TP. Huế: Di dời hơn 4.000 hộ dân ra khỏi vùng đất di tích

Tiếng dân - Ngày đăng : 18:20, 09/10/2018

(TN&MT) - Hàng nghìn hộ dân xung quanh Kinh thành Huế đang sống trong những ngôi nhà ở dột nát, xuống cấp, môi trường sống không đảm bảo do ô nhiễm. Hầu hết họ đều hộ nghèo, không giấy tờ và đều thuộc diện di dời, giải toả nhưng vì nhiều vấn đề nên các cơ quan chức năng vẫn chậm xử lý...
Kinh thành Huế đang bị xâm hại bởi cuộc sống tạm bợ của hàng ngàn người dân
Kinh thành Huế đang bị xâm hại bởi cuộc sống tạm bợ của hàng ngàn người dân


Nhếch nhác, ô nhiễm

Theo tìm hiểu, Kinh thành Huế là một công trình di tích có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, cảnh quan môi trường và quân sự. Đây là quần thế Di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhân là di sản văn hóa của nhân loại. Công trình rộng hơn 500ha bao gồm nhiều hạng mục như: hộ thành hào, tuyến phòng lộ, tường thành, 24 eo bầu, Kỳ đài, Trấn Bình đài (Mang cá nhỏ) và mười cổng thành.

Bên trong, Kinh thành thuộc 4 phường: Thuận Hòa, Thuận Thành, Thuận Lộc, Tây Lộc và bên ngoài thuộc 3 phường tiếp giáp: Phú Hòa, Phú Bình và Phú Thuận.

Có mặt tại xung quanh Kinh thành Huế, đập vào mắt PV là những bức tường thành rêu phong ở khu vực di tích đang từng ngày “kêu cứu” do đã xuống cấp nghiêm trọng. Bên cạnh đó là những ngôi nhà chật hẹp, được che chắn tạm bợ chủ yếu bằng tôn, hệ thống đường sá không được nâng cấp... Mọi thứ ở đây trở nên chật chội, nhếch nhác và ô nhiễm.

Vì người dân dựng nhà trên tường thành nên lối vào duy nhất của xóm là những chiếc thang bắc vượt lên trên thành. Mùi hôi nồng nặc bốc lên từ nước sinh hoạt thải trực tiếp ra khu vực tường thành vì không có cống thoát nước. Hàng ngày, hàng nghìn người dân luôn sống thấp thỏm trong những căn nhà chờ sập. Đặc biệt là vào mùa mưa bão, những hộ dân này được chính quyền địa phương vận động di dời đến những nơi trú ngụ an toàn.

Rít một hơi thuốc lào, bà Nguyễn Thị Gái (72 tuổi, tổ 14, phường Thuận Lộc) cho biết, gia đình bà hiện có 3 thế hệ cùng sinh sống tại đây.

Những ngôi nhà tạm bợ, nhếch nhác, chỉ có cầu thang làm lối đi lên
Những ngôi nhà tạm bợ, nhếch nhác, chỉ có cầu thang làm lối đi lên

“Ở đây cực khổ lắm, nước thì bơm khoan lên chớ làm chi có nước máy!. Mùa mưa thì nhà dột, nước chảy lênh láng, mỗi khi nghe có gió bão là cả nhà phải tìm chỗ trú ẩn. Mùa nắng thì ngột ngạt, nóng như thiêu như đốt...”.

“Nhà mình có đến 6 người, muốn xây dựng kiên cố cũng không được, nếu xây chùng xây lén thì cũng sợ phí vì không biết lúc nào bị chuyển đi...”- anh Thái Văn Biểu (phường Thuận Lộc) cho hay.

Việc hàng ngàn hộ dân sinh sống trên di tích đã gây ảnh hưởng đến mỹ quan, đô thị; ảnh hưởng đến việc bảo tồn, trùng tu tôn tạo Di tích Huế.

Di dời 4.200 hộ dân

Được biết vào năm 2011, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quyết định phê duyệt kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng để thực hiện dự án đầu tư bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống kinh thành Huế.

Mục tiêu của dự án là giải tỏa và tái định cư cho toàn bộ cư dân trong khu vực Thượng Thành, Eo Bầu thuộc kinh thành, sớm ổn định cuộc sống cho người dân và chấm dứt tình trạng lộn xộn, xâm hại di tích. Đồng thời từng bước chỉnh trang, hoàn nguyên di tích và cải thiện cảnh quan chung của đô thị Huế. Tuy nhiên, đến nay việc giải tỏa mặt bằng vẫn chưa thực hiện xong do còn vướng mắc trong chính sách hỗ trợ di dời.

Cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn, trong khi đó xung quanh di tích Huế vẫn rất nhếch nhác và ô nhiễm
Cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn, trong khi đó xung quanh di tích Huế vẫn rất nhếch nhác và ô nhiễm

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thông tin rằng, trong giai đoạn từ 1996- 2018, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện di dời được 1.050 hộ dân tại các khu vực di tích như: hai bên bờ sông Ngự Hà, Đàn Xã Tắc, Đàn Âm Hồn, Lầu Tàng Thơ và thượng thành, Eo bầu phía Nam Kinh thành... Tuy nhiên, sự gia tăng dân số tự nhiên tạo áp lực lớn lên các khu vực di tích còn lại chưa được di chuyển dân cư và hiện nay trong khu vực I của các di tích Kinh thành Huế có khoảng hơn 4.200 hộ dân sinh sống.

Trong cuộc họp báo thường kỳ của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tháng 10, ông Hoàng Ngọc Khanh - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, phần lớn các hộ dân sống trong những ngôi nhà tạm bợ, chật hẹp, các điều kiện vệ sinh, môi trường không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe và mỹ quan đô thị, xâm phạm nghiêm trọng di tích.

“Hầu hết các hộ dân sống trong khu vực I di tích không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất ở không hợp lệ và xây dựng nhà trên công trình di tích, làm nhà chồ trên mặt nước nên theo quy định hiện hành thì đối với trường hợp này không được bồi thường về đất, nhà ở, tài sản gắn liền với đất. Mặt khác, phần lớn các hộ dân ở khu vực này thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đời sống khó khăn, lao động phổ thông nên cần có chính sách hỗ trợ phù hợp thực tế để có điều kiện xây dựng nhà tái định cư và nhằm ổn định cuộc sống dân sinh. Trước thực trạng trên, tỉnh Thừa Thiên Huế lên kế hoạch di dời 4.200 hộ dân ra khỏi khu vực I di tích Kinh thành Huế”- ông Khanh trình bày.

Cụ thể, ông Phan Văn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thông tin phương án di dời dân cư khoảng hơn 4.200 hộ thuộc khu vực I di tích Kinh thành Huế được thực hiện trong giai đoạn 2019-2021. Kinh phí di dời, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng là khoảng hơn 2.800 tỷ đồng. Nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ từ ngân sách Trung ương.

Ông Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đi khảo sát thực tế về cuộc sống của người dân sống xung quanh Kinh thành...
Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đi khảo sát thực tế về cuộc sống của người dân sống xung quanh Kinh thành...

Trong đó, ưu tiên tập trung di dời phạm vi di tích thượng thành, các eo bầu, hộ thành hào và tuyến phòng lộ. Tiếp đến là tại các di tích còn lại như: Hồ Tịnh Tâm và Hồ Học Hải, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ và hệ thống hồ thuộc 4 phường nội thành và di tích Trần Bình Đài.

“Ngoài ra, địa phương cũng sẽ bố trí kinh phí để đầu tư hạ tầng khu dân cư mới để chuẩn bị phục vụ tái định cư trước khi di dời dân cư, với diện tích khoảng 73ha tại phường Hương Sơ (TP. Huế). Khu tái định cư mới phải đảm bảo các yếu tố cơ bản về hạ tầng kỹ thuật (giải phóng mặt bằng, san nền, đường giao thông, cấp thoát nước, điện,..) và các thiết chế y tế, văn hóa, giáo dục của khu tái định cư. Tổng kinh phí thực hiện dự kiến khoảng hơn 1.360 tỷ đồng...”- ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, nếu di dời được các hộ dân khỏi khu vực Thượng Thành, Eo Bầu, Hộ thành hào... thì Huế sẽ có thêm những sản phẩm du lịch mới như tuyến đi bộ trên Thượng thành, tham quan Kinh thành Huế bằng đường thủy trên Hộ thành hào...

Vừa qua, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã cùng đại diện các sở, ngành liên quan đi khảo sát, kiểm tra thực tế các khu dân cư tại khu vực di tích kể trên.

Ông Phan Ngọc Thọ đã động viên và chia sẻ với những khó khăn mà các hộ dân sinh sống tại khu vực này đang gặp phải. Ông Phan Ngọc Thọ cho biết, lãnh đạo tỉnh luôn trăn trở trước những khó khăn của các hộ dân sinh sống nơi đây, tỉnh đang tích cực triển khai nhiều giải pháp, những chính sách để sớm đưa các hộ dân đến sống ở khu vực mới, có điều kiện cuộc sống tốt hơn...