Dự án Tokyo Tower: Cư dân có bị ngân hàng PVcombank “phớt lờ” bảo lãnh?

Tiếng dân - Ngày đăng : 17:53, 04/10/2018

(TN&MT) - Được biết, Dự án Tòa nhà hỗn hợp đa năng và chung cư cao cấp Vinafor (sau đổi tên thành Dự án Tokyo Tower), địa chỉ số 55, đường 430 phường Vạn Phúc,...
(TN&MT) - Được biết, Dự án Tòa nhà hỗn hợp đa năng và chung cư cao cấp Vinafor (sau đổi tên thành Dự án Tokyo Tower), địa chỉ số 55, đường 430 phường Vạn Phúc, Q. Hà Đông, Tp. Hà Nội, chủ đầu tư Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01. Và Ngân hàng Thương mại Cổ phần đại chúng Việt Nam (PVcombank) đứng ra bảo lãnh. Tuy nhiên, các cư dân tại đây đang bị chính ngân hàng nhận bảo lãnh “phớt lờ” nghĩa vụ.

Điều đặc biệt, trước khi tiến hành mua căn hộ tại dự án trên, người dân đều nhận được Thư cam kết phát hành bảo lãnh số 11271/PVB-K.KHDN của Ngân hàng Pvcombank ngày 23/10/2015 về việc cam kết sẽ phát hành bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai đối với dự án “Tòa nhà hỗn hợp đa năng và chung cư cao cấp Vinafor tại địa chỉ số 55, đường 430 phường Vạn Phúc, Q. Hà Đông, Tp. Hà Nội”.
Trong quá trình triển khai dự án, Chủ đầu tư đã gặp khó khăn về tài chính, dẫn tới dự án “ì ạch” và không thể bàn giao nhà cho cư dân đúng hạn 31/12/2017 như đã cam kết trong hợp đồng.

Căn cứ vào Điểm 12.2.1 điều 12 của HĐMB quy định: “Nếu bên bán bàn giao căn hộ cho bên mua sau quá 180 ngày kể từ ngày bàn giao dự kiến, bên mua có quyền gửi thông báo bằng văn bản cho bên bán về việc chấm dứt hợp đồng và hợp đồng này sẽ được tự động chấm dứt sau 05 ngày kể từ ngày bên mua gửi thông báo mà không cần sự đồng ý của bên bán và điều 12.2.2 sẽ được áp dụng”. Và Điểm 12.2.2 điều 12 của HĐMB: “Bên bán bị phạt hợp đồng là 10% giá trị căn hộ; đồng thời bên mua có quyền nhận lại số tiền mua căn hộ trong vòng 15 ngày kể từ ngày bên bán nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng. Trong trường hợp hai bên không thống nhất được tổng mức bồi thường thiệt hại phát sinh, khi đó tổng mức bồi thường thiệt hại được xác định bằng 30% giá bán căn hộ”.
anh 1
Có Hợp đồng bảo lãnh của Ngân hàng PVcombank nhưng người dân đang bị "phớt lờ" quyền lợi
Nhiều người dân mua căn hộ tại dự án Tokyo Tower bức xúc: Người dân đã gửi thông báo chấm dứt hợp đồng với chủ đầu tư, tuy nhiên chủ đầu tư không còn khả năng tài chính, nên chúng tôi gửi đơn tới Ngân hàng Pvcombank để yêu cầu phía Ngân hàng thực hiện việc bảo lãnh như đã cam kết.

Tuy nhiên, sau khi làm việc với Ngân hàng, người dân nhận được thông báo rằng hợp đồng của họ không được ngân hàng đứng ra bảo lãnh thanh toán với lý do: Thời hạn bảo lãnh hợp đồng đã hết, khách hàng không tiến hành đăng ký xác nhận bảo lãnh tại Ngân hàng,  do đó khách hàng không đủ điều kiện để Ngân hàng thực hiện bảo lãnh... tất cả được thể hiện trong Thư bảo lãnh được Ngân hàng phát hành cho chủ đầu tư vào ngày 29/12/2015?!

