Dự án Tây Nam Kim Giang I, Hà Nội: Dân mong được đối thoại sau cưỡng chế

Tiếng dân - Ngày đăng : 17:48, 28/09/2018

(TN&MT) - Ngày 11/9/2018, UBND huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội đã tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với 28 hộ dân không bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, sau buổi...
(TN&MT) - Ngày 11/9/2018, UBND huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội đã tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với 28 hộ dân không bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, sau buổi cưỡng chế nguyện vọng tha thiết của các hộ dân nơi đây là các cơ quan chức năng địa phương tổ chức một cuộc đối thoại về việc đền bù thỏa đáng sau giải phóng mặt bằng.
 
Bà Cao Thị Hậu - Thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì
Bà Cao Thị Hậu - Thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội cho biết, nhân dân bị thu hồi đất mong mỏi được đối thoại với chính quyền xã Tân Triều và huyện Thanh Trì

Như Báo Tài nguyên và Môi trường thông tin tới bạn đọc số ra ngày 30/8/2018 với nhan đề: “Dự án Tây Nam Kim Giang I, Hà Nội: Cần sự công khai, minh bạch” phản ánh về việc giải phóng mặt bằng Dự án khu đô thị Tây Nam Kim Giang I nằm trên địa bàn thuộc thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.

Điều đáng nói là Dự án nói trên, được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt từ năm 2007. Tuy vậy, cho đến nay đã 11 năm trôi qua Dự án khu đô thị Tây Nam Kim Giang I vẫn chưa hoàn thành xong công tác giải phóng mặt bằng, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, cũng như làm giảm hiệu quả nguồn lực đất đai.

Trao đổi với Báo Tài nguyên và Môi trường về vấn đề này, ông Bùi Huy Hoàng  - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Thanh Trì cho biết: Từ ngày 26 tháng 10 năm 2007, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định thu hồi 357.910 m2 đất tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì để phục vụ xây dựng nhà tái định cư. Tuy nhiên do nhiều lý do, Dự án bị chậm giải phóng mặt bằng. 

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án, đáp ứng yêu cầu thu hút nguồn lực đầu tư., ngày 11/9/2018, UBND huyện Thanh Trì đã tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với 28 hộ dân không bàn giao mặt bằng. Trong tổng diện tích gần 20.000 m2 đất nông nghiệp phải thu hồi của 28 hộ gia đình tại xã Tân Triều, có 12 hộ đang có công trình trên đất, còn lại là diện tích đất ao, vườn và đất trống.

Cũng theo thống kê từ UBND huyện Thanh Trì, trong số 97 hộ gia đình đã phê duyệt phương án nhưng chưa nhận tiền và bàn giao mặt bằng, các thửa đất nằm rải rác tại các ô đất mà thành phố giao cho nhiều Chủ đầu tư khác nhau. Do vậy, việc cưỡng chế sẽ không triển khai đồng thời mà phải theo tiến độ của từng Chủ đầu tư để đảm bảo sau khi cưỡng chế có đơn vị tiếp nhận, quản lý mặt bằng, tránh tái lấn chiếm. 

Trước mắt, theo đề nghị của Công ty TNHH Đầu tư Thanh Xuân Bắc, UBND huyện Thanh Trì sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng theo từng giai đoạn, trong đó giai đoạn I triển khai tại các ô đất TT3, TT4, TT7A, một phần tuyến đường số 2, 3, 14, 23. Sau khi kiểm tra, rà soát, chỉ có 28 hộ nằm trong giai đoạn I mà công ty này đề nghị nên UBND huyện đã ban hành các Quyết định cưỡng chế thu hồi 19. 974,41 m2 đất nông nghiệp.

Bà Cao Thị Hậu - Thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì cho biết: Gia đình bà có hơn 1000 m2 đất được giao theo Nghị định 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ về việc ban hành quy định giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp và số diện tích đất nông nghiệp này cũng nằm trong diện bị thu hồi phục vụ dự án khu đô thị Tây Nam Kim Giang I. 

“Tuy nhiên, đến thời điểm này gia đình bà vẫn chưa nhận được số tiền đền bù với lý do tại sao trong cùng một Dự án thu hồi đất của người dân mà Nhà được tái định cư, nhà lại không được tái định cư (?!). Điều này chứng tỏ chính sách đền bù mà UBND huyện Thanh Trì đang thực hiện đã không công bằng rồi, những hộ dân như chúng tôi chưa nhận được tiền đền bù chỉ mong các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng địa phương từ xã đến huyện tổ chức một cuộc đối thoại với nhân dân” - Bà Cao Thị Hậu nói.

Trong một diễn biến khác ông Bùi Huy Hoàng  - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội cho biết: Sau khi hoàn thành việc cưỡng chế thu hồi đất đối với 28 hộ dân kể trên. Từ nay cho đến cuối năm 2018, UBND huyện Thanh Trì sẽ tiếp tục cưỡng chế thu hồi đất đối với các hộ đã được phê duyệt nhưng chưa nhận tiền và bàn giao mặt bằng. 

Bên cạnh đó, UBND huyện Thanh Trì cũng sẽ tiếp tục có những đề nghị với UBND thành phố Hà Nội chấp thuận địa điểm bố trí tái định cư cho các hộ dân đủ điều kiện, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án khu đô thị Tây Nam Kim Giang I …