Công ty SAVINA Hà Nam - Bài 2: Không chấp hành các quy định bảo vệ môi trường?
Tiếng dân - Ngày đăng : 18:40, 14/10/2018
Bất chấp pháp luật về môi trường
Đúng như bức xúc và ý kiến của người dân thôn Bút Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam về Công ty TNHH SAVINA Hà Nam sản xuất vôi xuất khẩu hoạt động từ năm 2013, không xây dựng hệ thống xử lý khí thải, khói bụi thải, xả thẳng ra môi trường.
Công ty TNHH SAVINA Hà Nam (Công ty SAVINA) được UBND tỉnh Hà Nam cho phép xây dựng nhà máy sản xuất gạch không nung, chế biến bột đá và sản xuất vôi công nghiệp tại thôn Bút Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Diện tích sử dụng đất của dự án là 42.450 m2. Trong đó, đất được giao xây dựng nhà máy 38.449 m2, còn lại là đất mượn để làm đường. Toàn bộ các công trình xây dựng trong nhà máy do Công ty TNHH tư vấn xây dựng Phú Thành lập thiết kế, kiến trúc công trình.
Từ cuối năm 2010, UBND tỉnh Hà Nam cho phép doanh nghiệp này xây dựng dây chuyền sản xuất gạch không nung và chế biến bột đá. Đầu năm 2012, UBND tỉnh Hà Nam tiếp tục choCông ty SAVINA làm thủ tục bổ sung dự án đầu xây dựng dây chuyền sản xuất vôi công nghiệp, công suất 60.000 tấn/năm. Dây chuyền có 2 lò nung vôi công nghiệp.
Ngày 8/2/2012, UBND tỉnh Hà Nam đã ra quyết định số 358/QĐ-UBND phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất vôi công nghiệp của Công ty SAVINA. Trong đó điều kiện đi kèm, UBND tỉnh Hà Nam yêu cầu, dự án chỉ được đi vào hoạt động khi đã thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo như đã cam kết, được Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xác nhận. Doanh nghiệp phải lập, xin phê duyệt, niêm yết công khai kế hoạch quản lý môi trường của dự án trước khi triển khai thực hiện dự án ở xã Thanh Sơn.
Một số ý kiến người dân xã Thanh Sơn phản ánh: Khi triển khai xây dựng hệ thống lò vôi công nghiệp để sản xuất vôi xuất khẩu, từ năm 2013 đến nay, Công ty SAVINA có nhiều vấn đề về công tác môi trường, đặc biệt đơn vị ngang nhiên xả khói, bụi chưa xử lý ra môi trường xung quanh.
Theo quy định, Chính phủ yêu cầu với dây chuyền vôi công nghiệp phải nghiêm ngặt về việc xử lý môi trường. Đặc biệt là việc xây dựng dây chuyền sản xuất vôi công nghiệp phải xây dựng hệ thống xử lý chất thải, bảo vệ môi trường theo quy định.
Chúng tôi có buổi làm việc với ông Lê Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam), ông Hưng cho biết:Công ty SAVINA đã xây dựng hệ thống lò nung vôi theo phương pháp công nghiệp và xuất khẩu vôi từ 2013. Về quy trình xử lý khí thải lò vôi công nghiệp được thu khói bụi, quạt hút thổi qua 3 bể đưới chân lò, bể chứa dung dịch nước vôi trong, mỗi bể dung tích 5 m3. Khí thải lò vôi sau khi qua xử lý được lắng bụi, hạ nhiệt độ, tiếp tục qua tháp rửa khí bằng nước vôi có hệ thống quạt rồi thải ra môi trường bằng ống khói. Khí thải sau khi xử lý ra môi trường là khí sạch, khí thải sau xử lý đạt QCVN 19:2009/BTNMT, của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Cột B). Hiện nay Công ty SAVINA mới xây dựng công trình bảo vệ môi trường được 1 lò. Nước thải của dây chuyền sản xuất vôi của công ty chỉ có nước thải sinh hoạt, được xử lý bằng hố tự hoại, sau đó chảy ra hồ sinh học rộng 300 m2. Hồ sinh học sâu 1,5 m xử lý bằng cây sậy hoặc bèo. Nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn 14:2008/BTNMT (Cột B). Chất thải nguy hại được phân loại lưu giữ trong kho 20 m2, hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý…
Ông Lê Văn Hưng đã thông tin cho chúng tôi Công ty SAVINA mới xây dựng hệ thống xử lý chất thải được một lò. Nhưng khi chúng tôi đưa chứng lý ra, cả 2 lò nung vôi đang vận hành của SAVINA không có hệ thống thu khí, bụi trên đỉnh lò xuống phía dưới để xử lý như quy trình xử lý ông Hưng đã giới thiệu. Chúng tôi yêu cầu ông Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường nói đúng sự thực. Chứng lý rõ ràng nên ông Lê Văn Hưng đành phải công nhận, đến thời điểm hiện nay, Công ty TNHH SAVINA Hà Nam chưa xây dựng một hệ thống xử lý khí thải, bụi thải nào. Hiện Công ty này đang xây dựng tới lò nung vôi thứ 4, vẫn dập nguyên mô hình như lò ban đầu.