Điều lạ lùng, đến nay Thư bảo lãnh giữa Chủ đầu tư và Pvcombank như thế nào người dân không hề hay biết nội dung, mà họ chỉ nhận được duy nhất Thư cam kết bảo lãnh số 11271/PVB-K.KHDN ngày 23/10/2015. Điều người dân bức xúc, không hiểu vì lý do gì mà Chủ đầu tư và Pvcombank suốt thời gian dài cố tình không cung cấp  cho người dân thư bảo lãnh ngân hàng, dẫn tới người dân không nắm bắt được các quy trình, thủ tục, thời hạn bảo lãnh... dẫn tới việc tất cả những người dân mua nhà của Dự án  Tokyo Tower đều vi phạm điều khoản bảo lãnh, đây là một hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng giữa Ngân hàng và chủ đầu tư.
anh 2
Người dân bức xúc vì dự án Tokyo Tower chậm tiến độ
Theo Luật sư Nguyễn Đức Năng - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết: Nếu theo hiện trạng thực tế tại Dự án, Chủ đầu tư không có khả năng tài chính để có thể tiếp tục xây xựng, hoàn thành và bàn giao Dự án cho cư dân. Trong khi, phía Ngân hang PVcombank họ không có trách nhiệm trong công tác xây dựng, bàn giao nhà cho cư dân vì như thế sẽ không đúng quyền hạn và nghĩa vụ (Ngân hàng không được phép xây dựng bất động sản - pv). Nên sự liên kết, ràng buộc giữa người mua nhà và Ngân hàng chính là Hợp đồng bảo lãnh căn hộ theo Luật kinh doanh Bất Động Sản. Trong trường hợp này, Ngân hàng phải có trách nhiệm với các cư dân mua nhà của dự án trên.

Tại Điều 56, Luật kinh doanh Bất động sản năm 2014: Bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai ghi rõ:

1. Chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố danh sách ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh trong kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai.

2. Phạm vi, điều kiện, nội dung và phí bảo lãnh do các bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm thực hiện trách nhiệm của bên bảo lãnh quy định tại khoản 3 Điều này và phải được lập thành hợp đồng. Chủ đầu tư có trách nhiệm gửi bản sao hợp đồng bảo lãnh cho bên mua, bên thuê mua khi ký kết hợp đồng mua, thuê mua.
anh 3
Người dân hoang mang vì bị Ngân hàng PVcombank từ trối bảo lãnh
Như vậy, có thể hiểu Hợp  đồng bảo lãnh dự án có thời hạn cho đến khi nhà ở được bàn giao cho bên mua, bên thuê mua. Cho tới nay, người dân vẫn chưa được chủ đầu tư bàn giao nhà vì thế hợp đồng bảo lãnh này vẫn trong thời gian còn hiệu lực.

Ngoài ra, tại “Điều 12 Thông tư 07/2015 của Ngân hang nhà nước quy định về việc: Bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai” nêu rõ:

1. Khi thực hiện bảo lãnh cho chủ đầu tư dự án bất động sản để bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định tại Điều 56 Luật kinh doanh bất động sản, ngân hàng thương mại phải tuân thủ các quy định sau đây:

đ) Thỏa thuận cấp bảo lãnh với chủ đầu tư, cam kết bảo lãnh phải phù hợp với quy định tại khoản 2, 3 Điều 56 Luật kinh doanh bất động sản 2014;

Luật đã quy định các thỏa thuận với chủ đầu tư, các cam kết bảo lãnh phải phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật kinh doanh Bất động sản 2014. Cho nên, tới nay Hợp  đồng bảo lãnh dự án có thời hạn cho đến khi nhà ở được bàn giao cho bên mua.

Do vậy, có thể khẳng định rằng việc Ngân hàng PVcombank đang cố tình phớt lờ thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với cư dân là có dấu hiệu trái luật.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.