Phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm: Loay hoay xử lý hàng loạt xưởng tái chế nhựa gây ô nhiễm

Tiếng dân - Ngày đăng : 11:47, 12/10/2018

(TN&MT) – Những xưởng tái chế nhựa, tái chế phế liệu, sản xuất dây thừng … đều hoạt động với quy mô nhỏ lẻ nên đã gây ô nhiễm môi trường trầm trọng cho khu dân cư. Không chỉ vậy, một số vụ cháy nổ xảy ra tại các xưởng này thời gian qua đã khiến cho hàng trăm hộ dân quanh đó phải sống trong thấp thỏm, lo âu.

Nhiều năm qua, tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội tồn tại hàng loạt xưởng tái chế phế liệu, tái chế nhựa, sản xuất dây thừng … bằng phương pháp thủ công với quy mô sản xuất nhỏ lẻ và không có các biện pháp bảo vệ môi trường. Điều đáng nói, các xưởng này nằm xen lẫn trong các khu dân cư đông đúc, hàng ngày xả khói thải mù trời nên đã tác động lớn đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt của người dân quanh khu vực.

 Khảo sát của PV báo TN&MT thấy rằng, các xưởng tái chế tập trung chủ yếu ở hai tổ dân phố số 17 và 18 phường Trung Văn. Khung cảnh quen thuộc trên những con đường ở đây là những xe tải chở phế liệu đi lại thường xuyên không được che chắn khiến rác thải rơi rớt ra đường. Trời nắng, rác theo gió cuốn bụi mù. Trời mưa, nước thải tràn ra đường, mùi tanh hôi bốc lên nồng nặc. Do đặc thù sản xuất của các hộ dân nơi đây chủ yếu là tái chế nhựa nên hình ảnh dễ bắt gặp ở mọi ngõ ngách là các loại túi ni lông, bao dứa, chai nhựa … được đóng thành từng bao tải đủ loại.
 

xuong tai che o nhiem phuong trung van
Cảnh đốt phế liệu tại một cơ sở tái chế nhựa phường Trung Văn

Thông thường quy trình cơ bản để tái chế nhựa là: phế liệu được bằm nhỏ, rửa sơ qua rồi cho vào máy nghiền, đốt nóng chảy thành nhựa, xử lý thành hạt nhựa nilon. Cuối cùng, hạt nhựa sẽ được cho vào máy rút sợi, máy thổi để cho ra thành phẩm. Toàn bộ quá trình này đều được làm thủ công và tất cả khí thải, nước thải đều được thải trực tiếp ra môi trường khiến cho hàng trăm hộ dân sống bên cạnh phải khốn đốn.

Chia sẻ với PV, chị Phạm Thu Hiền, phố Đại Linh, phường Trung Văn cho biết, gia đình chị nhiều năm qua phải sống chung với khí thải từ 3 xưởng tái chế nhựa sát ngay nhà. Quá trình tái chế nhựa sản sinh ra các hạt bụi màu siêu nhẹ mà hễ chúng bám vào đồ đạc là rất khó cọ rửa. “Gia đình tôi hầu như tháng nào cũng có người phải vào viện khám các bệnh liên quan tới hô hấp. Đó là chưa kể tới việc quá trình máy móc hoạt động, tạo ra tiếng ồn đinh tai nhức óc, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hộ dân xung quanh” – chị Hiền tâm sự.

Cũng theo chị Hiền, bên cạnh vấn đề ô nhiễm môi trường thì hàng trăm hộ dân sống quanh các xưởng tái chế này phải thấp thỏm lo âu vì nguy cơ cháy nổ. Chị cho biết: “Mấy năm gần đây, hầu như năm nào cũng xảy ra cháy mà đa phần các vụ cháy đều liên quan tới những xưởng tái chế nhựa. Theo tôi được biết, từ đầu năm 2018 đến nay, khu vực tôi sinh sống đã xảy ra 4 vụ cháy, trong đó có vụ cháy lớn diễn ra vào tháng 6 vừa qua đã được báo chí phản ánh. Gần nhất là trung tuần tháng 7/2018, một khu xưởng tái chế nhựa của gia đình ông Nguyễn Văn Khỏe đã bốc cháy. Ngọn lửa bốc cao tới gần tầng 2 nhà tôi khiến gia đình tôi cùng một số hộ khác phải sơ tán khẩn cấp. Chúng tôi vô cùng lo lắng và bức xúc”.
 

xu phat phuong trung van
Văn bản xử phạt của quận Nam Từ Liêm đối với một cơ sở gây ô nhiễm tại phường Trung Văn

Nhằm tìm hiểu thêm thông tin, PV báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND phường Trung Văn. Tại buổi làm việc ông Hùng cho biết: “Số lượng các xưởng tái chế nhựa, dây thừng chủ yếu tập trung ở tổ dân phố số 17 và 18. Trước đây, khu vực này có khoảng hơn 200 hộ sản xuất nhưng đến nay, con số này giảm xuống chỉ còn hơn 30 hộ. Quả thực, các xưởng này có hai vấn đề chính là: mùi khó chịu và nguy cơ cháy nổ cao. Chúng tôi đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền, vận động họ chuyển đổi sinh kế nhưng hiệu quả vẫn chưa thực sự như mong muốn. Từ đầu năm 2018 đến nay, quận Nam Từ Liêm và phường Trung Văn cũng đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với hai cơ sở sản xuất để tăng mức răn đe. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng, để giải quyết dứt điểm tình trạng nhà xưởng gây ô nhiễm, vấn đề ý thức của các hộ dân vẫn là quan trọng nhất”.

Theo lý giải của ông Đặng Quốc Hùng thì: “Do vấn đề sinh kế mà nhiều hộ chưa tìm được công việc thích hợp nên họ bắt buộc phải gắn bó với nghề tái chế nhựa. Có hộ, tất cả thành viên gia đình đều tham gia. Trong khi đó, mức xử phạt hành chính hiện nay còn nhẹ và chúng tôi chưa có quy chuẩn cụ thể về mức gây ô nhiễm thế nào thì có thể xử phạt. Thành ra phương pháp cơ bản mà phường triển khai vẫn chủ yếu là vận động, tuyên truyền người dân”.

Thừa nhận về nguy cơ cháy nổ cao từ các xưởng tái chế này nhưng ông Hùng cho biết, từ năm 2018, khu vực tổ dân phố 17, 18 mới chỉ xảy ra một vụ cháy lớn tại xưởng của ông Đào Đăng Khỏe (Tổ dân phố 17) với tổng thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. “Chúng tôi đã liên tục mở các lớp tập huấn, mời chuyên gia về hướng dẫn các hộ sản xuất, kinh doanh các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phòng chống cháy nổ. Tuy nhiên đến nay hiệu quả không được như kỳ vọng. Trong năm 2019 tới đây, phường Trung Văn sẽ có kế hoạch tổng kiểm tra, rà soát những đơn vị sản xuất trên địa bàn. Nếu đơn vị nào không đủ điều kiện, chúng tôi sẽ kiến nghị quận kiên quyết xử lý và buộc họ phải chấm dứt hoạt động” – ông Hùng cho biết thêm.