Thị xã Hoàng Mai (Nghệ An): Nhức nhối ô nhiễm tại cảng cá Quỳnh Lập

Tiếng dân - Ngày đăng : 11:15, 15/10/2018

(TN&MT) - Người dân xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) bức xúc vì cảng cá của địa phương gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng cuộc sống của họ. Đến nay, công tác giải quyết ô nhiễm ở địa phương này vẫn đang “giậm chân tại chỗ”.  

Cảng cá xã Quỳnh Lập nằm dọc bờ biển các xóm Đồng Tâm, Đồng Lực, Quyết Tiến, Quyết Tâm dài hơn 1 km. Cảng được hình thành từ đê chắn sóng làm cảng cho tàu cập bến xuống cá và chuẩn bị hậu cần ra khơi. Nhiều năm nay, vấn đề ô nhiễm môi trường ở khu vực này luôn ở mức báo động.

Mương nước thải dọc theo cảng cá Quỳnh Lập bị xuống cấp
Mương nước thải dọc theo cảng cá Quỳnh Lập bị xuống cấp

Có mặt tại cảng cá vào thời điểm gần trưa, khi những giao dịch mua bán cá đã hết thì cũng là lúc bề mặt cảng cá hiện rõ sự ô nhiễm. Trên con đường ven biển rộng khoảng 5m, nhiều vũng nước đọng màu đen bốc mùi tanh tưởi. Mương thoát nước thải bên đường nhiều vị trí không còn nắp đậy, nước dưới mương đen ngòm, đặc sánh sủi bọt trắng bốc mùi nồng nặc. Tại các xưởng nước đá, nước cũng tràn ra mặt đường đọng vũng lâu ngày đổi màu vàng nâu.
 

Các lò hấp cá, cống thoát nước thải được xây phía bên đường đã thải thẳng nước xuống rãnh và tràn cả ra đường đọng thành từng đám gây mất vệ sinh.
 

Nước thải đọng lại mương đen kịt, bốc mùi hôi thối
Nước thải đọng lại mương đen kịt, bốc mùi hôi thối

Một người bán hàng lâu năm tại xóm Quyết Tiến than thở: Những ngày tàu cá về nhiều, nước thải tràn lan cả đường. Mương nước thải nước dồn ứ, rác các loại trồi lên. Nhiều hôm, phải đóng quầy không bán hàng được vì mùi hôi thối không ai dám đến mua.
 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, HTX dịch vụ chợ và chế biến hải sản Đoàn Kết (HTX Đoàn Kết) thành lập năm 2008, hiện có khoảng hơn 30 xã viên. Trong số chiều dài hơn 1km cảng, đoạn do HTX Đoàn Kết khai thác chiếm hơn một nửa. Đây cũng là khu vực bị ô nhiễm nhất. HTX này hiện có nhiều cơ sở chế biến hải sản, chợ, 8 hộ kinh doanh thu mua, hấp sấy hải sản và 2 cơ sở xay bột cá.
 

Các cơ sở này đã xây dựng hố ga chứa nước thải, tuy nhiên, nước thải sau khi xử lý lắng cặn chưa đảm bảo điều kiện thải ra môi trường. Một số hộ kinh doanh nhỏ lẻ, chưa có ý thức trong việc bảo vệ môi trường, không xây hệ thống xử lý nước trước khi thải ra.
 

Bể lắng tại các cơ sở chế biến hải sản được xây nhưng nhưng sơ sài và không giải quyết vấn đề ô nhiễm
Bể lắng tại các cơ sở chế biến hải sản được xây nhưng nhưng sơ sài và không giải quyết vấn đề ô nhiễm

Ông Lê Minh Châu - Phó Giám đốc HTX Đoàn Kết cho biết, nguyên nhân gây ra ô nhiễm là hệ thống mương nước thải xây trước đây không thoát được nên nước đọng lại. HTX đã tiến hành vét lần thứ 5 nhưng không hiệu quả. Lúc biển động, gần 200 tàu cá cập bờ, với khoảng trên 1.000 tấn cá phải vận chuyển và tiêu thụ gấp nếu không kịp cũng gây ô nhiễm. Nhiều trường hợp, tàu cá cập cảng vài ngày, bán xong cá là nhổ neo ra đi không khắc phục những ô nhiễm gây ra để lại hệ lụy môi trường dân phải chịu. Chất thải cá chỉ cần để 10 tiếng là bốc mùi, nếu nằm đọng lại dưới cống rất hôi. HTX đã đúc nhiều nắp cống mới nhưng không đủ.
 

