Bỉm Sơn (Thanh Hóa): Lập hồ sơ khống, bớt xén tiền đền bù đất của dân?
Tiếng dân - Ngày đăng : 19:45, 07/10/2018
Theo đơn tố cáo của ông Khiếu Quang Cảnh trú tại xã Quang Trung, TX.Bỉm Sơn (Thanh Hóa) gửi các cơ quan chức năng cho biết: Khi giải phóng mặt bằng để xây dựng nhà máy xi măng Long Sơn tại phường Đông Sơn (TX. Bỉm Sơn), UBND thị xã đã thành lập một tổ công tác để giải phóng mặt bằng. Trong đó, ông Vũ Đức Cường (khi còn làm Chủ tịch phường làm Tổ trưởng, nay là Bí thư Đảng ủy phường Đông Sơn) cùng một số cán bộ của phường làm Tổ phó và tổ viên.
Trong đơn tố cáo ông Cảnh viết: Những người trong ban giải phóng mặt bằng đã lập hồ sơ khống và thành lập hội đồng xét duyệt nguồn gốc đất cho những trường hợp không có đất trong phạm vi giải phóng để rút tiền ngân sách nhà nước.
Cụ thể, trong đơn ông Cảnh liệt kê trường hợp ông Vũ Mạnh Quyến; ông Nguyễn Văn Kỳ ở thôn Đông Thôn không có đất trong phạm vi xây dựng nhà máy xi măng Long Sơn nhưng lại được cán bộ trong ban giải phóng mặt bằng lập hồ sơ khống để rút ruột tiền nhà nước lên đến 1 tỷ đồng. Trường hợp gia đình ông Nguyễn Văn Thanh thôn Đông Thôn cũng không có đất nhưng lại ký nhận 300 triệu đồng. Trên thực tế, toàn bộ số tiền này các hộ không được nhận mà chỉ ký nhận trên danh sách được cán bộ ban giải phóng lập. Cụ thể gia đình ông Vũ Mạnh Quyến là 1431,3m2; ông Nguyễn Văn Kỳ 1326,7m2; ông Nguyễn Văn Thanh là 911,6m2.
Xác nhận qua rất nhiều hộ gia đình ở thôn Đông Thôn, đều cho biết 3 hộ gia đình kể trên đều không có đất sản xuất ở khu ông Cải nằm trong diện tích đền bù giải phóng xây dựng nhà máy xi măng Long Sơn. Các hộ dân cho biết đất sản xuất của 3 hộ nêu trên cách đó một ruộng mía, gần với nghĩa trang của phường.
Trao đổi với ông Trương Văn Bảy (Nguyên là Bí thư phường Đông Sơn), ông Bảy cho biết: Về việc 3 hộ ông Quyến, ông Kỳ và ông Thanh không có đất thuộc diện giải phóng để xây dựng Nhà máy xi măng Long Sơn nhưng vẫn ký nhận trong danh sách được đền bù tôi cũng được biết. Thực tế thì 3 hộ trên không đất sản xuất tại khu ông Cải (khu đất thuộc phạm vi giải phóng để xây dựng Nhà máy xi măng) mà đất sản xuất của 3 hộ này sát khu nghĩa trang của phường. Không những thế, có nhiều ý kiến của người dân phản ánh về việc đền bù giải phóng mặt bằng không minh bạch. Nhiều hộ dân tăng diện tích khi kiểm kê so với thực tế.
Trong khi đó, trường hợp bà Mai Thị Ký (thôn Sơn Tây), trong hồ sơ đền bù thì gia đình bà được nhận số tiền 400 triệu đồng, nhưng thực tế bà chỉ được nhận 276.300.000 đồng. Số tiền 120 triệu đồng còn lại bà không được nhận.
“Tôi cũng không rõ gia đình bị thu hồi bao nhiêu diện tích, vì khi đó, chồng tôi còn sống nên việc kiểm kê do ông ấy nắm. Khi ông ấy đột ngột qua đời mới được 3 ngày thì cán bộ phường gọi tôi lên ký nhận tiền. Lúc đó chồng mới mất nên tâm trạng tôi cũng đau buồn chẳng để ý mình được nhận bao nhiêu tiền đền bù. Nhưng thực tế tôi chỉ được nhận 276.300.000 đồng. Sau khi biết lẽ ra phải được nhận 400 triệu đồng tôi đã làm đơn gửi lên phường yêu cầu trả lại số tiền còn thiếu, đồng thời công khai rõ ràng diện tích, hoa màu tài sản mà gia đình tôi được đền bù, hỗ trợ” bà Ký nói.
Trao đổi với Phóng viên về sự việc trên, ông Dương Văn Đông, Chủ tịch phường Đồng Sơn (TX.Bỉm Sơn) phân trần: Thời điểm giải phóng mặt bằng xây dựng Nhà máy xi măng Long Sơn ông chưa về công tác tại phường nên không nắm được. Đồng thời yêu cầu Phóng viên phải có Văn bản thì mới cho kiểm tra, xác minh trả lời?
Phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường đã nhiều lần liên hệ xin đăng ký làm việc với UBND Thị xã Bỉm Sơn để có thông tin 2 chiều, nhưng đều nhận được câu trả lời là “bận họp”.
Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp theo dõi, thông tin tới bạn đọc.