Dư luận đặt ra câu hỏi tại sao một doanh nghiệp sản xuất vôi công nghiệp xuất khẩu, có quy mô khá lớn lại ngang nhiên bỏ qua toàn bộ khâu xử lý chất thải, xả thẳng khí, khói, bụi ra môi trường như các lò vôi thủ công, bất chấp các quy định của pháp luật về bảo vệ mội trường; bất chấp sự chỉ đạo của Chính phủ về việc kiên quyết xóa bỏ sản xuất vôi thủ công, chỉ cho sản xuất vôi công nghiệp, vì mục đích cao nhất là bảo vệ môi trường sống?
Sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm
ÔngLê Văn Hưng, Chi chục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết: Quy định, mỗi năm 4 lần, doanh nghiệp phải hợp đồng vớiđơn vị có đủ chức năng đánh giá môi trường để đo mức độ ô nhiễm, báo cáo đánh giá tác động môi trường với chi cục. Thế nhưng khi đề nghị Chi cục bảo vệ môi trường cung cấp kết quả quan trắc về môi trường của SAVINA thì ông Lê Văn Hưng trả lời: Chi cục đôn đốc tất cả doanh nghiệp thực hiện quan trắc, báo cáo kết quả quan trắc, nhưng nhiều doanh nghiệp không gửi báo cáo tới Chi cục, trong đó có SAVINA. Việc kiểm tra doanh nghiệp chỉ được thực hiện theo kế hoạch, mỗi năm chỉ kiểm tra một lần. Nhưng với Công ty SAVINA, từ khi sản xuất đến nay, năm 2016, chi cục mới có một cuộc hướng dẫn đơn vị thực hiện các công trình bảo vệ môi trường. Chi cục chưa có cuộc kiểm tra nào để phát hiện, xử lý những vi phạm của đơn vị này.
Ông Đinh Xuân Thông, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam khẳng định: “Các dự án chưa hoàn thành các công trình về bảo vệ môi trường đã đưa vào hoạt động là trái quy định của pháp luật. Nếu doanh nghiệp nào hay Công ty SAVINA phát hiện ra như vậy, Sở sẽ tổ chức kiểm tra, lập hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật, không thể để doanh nghiệp làm ăn kinh tế mà hủy hoại môi trường; Công ty SAVINA cần thiết phải tạm dừng hoạt động. Dự án đến địa phương phải làm tốt, nhưng SAVINA không xây dựng công trình bảo vệ môi trường. Doanh nghiệp này không những không làm tốt hơn mà còn ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe của người dân thì không có lý do gì mà không dừng”.
Liên quan đến việc xây dựng công trình sản xuất vôi công nghiệp SAVINA trên địa bàn, chúng tôi đã đặt lịch làm việc với Sở Xây dựng tỉnh Hà Nam. Tuy nhiên, khi làm việc với Chánh Văn phòng Sở và phòng chức năng, thật ngạc nhiên phần hồ sơ về mảng xây dựng lò sản xuất vôi công nghiệp của Công ty SAVINA Hà Nam do Sở này quản lý bị “thất lạc”(!?).
Báo Tài nguyên và Môi trường tiếp tục làm việc với Sở Xây dựng Hà Nam và thông tin về vấn đề này.