Thói quen thu mua hải sản và để nước thải ra đường cũng ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cảng cá Quỳnh Lập
Thói quen thu mua hải sản và để nước thải ra đường cũng ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cảng cá Quỳnh Lập

Được biết, Hội nghề cá và Doanh nghiệp của địa phương đang kiến nghị làm khu xử lý nước thải nằm ngoài đê chắn sóng, rộng khoảng 200 m2, dự trù kinh phí đầu tư hết khoảng 600 triệu đồng. Nhưng xây dựng ở ngoài đê chắn sóng phải xin ý kiến cấp Bộ nên mất nhiều thời gian.
 

Ở cảng cá Quỳnh Lập xây dựng 3 khu xử lý nước thải sẽ giải quyết được bài toán về ô nhiễm môi trường hiện nay. Ngoài ra, HTX Đoàn Kết đang đề xuất làm lại hệ thống mương thoát nước thải dọc cảng.
 

Ông Lê Minh Châu cũng kiến nghị các cấp cho HTX mặt bằng để xây dựng khu gom nước thải, vốn xây do HTX và doanh nghiệp đầu tư. Cần tuyên truyền để nâng cao ý thức cho người dân trong việc thu gom rác thải. Vì hiện nay, việc thu gom ở địa phương 1 tuần chỉ có 2 lần, trong khi, rác thải từ cá nhanh phân hủy nên nhiều người e ngại để trong vườn nhà.
 

Cảnh tượng nhếch nhác là hình ảnh quen thuộc ở cảng cá Quỳnh Lập
Cảnh tượng nhếch nhác là hình ảnh quen thuộc ở cảng cá Quỳnh Lập

Ông Lê Bá Vân - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập khẳng định, thời gian qua, một số xưởng chế biến xả cả vảy cá tắc cả cống thoát, xã đã làm việc với những cơ sở chế biến hải sản này yêu cầu họ phải khắc phục bằng cách làm bể lắng tại các xưởng. Còn việc xây khu xử lý nước thải rất khó vì tốn rất nhiều kinh phí. Nắp cống bằng với mặt đường và không phải cống chịu lực, đường chật xe đi qua bể hết nắp. Xã chuẩn bị cho nạo vét và bỏ tiền đúc nắp cống lại. Hệ thống cống xây từ năm 2012, dài hơn 1 km, nhưng đến nay vẫn chưa được nghiệm thu.
 

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, thời gian qua, UBND thị xã Hoàng Mai đã tiến hành kiểm tra và đôn đốc HTX Đoàn Kết chấn chính công tác đảm bảo vệ sinh môi trường.
 

Ngày 17/11/2017, thị xã đã có công văn yêu cầu HTX Đoàn Kết chấp hành nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường theo cam kết bảo vệ môi trường đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. HTX phải tiến hành xây dựng khu xử lý nước thải tập trung, không được thải nước thải sản xuất ra môi trường tự nhiên khi chưa đạt quy chuẩn. Khu xử lý nước thải tập trung phải hoàn thành trước ngày 13/3/2018.
 

Tuy nhiên, hết thời gian trên, HTX Đoàn Kết vẫn chưa khắc phục những tồn trại trong công tác bảo vệ môi trường. Ngày 11/6/2018, UBND thị xã Hoàng Mai tiến tục có công văn đôn đốc chấp hành công tác bảo vệ môi trường và yêu cầu HTX này phải hoàn thiện khu xử lý nước thải tập trung trước ngày 30/6/2018. Nhưng đến thời điểm này, dự án xử lý nước thải tập trung vẫn chưa khởi động.
 

Sự chậm trễ trong việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung của HTX Đoàn Kết cùng với ý thức của các doanh nghiệp, ngư dân…cùng với sự thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, đôn đốc của chính quyền địa phương đang khiến cho cảng cá Quỳnh Lập ngày càng bị ô nhiễm. Việc môi trường tại khu vực cảng cá nói trên đang bị ô nhiễm nghiêm trọng thì người dân nơi đây là đối tượng phải hứng chịu ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất.