sử dụng vì bị ô nhiễm
Giếng nước của gia đình chị Hoàng Thị Sáu bịt kín không dam sử dụng vì bị ô nhiễm


Chị Nguyễn Thị Hà, ở xóm Thái Sơn kể lại: Khi mới vào hoạt động mỏ đá nổ mìn phá đá nhiều lần, nay còn 2 lần một ngày. Nhà máy cũng cho người về kiểm tra những hộ bị nứt nhà nhưng vẫn chưa thấy có ý kiến gì. Mỗi khi mìn nổ, bùi bốc mù mịt, đường làng, ngõ xóm đều bị phủ bụi trắng. Mỗi năm họ cũng hỗ trợ có mấy trăm ngàn đồng. Về lâu dài cứ như thế này thì dân sinh sống ở đây sẽ không ổn chút nào. 
 

Chúng tôi đến nhà chị Thái Đắc Trúc, ở xóm Thái Sơn thấy hầu hết các bức tường, góc tường đều bị nứt dọc, kính bị vỡ rơi nhiều lần phải lắp lại. Chị Trúc nhớ lại: Mỗi khi mìn nổ nhà bị rung, rất lo sợ. Có hôm chị đi làm về thấy đá rơi mấy cục sau vườn.
 

Một cán bộ xã Bài Sơn cho biết: Hiện, cốt nền của nhà máy đã cao hơn vườn nhà dân nên mùa mưa đến nhiều nhà sử dụng giếng khơi nên nguy cơ ô nhiễm càng cao. Đã có hơn 1 ha lúa bị bùn chảy xuống ảnh hưởng đến sản xuất. Hiện nay, có 20 hộ dân cần di dời sớm. Từ trước đến nay, Bài Sơn đã di chuyển được hơn 30 hộ dân ra khỏi vùng bị ảnh hưởng.
 

Ông Nguyễn Trọng Hợi - Phó trưởng phòng TN-MT UBND huyện Đô Lương cho biết: Qua kiểm tra phòng TN-MT thấy việc vận chuyển vật liệu về nơi sản xuất và khai thác tại mỏ phát sinh ra ô nhiễm khói bụi. Do mặt bằng vừa sản xuất vừa thi công nên khi có mưa bị chảy tràn cả nước mặt và nguyên vật liệu. Theo kết luận những lần quan trắc đều nằm trong phạm vi cho phép nhưng ý kiến người dân cho rằng không chính xác, thật ra huyện cũng chỉ kiểm tra bằng trực quan không có trang thiết bị chuyên dùng nên rất khó xác định.
 

Được biết, sáng 18/10/2018, Đoàn công tác của HĐND tỉnh Nghệ An do đồng chí Hoàng Viết Đường, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã tiến hành giám sát an toàn vệ sinh lao động, giải quyết việc làm và công tác đảm bảo môi trường tại huyện Đô Lương. Tại Công ty Cổ phần Xi măng Sông Lam, đoàn công tác đã tiến hành giám sát việc chấp hành Luật bảo vệ môi trường trong và ngoài nhà máy. Trong đó, chú trọng kiểm tra việc chấp hành các quy định về khai thác, sử dụng nguồn nước, nước thải, khí thải, chất thải và tiếng ồn tác động đến đời sống của người dân ở gần khu vực sản xuất. Theo đó, đoàn ghi nhận phản ánh của Chính quyền xã Bài Sơn về ô nhiễm tiếng ồn từ nhà máy phát ra vẫn quá to, bụi bẩn trên các tuyến đường còn nhiều, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân địa phương.